PHỤC VỤ CÁC KỲ HỌP
<< < 1 2 3 4 > >>

Giải trình ý kiến cử tri

Trả lời kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh khóa VII

Cử tri thành phố Huế: Đề nghị UBND tỉnh đánh giá hiệu quả của 13 trạm thủy điện trên địa bàn: việc xả lũ gây ngập lụt, việc quản lý rừng phòng hộ...
14/07/2021

Trả lời:

Hiện nay trên địa bàn có 13 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch được phê duyệt. Trong đó 10 nhà máy đã đi vào vận hành với tổng công suất 377,7MW và 03 dự án đang trong giai đoạn thi công với tổng công suất 82,6MW.Trong những năm qua các nhà máy đi vào vận hành đã mang lại một số hiệu quả sau:

- Cung cấp nguồn điện trực tiếp cho hệ thống điện của tỉnh và quốc gia; đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, an ninh quốc phòng trong khu vực; tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương thông qua hình thức nộp thuế, hỗ trợ cộng đồng thông qua việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (36 đồng/kWh).

­- Việc vận hành điều tiết lũ: các hồ chứa thủy điện khi đi vào vận hành đã giảm lũ, làm chậm lũ cho vùng hạ du vào mùa lũ, điều tiết nước, cấp nước, đẩy mặn vào mùa cạn; cụ thể:

+ Trong đợt mưa lũ đặc biệt lớn từ ngày 06-17/10/2020 và hoàn lưu bão số 6 gây ra trên địa bàn Thừa Thiên Huế: Tổng lượng mưa đợt này tương đương với tổng lượng mưa trong đợt lũ lịch sử đầu tháng 11/1999, tổng lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Hương khoảng 3,7 tỷ m3, trong đó các hồ chứa giữ lại khoảng gần 1 tỷ m3, tổng lượng về hạ du khoảng 2,7 tỷ m3. Tổng lượng nước tại nội đồng, đồng bằng khoảng 1,4 tỷ m3 như vậy với tổng lượng nước vùng đồng bằng đã tải khoảng 4,1 tỷ m3 và được cắt giảm, điều tiết 1 tỷ m3.

+ Trong các đợt lũ vừa qua việc vận hành hồ đảm bảo nguyên tắc an toàn tuyệt đối cho công trình. Mặc dù tổng lượng lũ về hồ rất lớn, nhưng hồ vẫn hoạt động an toàn, mực nước hồ được khống chế đạt dưới mực nước dâng bình thường. Cụ thể: Trên sông Hương: Hồ Tả Trạch và Bình Điền đã cắt được gần 600 triệu m3, đỉnh lũ tại Kim Long ước giảm từ 0,6 - 0,8m và làm chậm đỉnh lũ hạ lưu được khoảng 43 giờ; trên sông Bồ: Do lũ cường suất quá lớn, lũ xuất hiện 5 đợt liên tiếp với tần suất quá lớn nên hiệu quả giảm lũ hạ lưu sông Bồ chưa đạt yêu cầu, đỉnh lũ thực tế cao hơn đỉnh lũ lịch sử tháng 11/1999 nhưng đã làm chậm lũ 30 giờ, đó là một chỉ số đáng ghi nhận, góp phần đáng kể giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhà nước và nhân dân.

Việc vận hành điều tiết lũ các hồ chứa trong đợt lũ vừa qua đã góp phần kéo dài thời gian xuất hiện đỉnh lũ ở hạ du, tức là làm chậm lũ; tăng thêm quỹ thời gian cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du có thời gian chủ động triển khai công tác ứng phó với lũ lụt, làm giảm rất đáng kể thiệt hại có thể xảy ra.

- Việc quản lý rừng phòng hộ: Các thủy điện bậc thang (A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4) làm giảm thiểu rất nhiều việc ảnh hưởng đến môi trường rừng, giúp điều hòa dòng chảy, giảm đỉnh lũ. Việc xây dựng hồ chứa thủy điện chủ yếu trên các sông đã có trong khu vực, ít làm chia cắt địa hình cũng như không tạo ra dòng chảy mới. Việc hình thành các hồ chứa nước tại các địa phương vùng cao A Lưới, Nam Đông, Bình Điền, Hương Vân… đã giúp địa phương chủ động trong tưới tiêu nông lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng và làm tốt công tác phòng chống cháy rừng.

- Hạ tầng giao thông, cầu, đường, thông tin liên lạc, cơ sở y tế, trường học tại vùng xa có dự án đã được nhà đầu tư quan tâm, làm thay đổi bộ mặt đáng kể ở nông thôn miền núi liên kết với khu vực trung tâm.

(Theo báo cáo 242/BC-UBND ngày 10/7/2021 của UBND tỉnh)

<< < 1 2 3 4 > >>