Ngân hàng ý tưởng

Tuổi trẻ Huế làm gì để Huế đẹp hơn
Nguyễn Văn Huế
Đường Võ Thị Sáu - TP Huế
18/09/2015
Cần đánh giá lại và quan tâm phát triển dịch vụ - du lịch cho Huế

          Xin lãnh đạo tỉnh cần quan tâm nhìn nhận và đánh giá lại vị trí ngành du lịch Thừa Thiên Huế đối với các tỉnh thành khác, có biện pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ - du lịch, kẻo tụt hậu và bị bỏ quên trên bản đồ du lịch VN. Tôi xin được tâm sự thế này: Theo như cá nhân theo dõi trên các phương tiện thông tin và như tôi quan sát, thì từ đầu năm đến nay, qua một số dịp nghỉ và lễ lớn như 30-4 và 1-5, du lịch Hè hay quốc khánh 2-9 thì các hãng hàng không (VNA, Jetstar, Vietjet) đã tung các Poster quảng cáo đi kèm với các biểu tượng để làm chương trình khuyền mãi đến các điểm du lịch nổi tiếng từ Bắc chí Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt , HCM hay Phú Quốc, nhưng tuyệt không có Huế. Thành phố mà chúng ta luôn tự hào là một điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn về du lịch và vị thế của Huế trên bản đồ du lịch đã thực sự giảm sút một cách đáng lo ngại. Theo thiển kiến của mình có lẽ chúng ta không phát triển được thêm nhiều cái mới và thực sự đồng bộ bên cạnh những cái cũ để níu chân du khách, nhất là khách trẻ. Ví dụ, những cái tiêu biểu và mũi nhọn của Huế là quần thể di tích Đại Nội, lăng tẩm , chùa chiền, những cái đó mang tính viếng thăm nhiều hơn là lưu trú, trong khi những cái thuộc về nghỉ dưỡng và vui chơi của Huế còn ít và khá khiêm tốn. Với Huế khách có thể đến xem qua những di tích xong trong ngày và chuyển tới nơi khác hấp dẫn hơn để lưu trú và vui chơi. Điều này cũng cảnh báo cho những ai vẫn còn ý nghĩ bảo thủ về sức hấp dẫn của những di tích trong tình hình hiện nay. Tôi nghĩ, Huế chúng ta cần phải nỗ lực để tạo ra nhiều cái mới phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn nữa mới mong hấp dẫn du khách và cạnh tranh được với những Tp khác đang trỗi dậy rất mạnh mẽ. Đơn cử như Phú Quốc từ khi được Vingroup đầu tư và tổ chức các sự kiện hoa hậu, vị thế của Phú Quốc đã lên rất nhanh trong Bản đồ du lịch không chỉ trong nước mà còn quốc tế.

        Có lẽ tôi viết bài này sẽ gây nên một sự đụng chạm. Nhưng trên tinh thần là góp ý để tỉnh nhà nói chung và Tp Huế nói riêng ngày càng phát triển, nhất là trong lĩnh vực du lịch, tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của Lãnh đạo tỉnh qua nhìn nhận của tôi!?

                                                                 (Nguyễn Văn Huế, Đường Võ Thị Sáu - TP Huế)

Tiêu đề: Phản hồi ý tưởng của bạn: Nguyễn Văn Huế; Ở địa chỉ: Đường Võ Thị Sáu - TP Huế
Nội dung: Xin chân thành cám ơn bạn đã góp ý để đưa ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển. Trước hết phải khẳng định rằng quần thể Di tích cố đô Huế là một thế mạnh, là nền tảng để phát triển du lịch ở Huế. Nói đến du lịch Huế là nói đến di tích, nói đến cảnh quan thiên nhiên đẹp, nói đến Nhã nhạc cung đình và con người Huế nhẹ nhàng, mến khách… Trong những năm qua, Lãnh đạo tỉnh chúng tôi cùng các sở, ban, ngành có liên quan luôn trăn trở với bài toán của ngành du lịch đó là: Làm thế nào để tăng số lượng khách đến, tăng thời gian lưu trú của khách và tăng doanh thu ngành du lịch. Để giải quyết bài toán này, cùng với tăng cường công tác quảng bá hình ảnh của Huế thông qua các hội chợ, hội nghị, hội thảo về xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; các lễ hội du lịch quốc gia, quốc tế; tổ chức có hiệu quả các kỳ festival, đẩy mạnh công tác lữ hành… thì tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tập trung đầu tư cho việc trùng tu di tích để tránh xuống cấp và dần dần khôi phục lại các di tích đã hư hỏng, đầu tư nâng cấp sân bay, cảng biển, hệ thống giao thông đến các điểm du lịch, các danh lam thắng cảnh, các điểm di tích, nghiên cứu đầu tư thêm các điểm vui chơi, giải trí, phát triển các mặt hàng lưu niệm, kêu gọi các nhà đầu tư lớn về đầu tư ở Thừa Thiên Huế (đáng kể có Tập đoàn Banyan Tree của Singapore đã đầu tư và đưa vào hoạt động khu phức hợp du lịch cao cấp Laguna tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô…). Đặc biệt, Tỉnh cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2030. Theo đó, sẽ tập trung phát triển du lịch Thừa Thiên Huế nhanh, bền vững, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là giá trị của quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá với những mô hình phát triển mới, mang tính khác biệt với một tầm nhìn tổng hòa trong mối liên kết vùng, quốc gia và quốc tế. Trong đó chú trọng các giải pháp về cơ chế, chính sách; về huy động vốn đầu tư; về nguồn nhân lực; thị trường; xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá ; tuyên truyền bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch… Đây là có thể coi là kim chỉ nam đồng thời là hành lang pháp lý để định hướng phát triển ngành du lịch trong thời gian tới. Những nỗ lực của ngành du lịch đã góp phần làm cho lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế tăng bình quân hàng năm khoảng 20%. Tuy nhiên, trên thực tế cũng thừa nhận rằng các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế vẫn chưa khai thác một các tối đa, có hiệu quả, các chỉ tiêu về số lượng khách, doanh thu ngành du lịch vẫn chưa đạt yêu cầu. Và đúng như bạn nói, sản phẩm du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế chưa thật phong phú, vẫn đang dựa trên nền tảng các di tích mà vẫn chưa khai thác hết các thế mạnh của di tích; chưa có các khu, điểm vui chơi giải trí lớn, có khả năng hấp dẫn du khách như một số tỉnh, thành khác và công tác quảng bá du lịch, công tác lữ hành còn yếu. Như vậy, với 2 vấn đề ông đặt ra là tạo ra các sản phẩm du lịch mới để cạnh tranh với các tỉnh khác và tăng cường hoạt động quảng bá du lịch thì quả thật đang còn nhiều vấn đề bất cập. Để giải quyết những vấn đề này ngoài những nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành của Tỉnh thì vai trò của người dân, của các doanh nghiệp cũng rất quan trọng và Thừa Thiên Huế cũng đang rất cần có những doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu tham gia hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn. Đây là cái mà Thừa Thiên Huế đang thiếu. Để khắc phục những vấn đề nêu trên, trong các định hướng phát triển của mình thì Thừa Thiên Huế cũng đặc biệt quan tâm đến các chiến lược quảng bá du lịch thông qua nhiều hình thức nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế là một điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn đối với du khách trong và ngoài nước; thường xuyên tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch… Bên cạnh đó, Tỉnh cũng chú trọng phát triển các dịch vụ phụ trợ đối với ngành du lịch, hình thành các khu vui chơi, giải trí… thông qua việc xúc tiến kêu gọi, tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch đầu tư vào Thừa Thiên Huế bởi với sự có mặt của các nhà đầu tư lớn có thương hiệu, có tầm ảnh hưởng và mạnh về hoạt động du lịch thì mới có thể giải quyết được vấn đề này. Trong quá trình này, chúng tôi rất mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đặc biệt là những mô hình, giải pháp cụ thể, khả thi của đông đảo nhân dân trong tỉnh để ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung ngày càng phát triển. Chúng tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới với các dự án đã, đang triển khai và các dự án đang được các đối tác đang nghiên cứu từ phía cộng đồng doanh nghiệp, cộng với với sự tâm huyết của những người yêu Huế cùng chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ thương hiệu du lịch Huế và với sự quản lý hiệu quả của Nhà nước thì chúng tôi tin rằng trong một vài năm tới, Thừa Thiên Huế sẽ là tỉnh du lịch hàng đầu của Việt Nam, có vị thế đáng kể trên bản đồ du lịch trong khu vực và trên thế giới. Trân trọng!
File đính kèm: Gop y Nguyen Van Hue.doc

Các ý kiến góp ý mới