Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính được hình thành trong quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945) do hoàng đế ban hành. Đây là khối tài liệu lưu trữ quý hiếm, nội dung phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện về các hoạt động chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội dưới triều Nguyễn. Tháng 5/2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu, sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ và các tờ truyền, sai, phó, khiển, di (loại công văn của các cơ quan, tổ chức Nhà nước) thuộc kho lưu trữ của triều đình Nguyễn được vua ngự lãm và ngự phê. Trước khi ngự phê, vua tham khảo “phiếu nghĩ” của các Nội Các, Lục Bộ sau đó trực tiếp cho ý kiến đồng ý hay phủ nhận… Đây là loại văn bản hành chính được hình thành trong quá trình hoạt động của bộ máy Nhà nước phong kiến thời Nguyễn từ trung ương đến địa phương. Nội dung văn bản phản ánh một cách toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao của xã hội Việt nam trong thời gian tại vị của 13 đời vua Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại (1802-1945)”.
Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn bao gồm dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác. Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn có 6 loại gồm: châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Các hình thức Ngự phê này là một trong những đặc trưng độc đáo của Châu bản.
Các hình thức ngự phê của hoàng đế trên Châu bản
- Triều Gia Long: Trong Châu bản, văn bản lưu bút tích của hoàng đế Gia Long không nhiều, chủ yếu là trên văn bản có nội dung về các vị thuốc của Ngự Y Viện tấu lên, kê khai dân số của trường duyệt tuyển địa phương tấu lên. Qua những chi tiết phê duyệt cụ thể lên từng tên dân đinh trong bản kê cho thấy, hoàng đế Gia Long rất quan tâm tới việc tuyển binh lính dùng trong quân đội dù đất nước đã thống nhất.Nội dung và hình thức châu bản cũng phản ánh rõ đặc điểm bút phê của từng hoàng đế qua từng triều đại.
- Triều Minh Mệnh: Bút phê của hoàng đế Minh Mệnh trên Châu bản rất phong phú, đầy đủ các loại châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Nội dung phê duyệt của ông tập trung chỉ đạo các chính sách khuyến nông nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, hy vọng đạt đến cảnh dân an, nước thịnh.
- Triều Tự Đức: Bút phê của hoàng đế Tự Đức được thể hiện trên Châu bản với các hình thức châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Từ nội dung vua phê về những vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, tư tưởng, phong tục tập quán, bang giao v.v. đã cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về bối cảnh lịch sử, kinh tế - xã hội, chính trị, ngoại giao của nước ta cuối thế kỷ XIX.- Triều Thiệu Trị: Hoàng đế Thiệu Trị để lại bút phê trên Châu bản với những hình thức như: châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Nội dung ngự phê của ông chú trọng vào các lĩnh vực văn hóa, chính trị, quân đội, nông nghiệp và đê điều. Hoàng đế Thiệu Trị còn là một người thích thơ, bản tính đằm thắm, nên lời phê của ông dung hòa, nhẹ nhàng.
- Triều Kiến Phúc: Châu bản có niên đại hoàng đế Kiến Phúc bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chỉ có duy nhất 1 tập, nên chúng tôi không lựa chọn được nhiều văn bản lưu bút phê của vị vua này giới thiệu đến công chúng.
- Triều Đồng Khánh: Trên thực tế, triều Đồng Khánh không có thực quyền nên nội dung lời phê của hoàng đế chủ yếu về chi tiêu trong hoàng cung, chi lương và thăng bổ quan lại.
- Triều Thành Thái: Hoàng đế Thành Thái quan tâm, tập trung ngự phê chủ yếu trên các lĩnh vực như: văn hoá, giáo dục, thăng bổ quan lại, binh biền, đặc biệt là giáo dục. Nội dung ngự phê của ông thể hiện sự quan tâm đến sĩ số học sinh ở trường Quốc Tử Giám, nội quy của trường Tôn học, thăng bổ quan viên hay tình hình thí sinh ở trường thi các tỉnh.
- Triều Duy Tân: Ngự phê của hoàng đế Duy Tân trên Châu bản tập trung ở các hình thức châu điểm, châu phê, châu khuyên với nội dung chủ yếu ở các lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, thăng bổ quan lại... Qua lời phê, chúng ta nhận thấy ông đặc biệt quan tâm đến việc học hành, thi cử ở trường thi các tỉnh và khắc in sách chính sử.
- Triều Khải Định: Do bản tính và thời thế nên các văn bản vị hoàng đế Khải Định ngự phê chủ yếu về các vấn đề tổ chức tế lễ, diễn kịch, thăng bổ và thưởng phạt quan lại.
- Triều Bảo Đại: Hoàng đế Bảo Đại ngự phê trên Châu bản bằng ba loại văn tự Việt, Pháp, Hán và sử dụng các hình thức phê như châu điểm, châu phê, châu cải, châu sổ. Ngự phê của vua Bảo Đại tập trung chủ yếu trên các văn bản có nội dung phản ánh các việc kinh tế, thưởng phạt quan lại, tế lễ, ngoại giao.
Cố đô Huế là nơi gắn liền sự hình thành của Châu bản, cũng là nơi có nhu cầu to lớn trong việc khai thác, phát huy giá trị của châu bản. Vì vậy, việc các đơn vị quản lý và chuyên môn phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa châu bản, bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau, về Huế để khai thác, phát huy giá trị là việc làm hết sức cần thiết và phù hợp. Và đây cũng là một phương cách hữu hiệu để tôn vinh giá trị của di sản Châu bản ngay tại nơi nó được sinh ra.