ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 2237 /QĐ-UBND |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT Nam
Độc lập - Tự do -hạnh phúc
Huế, ngày 15 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế
trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về phân loại đô thị;
Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng về qui định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ- CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Căn cứ Nghị quyết số 14d/NQ-HĐND ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thông qua Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiến Huế về việc phê duyệt Đề cương Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 25-QĐ/TU ngày 04/10/2010 của Tỉnh ủy về việc thành lập ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 30/2010/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quy định về công tác quy hoạch và quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn Ngân sách nhà nước của tỉnh Thừa Thiên Huế;
Xét Tờ trình số 836/TTr-SXD ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Sở Xây dựng về việc đề nghị phê duyệt Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm
Xây dựng, phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”.
Đô thị Thừa Thiên Huế được xây dựng theo mô hình “chùm đô thị, đa trung tâm”, bao gồm: “đô thị thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh”; trong đó thành phố Huế hiện nay sẽ là đô thị hạt nhân để thúc đẩy đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Tầm nhìn
- Trước năm 2015: Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời là trung tâm của khu vực miền Trung, cực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Đến năm 2025: Phát triển thành phố với cấu trúc đô thị sinh thái hoàn chỉnh - xứng tầm là đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm kinh tế, văn hóa, hhoa học công nghệ, y tế, đào tạo lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Châu Á.
- Sau 2025: Đô thị Thừa Thiên Huế hoàn chỉnh theo các chương trình và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố “đô thị sinh thái cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường” phát triển năng động của khu vực, là thành phố Festival và du lịch đặc sắc hấp dẫn trên thế giới.
II. MỤC TIÊU
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trước năm 2015. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
III. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THỪA THIÊN HUẾ
1. Các chỉ tiêu đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025
a) Về kinh tế - xã hội:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng trên 13%/năm, trong đó: Các ngành dịch vụ tăng 13 - 13,5%; Công nghiệp - xây dựng tăng 16 - 17%; Nông – lâm - ngư nghiệp tăng 2 - 3%.
- Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2015 đạt trên trung bình của cả nước khoảng 2.300 USD, gấp 2 lần so năm 2010, năng suất lao động xã hội tăng gấp 1,8 - 2 lần so với năm 2010.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: dịch vụ 48%; công nghiệp và xây dựng 43%; nông – lâm - ngư nghiệp 9%.
- Sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm đạt trên 260 nghìn tấn.
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 700 triệu USD.
- Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 05 năm đạt 90 - 100 nghìn tỷ đồng.
- Thu ngân sách tăng bình quân >20%/năm; đạt khoảng 6.000 - 6.500 tỷ đồng.
b) Về phát triển đô thị:
- Dân số toàn đô thị Thừa Thiên Huế: năm 2015 khoảng 1.150.000 người; năm 2025 khoảng 1.395.000 người;
- Tỷ lệ đô thị hóa: năm 2015 khoảng 50% - 60%; năm 2025 khoảng 65% - 70%;
- Đất xây dựng đô thị: năm 2015 khoảng 7000 - 9000ha, bình quân 130 - 150m2/người; năm 2025 khoảng 16.000 - 18.000ha, bình quân 150 - 170 m2/người.
- Nhà ở: năm 2015 khoảng 15 - 20m2/sàn/người; năm 2025 khoảng 20 - 25m2/sàn/người.
c) Về phát triển nông thôn:
- Đất xây dựng khu dân cư nông thôn: năm 2015 khoảng 12.000 ha - trên 200m2/ người; năm 2025 khoảng 6.800ha - trên 200m2/ người.
- Đất ở: 80m2/ người.
- Đảm bảo các tiêu chí nông thôn mới (theo bộ 19 tiêu chí về nông thôn mới).
d) Về phát triển hạ tầng kỹ thuật:
TT |
Hạ tầng |
Năm 2015 |
Năm 2025 |
Nông thôn |
Thành thị |
TX- TP |
Nông thôn |
Thành thị |
TX- TP |
1 |
Cấp điện |
170
kW/ người |
250
kW/người |
350- 500 kW/người |
375
kW/ người |
700
kW/người |
1000-1200 kW/người |
2 |
Cấp nước |
80 lít/ ngày |
100
lít/ngày |
120 lít/ngày |
100 lít/ngày |
120 lít/ngày |
150
lít/ngày |
3 |
Thoát nước |
80 lít/ ngày |
100
lít/ngày |
120 lít/ngày |
100
lít/ngày |
120
lít/ngày |
150
lít/ngày |
4 |
Giao thông |
15-25% |
|
|
15- 25% |
|
|
5 |
Cây xanh |
12
m2/người |
|
|
15
m2/người |
|
|
2. Định hướng phát triển không gian đô thị
a) Phát triển theo không gian kinh tế:
- Phân bố theo thềm địa hình: vùng đồng bằng ven biển thuộc Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Huế, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc; Vùng gò đồi miền núi thuộc A Lưới và Nam Đông.
- Phân bố theo trục kinh tế động lực: Trục Bắc Nam dọc Quốc lộ IA và ven biển bao gồm: Phong Điền - Quảng Điền - Hương Trà - Huế - Hương Thủy - Phú Lộc, Chân Mây - Lăng Cô. Trục Đông Tây: Huế - Bình Điền - A Lưới (Quốc lộ 49); Huế - Phong Điền - A Lưới (đường 71); Huế - Nam Đông - A Lưới (đường 74).
b) Phát triển theo phân bố lực lượng sản xuất:
- Vùng đồng bằng ven biển là vùng động lực chính, vùng phát triển của thành phố, tập trung chủ yếu các khu kinh tế, khu cụm công nghiệp, các khu du lịch nghỉ dưỡng, các trung tâm dịch vụ xã hội, các đầu mối kỹ thuật và các trung tâm dân cư đô thị lớn.
- Vùng gò đồi miền núi phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng, các trung tâm thương mại cửa khẩu, các vùng trang trại, vùng sinh thái phòng hộ và các đô thị trung tâm về phía Tây.
3. Mô hình phát triển đô thị, nông thôn
a) Phát triển hệ thống đô thị:
Mô hình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế sẽ theo hướng “chùm đô thị, đa trung tâm”, bao gồm:
Đô thị trung tâm: thành phố Huế hiện nay và khu vực mở rộng bao gồm nội thị của thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An và thị trấn Bình Điền; với diện tích khoảng 230km2. Quy mô dân số đô thị trung tâm năm 2015 khoảng 475.000 người; đến năm 2025 khoảng 610.000 người. Với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại dịch vụ du lịch, giáo dục đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu,… cấp vùng cấp quốc gia và quốc tế; thành phố Festival đồng thời là một thành phố cố đô của Việt Nam. Đây là vùng đô thị tập trung sẽ trở thành cực phát triển đô thị và là nội thị của thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai.
- Đô thị vệ tinh Chân Mây - Lăng Cô (đô thị loại III): cực phát triển phía Nam, cùng với đô thị trung tâm trở thành vùng động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế trên toàn đô thị Thừa Thiên Huế.
- Đô thị vệ tinh gồm các đô thị hiện có (trung tâm các huyện ngoại thị của đô thị Thừa Thiên Huế) như: Phong Điền, Sịa, Phú Đa, Phú Lộc, Khe Tre và A Lưới. Các đô thị mới Điền Hải, An Lỗ, Phong Mỹ, Vinh Thanh, Vinh Hiền, La Sơn, A Đớt, Hồng Vân... Các đô thị vệ tinh sẽ hỗ trợ một phần chức năng và gảm áp lực cho đô thị trung tâm.
b) Phát triển điểm dân cư nông thôn:
Điểm dân cư nông thôn được phân bố theo cụm điểm, tuyến và phân tán ở 2 vùng đồng bằng ven biển đầm phá và đồi núi. Phát triển gắn với các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, sản suất nông - lâm - thủy hải sản qui mô vừa và nhỏ; các trung tâm dịch vụ, chợ biên giới; vùng kinh tế quốc phòng, đồn trạm biên phòng, hải đảo. Phát triển nhiều loại hình nông thôn - sinh thái - du lịch nhất là ở vùng ven các đô thị.
- Đẩy mạnh phát triển ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, dịch vụ để chuyển đổi nhanh cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động theo hướng phát triển lực lượng lao động phi nông nghiệp.
4. Phát triển hạ tầng đô thị
a) Hạ tầng kỹ thuật:
- Giao thông: Tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại và hạ tầng các đô thị; mở rộng và nâng cấp Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan. Đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đối nội: cầu đường bộ qua Sông Hương; đường La Sơn – Nam Đông; mở rộng Quốc lộ IA đoạn La Sơn - Hải Vân và 02 hầm đường bộ Phú Gia và Phước Tượng, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49A, 49B; tiếp tục đầu tư đường 74, 71. Ưu tiên đầu tư, chỉnh trang hệ thống giao thông chính kết nối đồng bộ giữa các cụm đô thị động lực và các đô thị vệ tinh để tạo những thay đổi tích cực về diện mạo và gắn kết hữu cơ trên toàn địa bàn. Phát triển hệ thống giao thông liên thôn, liên xã và các tuyến giao thông vào các khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu.
- Cấp nước: Hoàn thành hệ thống cấp nước đến các xã vùng ven biển đảm bảo cung cấp nước sạch và nâng cao chất lượng nước cho các khu đô thị khu công nghiệp, khu du lịch, các hộ dân ở vùng đồng bằng, các thị trấn và vùng dân cư tập trung của 2 huyện Nam Đông và A Lưới.
- Thoát nước thải và vệ sinh môi trường: hoàn thành cơ bản hệ thống này tại các điểm đô thị trung tâm và vệ tinh. Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý chất thải rắn ở các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp- làng nghề; đảm bảo nước thải sinh hoạt và công nghiệp phải được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung.
Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác: cấp điện, thông tin liên lạc,... cũng được đầu tư đồng bộ.
b) Hạ tầng xã hội:
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các công trình công cộng cấp đô thị như: các cơ sở y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại dịch vụ, các khu đô thị, các khu nhà ở mới, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên. Xây dựng hoàn thiện Trung tâm y tế chuyên sâu, hoàn thành cơ bản xây dựng Làng đại học; phát triển và nâng cao chất lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, nâng cấp hệ thống trường phổ thông. Xây dựng đồng bộ thiết chế văn hóa các cấp; quy hoạch, xây dựng các công trình văn hóa, hệ thống bảo tàng, công viên, tượng đài, các khu bảo tồn thiên nhiên...
IV. CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
1. Các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015
Ngoài các giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế xã hội cần tập trung đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực để khắc phục các hạn chế nhằm đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn đô thị loại I, bao gồm các nhiệm vụ sau:
- Tập trung rà soát các quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch xây dựng đô thị như, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh theo định hướng phát triển đô thị toàn tỉnh, quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thuận An theo hướng mở rộng đạt chuẩn đô thị loại IV, quy hoạch chung xây dựng các thị trấn mới như: Bình Điền, Thanh Hà, Vinh Thanh, A Đớt, Hồng Vân, La Sơn, An Lỗ, Điền Hải, Phong Mỹ... tập trung công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2015 toàn tỉnh và các địa phương;
- Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống đô thị vệ tinh nhất là các đô thị Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền..., đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị ở thành phố Huế nhất là các dự án xử lý nước thải, các dự án chỉnh trang đô thị, các dự án đầu tư khu đô thị mới ở Khu quy hoạch An Vân Dương, nâng cao chất lượng đô thị hóa trên toàn tỉnh, đầu tư phát triển các khu cụm đô thị mới. Phát triển các cơ sở hạ tầng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở sinh viên, nhà ở cho các khu công nghiệp, xây dựng mới các khu tái định cư, khu dân cư tập trung ở các đô thị...
- Phát huy mọi tiềm năng thế mạnh, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, tăng cường kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh với quy mô lớn; đồng thời tập trung các giải pháp cải cách hành chính, giải quyết mọi chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp trên các lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm huy động tối đa tổng mức đầu tư toàn xã hội để phát triển kinh tế xã hội...
- Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ nguồn lực của trung ương, huy động cao nhất nguồn lực trong và ngoài nước như các nguồn vốn ODA, NGO... để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật như giao thông bằng nhiều hình thức (BT, BOT, BTO...), đặc biệt là giao thông đối ngoại, giao thông kết nối các đô thị vệ tinh, kết nối đô thị miền núi Nam Đông, A Lưới và thành phố Huế...
- Ưu tiên đầu tư hệ thống cấp nước cho các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, đầu tư hệ thống xử lý nước thải đô thị ở các đô thị vệ tinh; phát triển hạ tầng cấp điện, thông tin liên lạc...
- Tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn toàn diện, thực hiện quy hoạch và xây dựng nông thôn mới, tăng cường công tác đào tạo nghề trong nông thôn, tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn sang lao động phi nông nghiệp trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, công nghiệp...
- Thực hiện Kế hoạch triển khai Quyết định 1955/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển kinh tế - xã hội Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nhằm đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở khu vực nông thôn.
- Triển khai thực hiện Quyết định 818/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch bảo tồn di tích cố đô Huế nhằm phát huy tối đa giá trị văn hóa Huế và di sản cố đô Huế góp phần xây dựng Huế thực sự là thành phố Festival đặc trưng - một trung lớn đặc sắc của cả nước về văn hóa và du lịch.
2. Lộ trình thực hiện
a) Lập chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2010 - 2015 (2010 - 2012, 2013 - 2015) và sau 2015 trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua để triển khai thực hiện.
b) Lập Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2025 theo định hướng xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.
c) Lập Đề án tổng thể phân loại đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương (trong năm 2012 - 2013) trình Chính phủ phê duyệt.
d) Lập Đề án xin công nhận đô thị Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, trình Chính phủ thông qua (vào cuối 2013) để Chính phủ trình Quốc Hội xem xét quyết định trong năm 2014.
3. Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư
a) Các chương trình trọng điểm:
- Chương trình nâng cấp và phát triển đô thị, trọng tâm là đô thị Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Thuận An;
- Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai;
- Chương trình xây dựng và phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô;
- Chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội;
- Chương trình giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực;
- Chương trình phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao.
- Chương trình xây dựng mạng lưới hạ tầng chính (giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước) kết nối mạng lưới đô thị thành phố trung tâm với các đô thị vệ tinh độc lập phía Nam và các đô thị vệ tinh phụ thuộc phía Bắc...
b) Các dự án ưu tiên đầu tư:
- Các đề án phát triển đô thị Thừa Thiên Huế (quy hoạch, xây dựng đô thị - Phụ lục 1).
- Các dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư (Phụ lục 2);
- Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA (Phụ lục 3);
- Các dự án đầu tư từ nguồn vốn kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực: công nghiệp - công nghệ thông tin, thương mại - du lịch, nông nghiệp, giáo dục - y tế, giao thông, khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và đô thị mới An Vân Dương (Phụ lục 4).
4. Các giải pháp chủ yếu
a) Cụm giải pháp về vốn:
- Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại. Thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích để huy động mạnh mẽ nguồn lực trong nhân dân, các doanh nghiệp ngoài nhà nước từ các địa phương trong cả nước và vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, và các ngành nghề phi nông nghiệp bằng các hình thức góp vốn liên doanh, BOT, BT, PPP…
- Có cơ chế thu hút và định hướng các nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực có khả năng hấp thụ vốn nhanh và tạo bước đột phá trong phát triển, nhất là các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; chú trọng đến chất lượng các dự án (ngành, nghề, đối tác đầu tư, trình độ công nghệ, mức độ sử dụng tài nguyên và nguồn lực quý hiếm, mối liên kết với các doanh nghiệp trong nước, các tác động lan tỏa, thân thiện với môi trường...).
- Rà soát, sắp xếp các thứ tự ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hợp lý để tạo bước đột phá trong phát triển, trình tự ưu tiên theo các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội đô thị; mức độ hoàn thành. Ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng về cung cấp các dịch vụ công thiết yếu (y tế, giáo dục), các dự án có tác động thúc đẩy phát triển nhanh (như kết cấu hạ tầng lớn, đào tạo nguồn nhân lực), dự án có hiệu quả kinh tế ở giai đoạn sắp hoàn thành.
- Cân đối nguồn thu phát sinh trên địa bàn để phát triển hệ thống hạ tầng, tiện ích đô thị và tạo quỹ đất sạch. Áp dụng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất tại các đô thị mới, các điểm dịch vụ, các loại đất có thể sinh lời cần thiết để tạo vốn phát triển hạ tầng.
b) Cụm giải pháp về nguồn nhân lực:
- Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục đào tạo.
- Ban hành các cơ chế, chính sách thu hút nhân tài về địa phương; phát huy năng lực của cán bộ công chức của cán bộ,công chức.
- Tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách khuyến khích công tác, nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng thành quả công nghệ mới.
- Tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý nhất là cán bộ quản lý đô thị; cán bộ chuyên môn kỹ thuật; chuẩn bị bộ máy cho thành phố Thừa Thiên Huế tương lai.
- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, phát triển nâng cấp có trọng điểm các cơ sở dạy nghề của tỉnh. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương về kinh phí khuyên công quốc gia để đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
c) Cụm giải pháp về quản lý xây dựng và kiến trúc đô thị:
- Ưu tiên ngân sách để tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch thuộc cụm đô thị động lực, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, quy hoạch điểm dân cư nông thôn,... Nâng cao chất lượng các đề án quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc đô thị.
- Nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư xây dựng từ các khâu quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển, chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công, giám sát...để nâng cao hiệu quả đầu tư; phòng ngừa kịp thời các trường hợp tham ô, lãng phí, vi phạm pháp luật.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
a) Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo để kiểm tra, giám sát, đôn đốc và đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án này tại các Sở, Ban ngành và địa phương có liên quan.
b) Sở Xây dựng: Tổ chức lập Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án được duyệt. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả về Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đảm bảo việc thực hiện theo đúng lộ trình tới 2013 và 2015 để phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các ngành liên quan hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (nhiệm kỳ 2011 – 2015) theo hướng bổ sung lồng ghép các chương trình, dự án phát triển đô thị đến năm 2015. Tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh các giải pháp hỗ trợ huy động vốn đầu tư để thực hiện các dự án phát triển đô thị.
d) Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế; Ban Quản lý khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có kế hoạch lập quy hoạch, tập trung đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện chương trình phát triển đô thị, cũng như tăng cường kêu gọi và huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế; Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp Tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
- Như Điều 4; CHỦ TỊCH
- TV Tỉnh ủy (để báo cáo); Đã ký-Nguyễn Văn Cao
- TT. HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP và các CV;
- Cổng TTĐT;
- Lưu VT, XT.
Nhấn vào đây để xem file đính kèm và các phụ lục