Nhóm này chỉ có 1 loại đất là đất phèn ít và trung bình, mặn nhiều (Sali Hyper Thionic Fluvisols), có diện tích 6.888 ha, chiếm 1,36% diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các huyện Phú Lộc, Hương Thủy (nay là Thị xã Hương Thủy), Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền và Phong Điền. Đất hình thành ở địa hình thấp trũng, khó thoát nước, có nhiều chất hữu cơ, thường chịu ảnh hưởng của nước mặn hoặc nước lợ hiện đại hoặc quá khứ, môi trường tích lũy nhiều lưu huỳnh từ nước biển, nước lợ hay xác hữu cơ. Thực vật phổ biến là cỏ năn (Heleochasia dulcis), lác (Cyperus malaceensiss), tràm,... Hình thái phân hóa khá rõ: xuất hiện tầng chứa vật liệu phèn và tầng phèn có các đốm màu vàng rơm (Jarosite), lớp mặt thường có màu xám hơi đen, tầng kế tiếp thường có màu vàng có các đốm đỏ, một vài nơi gặp kết von hình ống. Thành phần cơ giới thường nặng, đất rất chua, hàm lượng mùn ở tầng mặt khác, đạm và kali tổng số khá, lân tổng số và lân dễ tiêu rất nghèo.
Loại đất này yếu tố hạn chế chính đối với sản xuất nông nghiệp là chứa đựng có độc tố Al3+ và SO42-, đất rất chua. Vì vậy, ngoài việc giải quyết nguồn nước ngọt cũng cần đặc biệt chú ý đến biện pháp giảm độc tố và giảm chua cho đất, bón phân lân nung chảy. Những nơi có điều kiện cho phép có thể cải tạo để chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)