Diện tích, đặc điểm nhóm cồn cát và đất cát biển (Arenosols)
  

Nhóm đất này có diện tích 43.962 ha, chiếm 8,7% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Gồm 2 loại là: Cồn cát trắng vàng và đất cát biển.

* Cồn cát trắng vàng (Luvic Arenosols): Có diện tích 24.358 ha, chiếm 4,82% tổng diện tích tự nhiên, phân bố ở các huyện ven biển như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc.

Đất được hình thành từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Cát màu vàng có nguồn gốc biển - gió, phân bố thành dãy cồn - đụn cát ven biển và các bãi biển kéo dài từ Điền Hương qua Hải Dương, Phú Diên đến Vinh Hiền, Lộc Hải. Cát xám trắng chủ yếu có nguồn gốc biển và phân bố trên các dải gò cao nội dung từ Phò Trạch đến Phong Điền, từ Phú Đa đến Vinh Thái. Cát xám trắng cũng được phát hiện ở Vinh Thanh - Vinh Hiền và rải rác ở ven rìa đồng bằng. Cát vàng nghệ nguồn gốc biển phần lớn bị cát vàng nhạt và cát xám trắng trẻ hơn che phủ. Loại cát vàng nghệ xuất lộ trên diện rộng ở Phú Bài, Lăng Cô, Bồ Điền và chỏm nhỏ ở Vinh Thanh.

Loại đất này có hình thái phẫu diện ít phân hóa, đồng nhất cả về màu sắc và thành phần cơ giới, từ trên xuống dưới đều là cát tơi hoặc cát dính. Thành phần cơ giới rất nhẹ, rời rạc. Tỷ lệ sét rất thấp hoặc không đáng kể, chủ yếu là cấp hạt cát, tỷ lệ cát khô khá cao. Các đồn cát, đụn cát phần lớn chưa ổn định, hiện tượng di dộng của cát đang thường xuyên xảy ra. Những nơi có địa hình thấp thì đã có sự phân hóa về màu sắc; nơi nào trũng đọng nước thì tầng mặt xám hơi đen, tầng dưới có màu xám vàng xen vệt trắng. Đây là loại đất rất nghèo mùn và các chất dinh dưỡng; cation trao đổi rất thấp; dung tích hấp thu rất thấp, nên khả năng giữ nước, giữ phân kém. Phần lớn diện tích loại đất này đang bị bỏ hoang.

Đây là loại đất có diện tích rất lớn, vì vậy cần có biện pháp tổ chức sản xuất trên loại đất này, tùy theo từng nơi để bổ trí các loại cây nông, lâm nghiệp thích hợp. Trên cồn đụn cát cần trồng cây để chống cát bay lấn chiếm ruộng đồng, làng mạc. Đối với các dải cát bằng, mịn, mực nước ngầm cao thì có thể khai thác sử dụng trồng các loại cây nông nghiệp hoặc nông lâm kết hợp.

* Đất cát biển (Dystric Arenosols): Có diện tích 19.604 ha, chiếm 3,9% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố không thành dải dài tiên tục, có ở tất cả các huyện ven biển của tỉnh, gồm: Quảng Điền, Hương Thủy (nay là Thị xã Hương Thủy), Hương Trà, Phú Vang, Phong Điền, Phú Lộc.

Đất cũng được hình thành do quá trình bồi tích của biển nhưng đã được khai thác sử dụng từ lâu đời, vì vậy tính chất lý hóa học của đất đã thay đổi theo chiều hướng có lợi cho sản xuất nông nghiệp. Hình thái phẫu diện đã có sự phân hóa khá rõ, lớp đất mặt thường trắng hơi xám hoặc xám sáng, có nơi hơi vàng; các tầng dưới thường chặt, khả năng tích lũy oxyt sắt lớn nên màu sắc thường vàng hoặc vàng nhạt. Thành phần cơ giới cát đến cát rời - cát pha, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng, nhưng so với loại cồn cát trắng vàng thì tỷ lệ cấp hạt sét cao hơn, kết cấu đất tốt hơn, hàm lượng mùn cao hơn, nên khả năng giữ nước, giữ phân tốt hơn nhiều.

Đây là loại đất có độ phì tự nhiên thấp, nhưng có lợi thế về thành phần cơ giới nhẹ, mực nước ngầm nông, lại thích hợp với nhiều loại cây trồng như: cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, rau màu, dưa, cà, cây gia vị... nếu chọn được cơ cấu cây trồng thích hợp, chú ý vấn đề thủy lợi, đầu tư thêm phân hữu cơ và các loại phân bón khác, thì có thể thu được hiệu quả kinh tế cao khi sản xuất trên loại đất này.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]