Huyện Phú Lộc có diện tích 720,9 km2; giáp thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang và Nam Đông; phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng và phía Đông giáp biển Đông. Là một huyện nằm ở phía Nam của tỉnh, có các trục giao thông quốc gia chạy qua (Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan); bờ biển dài hơn 60 km với những bãi biển nổi tiếng (Hàm Rồng, Cảnh Dương, Lăng Cô, Bãi Chuối và vùng đảo Sơn Chà); cảng nước sâu Chân Mây là một trong những cửa ngõ thông ra biển quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ có nhiều tiềm năng về biển, Phú Lộc còn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên với vùng đầm phá Cầu Hai - Lăng Cô rộng hơn 12.000ha và hơn 34.000ha diện tích rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, với nhiều cảnh quan thiên nhiên như Vườn Quốc gia Bạch Mã là một điểm nhấn trong hệ sinh thái rừng nguyên sinh. Phú Lộc có các địa danh nổi tiếng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: di tích lịch sử Hải Vân Quan, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, chùa Thánh Duyên...
Thanh Tâm Resort - Khu du lịch bên bãi biển Lăng Cô
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Những năm qua, huyện Phú Lộc đã tập trung khai thác tốt các lợi thế, tiềm năng và thế mạnh để phát triển toàn diện các lĩnh vực. Nhất là, phát huy khá tốt các tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực du lịch - dịch vụ. Trong đó, huyện đã chú trọng phát huy vai trò Lăng Cô - Vịnh biển đẹp thế giới; khu du lịch quốc gia Cảnh Dương - Bạch Mã - Lăng Cô - Hải Vân và vùng bờ biển, đầm phá, các suối, thác để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư khai thác, phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển, đầm phá, tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng và phối hợp phát triển các dịch vụ tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Đến nay, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, đã thu hút được 44 dự án với tổng số vốn đăng ký 76.146 tỷ đồng, trong đó có 20 dự án du lịch. Nhờ đó, du lịch phát triển nhanh với nhiều loại hình như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng...nhất là các khu du lịch đẳng cấp quốc gia và quốc tế: Laguna, Vedana Lagoon, Minh Viễn - Lăng Cô. Tổng lượt khách đến Phú Lộc trong 5 năm (2016 - 2020) ước đạt hơn 5,15 triệu lượt, tăng bình quân 17,5%/năm, doanh thu du lịch tăng bình quân 8,1%/năm. Bên cạnh đó, lĩnh vực Công nghiệp - xây dựng phát triển khá, giá trị sản xuất trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 10,1%/năm; nhiều dự án được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động có hiệu quả, tập trung ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Khu công nghiệp La Sơn.
Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch (VietGAP) và nông nghiệp hữu cơ, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch. Hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá với các loài có giá trị kinh tế cao; dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển phục vụ tốt nghề khai thác thuỷ hải sản và các nghề chế biến thủy sản truyền thống. Hiện nay, cùng với quy hoạch các vùng trọng điểm nuôi trồng, khai thác thủy sản, huyện Phú Lộc đã phát triển được nguồn thủy đặc sản trên đầm phá, giá trị kinh tế cao. Nhiều sản phẩm nông sản đã có thương hiệu địa phương gắn với sản phẩm du lịch như: hải sản đầm Cầu Hai, dầu tràm Lộc Thủy các sản phẩm từ trái vả, dâu tiên, thanh trà, chè Truồi, bánh lọc, bánh ướt xứ Truồi...
Những năm qua, đã có nhiều dự án đầu tư Quốc gia cũng như của Tỉnh được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện, đã tạo cho bộ mặt đô thị và nông thôn của huyện Phú Lộc khởi sắc. Trong đó, nổi bật là dự án nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, cảng nước sâu Chân Mây, hầm 1 và 2 đèo Hải Vân cùng nhiều công trình phát triển hạ tầng nông thôn như tỉnh lộ 49A, đường ven đầm Lập An và nhiều công trình giao thông đô thị, điện, nước, thủy lợi...Qua đó, diện mạo đô thị ngày càng phát triển; trọng tâm là thị trấn Phú Lộc, thị trấn Lăng Cô, Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, Vinh Hưng, Vinh Hiền, La Sơn.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế của huyện Phú Lộc có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 13,1%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 62,5 triệu đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2015 (cao hơn mức bình quân chung của tỉnh).
Được quy hoạch phát triển là Khu du lịch quốc gia, Lăng Cô - Cảnh Dương sẽ có nhiều cơ hội để cất cánh trong thời gian tới
Là vùng kinh tế trọng điểm của Tỉnh
Đảng bộ huyện Phú Lộc (khóa XV) đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 là: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tốt mọi nguồn lực để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Lấy Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và công nghiệp là ngành tạo bước đột phá kết hợp phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường; tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng Phú Lộc thành vùng kinh tế trọng điểm, phát triển nhanh và bền vững phía Nam của Tỉnh.
Các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025 đó là: Phát triển kinh tế theo hướng khai tốt tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và ngành công nghiệp tạo bước đột phá cho nền kinh tế. Phối hợp xây dựng Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương thành trung tâm du lịch tổng hợp chất lượng cao, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế gắn khai thác hiệu quả tiềm năng Vườn Quốc gia Bạch Mã để hình thành các tua, tuyến du lịch giải trí trên biển, sinh thái kết hợp với ẩm thực trên đầm Cầu Hai gắn với du lịch Cố đô Huế. Phấn đấu tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 63% (thu hút khoảng 50% tổng lao động xã hội).
Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực lớn và tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp, khu kinh tế; nhất là dịch vụ vận tải và logistics. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, thân thiện với môi trường, tạo bước phát triển đột phá cho nền kinh tế; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng như: chế biến thủy, hải sản, nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ, khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng...
Đầm Lập An (Thị trấn Lăng Cô)
Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch (VietGAP) và nông nghiệp hữu cơ, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch. Hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá với các loài có giá trị kinh tế cao; phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ tốt nghề khai thác thuỷ hải sản và các nghề chế biến thủy sản truyền thống. Phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản địa phương gắn với sản phẩm du lịch như: hải sản đầm Cầu Hai, dầu tràm Lộc Thủy, các sản phẩm từ trái vả, dâu tiên, thanh trà, chè Truồi, bánh lọc, bánh ướt xứ Truồi...
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là các doanh nghiệp FDI đầu tư vào khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển mạng lưới đô thị, các điểm dân cư tập trung như đô thị hóa La Sơn, xây dựng Vinh Hiền thành đô thị loại V, mở rộng thị trấn Phú Lộc về hướng xã Lộc Trì để hình thành thị trấn Cầu Hai, từng bước xây dựng Chân Mây - Lăng Cô thành đô thị loại III.
Với những tiềm năng, lợi thế về mặt địa lý, tài nguyên thiên nhiên và định hướng phát triển bền vững, hy vọng, thời gian tới, huyện Phú Lộc sẽ tiếp tục khai thác tốt những tiềm năng và thế mạnh để phát triển tương xứng với vùng kinh tế động lực, bộ mặt phía Nam của tỉnh.
Chỉ tiêu phát triển KT-XH của huyện Phú Lộc chủ yếu đến năm 2025:
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân/năm 11,2%;
- Thu nhập bình quân đầu người 92 triệu đồng;
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 từ 36.000 - 38.000 tỷ đồng;
- Tổng lượt khách du lịch tăng từ 6 - 7%/năm;
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2 - 2,2%;
- 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, 6 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu)...