Quy hoạch Phát triển chợ - siêu thị - trung tâm thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
  

(Trích Quyết định số 1974/2006/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh)

1. Tên dự án: Quy hoạch Phát triển chợ - siêu thị - trung tâm thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

2. Quan điểm, mục tiêu phát triển:

2.1 Quan điểm phát triển:

- Phát triển mạng lưới chợ - siêu thị - trung tâm thương mại Thừa Thiên Huế phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng, hệ thống giao thông và quy hoạch những ngành kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm. Xây dựng và phát triển mạng lưới chợ - siêu thị - trung tâm thương mại được đặt trong mối quan hệ tổng thể phát triển mạng lưới thương mại - dịch vụ theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá và văn minh thương mại phát huy lợi thế so sánh, góp phần tạo động lực phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Phát triển mạng lưới chợ theo hướng bền vững, đảm bảo hài hòa, giữ gìn cảnh quan môi trường, nhất là đối với Thành phố Huế.

- Khai thác và phát triển hiệu quả mạng lưới chợ - siêu thị - trung tâm thương mại với sự đa dạng về loại hình cấp độ chợ đồng thời đổi mới về tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá và kinh doanh dịch vụ tiêu thụ ngày càng nhiều nông sản hàng hoá và cung cấp ngày càng đầy đủ vật tư, hàng sản xuất và tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.

- Phát triển mạng lưới chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên cơ sở khơi dậy tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất kinh doanh tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước ngày càng tăng, phục vụ sản xuất tiêu dùng trên địa bàn và khách vãng lai, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển đầu tư xây dựng theo hướng xã hội hoá &ldquoNhà nước và nhân dân cùng làm&rdquo hoặc &ldquoNhà nước hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, nhân dân và các tổ chức kinh tế xây dựng cơ sở kinh doanh&rdquo.

2.2 Mục tiêu phát triển:

Phấn đấu đến năm 2020 đạt các mục tiêu chủ yếu sau:

- Đảm bảo khu vực thành phố và 6 huyện đồng bằng có ít nhất 1 chợ/xã, phường các huyện đồng bằng có ít nhất 01 siêu thị/huyện và 01 trung tâm thương mại/huyện trước mắt phấn đấu đến năm 2010, toàn tỉnh có 164 chợ, 07 siêu thị và 03 trung tâm thương mại.

- Hình thành và phát triển các khu phố đêm, phố chuyên doanh, phố du lịch, cụm dịch vụ thương mại - du lịch, trung tâm giới thiệu sản phẩm tại các thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp, thành phố Huế.

a/ Giai đoạn 2006 - 2010:

- Hình thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, xây dựng Huế trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm thương mại dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

+ Ở khu vực đô thị: Đến cuối năm 2010, về cơ bản hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp và xây dựng các chợ lớn, chợ trung tâm, chợ đầu mối trong các khu đô thị mới đều có chợ giải toả hết các chợ tạm, gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến an toàn giao thông, khắc phục tình trạng bán hàng rong, bán trên vỉa hè, lòng lề đường để đảm bảo văn minh đô thị và văn minh thương mại.

+ Khu vực nông thôn: Đến cuối năm 2010, nâng cấp và cải tạo 50% số chợ trong quy hoạch phát huy vai trò của chợ trong các cụm kinh tế dịch vụ thương mại của thị trấn, thị tứ.

+ Khu vực miền núi: Hoàn thành việc xây dựng các chợ ở trung tâm cụm xã, xây dựng chợ biên giới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống nhân dân.

- Nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh ở các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại nhằm thực hiện chức năng định hướng thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi chủ thể kinh doanh phát triển kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật.

b/ Giai đoạn 2011 - 2020:

- Tiếp tục cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ - siêu thị - trung tâm thương mại nằm trong quy hoạch. Trên địa bàn các huyện, nâng cấp một số chợ chính thành trung tâm thương mại, xây mới một số chợ và siêu thị.

- Kiện toàn bộ máy quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

3. Định hướng phát triển chợ - siêu thị - trung tâm thương mại thời kỳ 2006 - 2010, định hướng đến 2020:

* Đến năm 2010, toàn tỉnh có:

+ 03 Trung tâm thương mại: Đông Ba, Hùng Vương, 02 Nguyễn Tri Phương - 04 Hà Nội.

+ 02 Siêu thị: An Vân Dương, Bắc Trường Tiền.

+ 05 Siêu thị nhỏ: Thuận Thành mart, Trường An, Vĩ Dạ, Xuân Phú, Đống Đa.

+ 164 chợ các loại.

* Đến năm 2020, toàn tỉnh có:

+ 12 Trung tâm thương mại và cụm dịch vụ tại các khu vực sau: TTTM Đông Ba, TTTM Hùng Vương, TTTM 02 Nguyễn Tri Phương - 04 Hà Nội, Cụm thương mại dịch vụ tập trung tại phường Phú Hội - phường Phú Nhuận, Trung tâm hội chợ triển lãm An Vân Dương, TTTM thị trấn Phong Điền, TTTM thị trấn Sịa, TTTM thị trấn Tứ Hạ, TTTM thị trấn Phú Bài, TTTM thị trấn Thuận An, TTTM thị trấn Phú Lộc, TTTM tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

+ 17 Siêu thị tại các khu vực sau: An Vân Dương, Bắc Trường Tiền, Thuận Thành mart, Trường An, Vĩ Dạ, Xuân Phú, Đống Đa, Bắc Hương Sơ, Nam Thuỷ An, xã Phong Hiền, xã Điền Lộc, xã Quảng Phú, xã Bình Điền, xã Thủy Phương, xã Vinh Thanh, xã Vinh Hiền, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

+ 165 chợ các loại. (Chi tiết trình bày tại phần Phụ lục).

4. Nhu cầu quỹ đất :

* Đến năm 2010, nhu cầu quỹ đất tối thiểu để xây dựng chợ, siêu thị và TTTM:

+ Xây mới chợ: 53.010 m2

+ Xây dựng lại chợ: 90.240 m2

+ Xây dựng siêu thị: 6.500 m2

+ Xây dựng TTTM: 30.000 m2

* Đến năm 2020, nhu cầu quỹ đất tối thiểu để xây dựng chợ, siêu thị và TTTM:

+ Xây dựng mới chợ: 54.810 m2

+ Xây dựng siêu thị: 26.500 m2

+ Xây dựng trung tâm thương mại: 120.000 m2

5. Nhu cầu vốn đầu tư chợ: 534.500 triệu đồng.

Trong đó: Vốn ngân sách hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào (10%): 53.450 triệu đồng.

 Nguồn vốn khác: 481.050 triệu đồng.

6. Các giải pháp:

6.1 Về đầu tư:

- Hoạt động đầu tư xây dựng chợ - siêu thị - trung tâm thương mại được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư chung của Chính phủ và của tỉnh.

- Nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước hỗ trợ xây dựng chợ theo quy định của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ.

- Đối với các chợ ở miền núi, nông thôn bãi ngang, vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng theo hướng lồng ghép chương trình phát triển kinh tế -xã hội. Riêng chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu áp dụng chính sách theo Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới.

6.2 Về tài chính, tín dụng:

- Bộ máy quản lý của chợ: Tổ chức theo mô hình doanh nghiệp kinh doanh chợ.

- Cục thuế tỉnh khi giao chỉ tiêu thu thuế cần khảo sát đánh giá kỹ tình hình thực tế kinh doanh tại các chợ, và tham khảo ý kiến của hội đồng tư vấn thuế từng địa phương nhằm chống thất thu thuế, đảm bảo công bằng giữa các hộ kinh doanh trong và ngoài chợ.

- Thương nhân hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 và Nghị định 02/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc được hưởng chế độ ưu đãi theo các Nghị định nêu trên.

6.3 Về đất đai:

- Trong quá trình xây dựng quy hoạch tổng thể hoặc quy hoạch chi tiết để phát triển các khu kinh tế, khu đô thị và khu dân cư mới, các địa phương phải dành quỹ đất để xây dựng chợ - siêu thị - trung tâm thương mại.

- Bố trí vị trí, diện tích phù hợp với quy hoạch, đáp ứng cho việc xây dựng chợ trước mắt và lâu dài.

6.4 Huy động và khai thác:

- Thông báo công khai danh mục các hạng mục được Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn NSNN.

- Thực hiện xã hội hoá trong đầu tư xây dựng, cải tạo trên sơ sở tự nguyện cùng có lợi với hình thức huy động các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh tại chợ góp vốn đầu tư xây dựng chợ hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan và cùng tham gia quản lý.

6.5 Về bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác quản lý:

Mở các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý chợ và đào tạo những cán bộ chuyên về công tác quản lý thương mại - dịch vụ cho địa phương, khắc phục tình trạng cán bộ quản lý chợ trong biên chế nhà nước không qua đào tạo hoặc điều động từ các ngành khác, không có nghiệp vụ chuyên ngành.

6.6 Thực hiện việc chuyển đổi cơ chế quản lý, kinh doanh chợ:

- Triển khai cơ chế tổ chức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ đối với các chợ loại 1 đang hoạt động do Nhà nước quản lý thông qua sự điều hành của Ban Quản lý chợ.

- Thực hiện chuyển đổi mô hình ban quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

 Bản in]
Các bài khác