|
Nhạc Lễ là nhạc sử dụng trong các nghi lễ đời sống phong kiến ngày trước. Thời Lê sơ, nhạc Cung đình và nhạc Lễ trong dân gian có sự khác biệt: Loại thứ nhất do các bộ Đồng văn và Nhã nhạc trình tấu; loại thứ hai do ty Giáo phường quản lý. Với sự suy tàn của các triều đại về sau, đặc biệt dưới thời Pháp thuộc, nhạc Cung đình đã bị phân hóa mạnh mẽ: Bộ phận gần gũi với lễ nghi đời sống nhân dân thì đồng hóa luôn với nhạc lễ dân gian. Cùng với âm nhạc Rõi bóng (tức là Chầu văn ở miền Trung), thành phần âm nhạc này dựa trên cơ sở chính là nhạc đàn: Theo truyền thống từ nhạc Cung đình để lại, ở đây có hai hình thức: Đại nhạc, gồm chủ yếu bộ gõ và kèn, và Tiểu nhạc, gồm chủ yếu các loại nhạc dây, nhiều nhất là dây gảỵ Bài bản nhạc Lễ sắp xếp theo những hệ thống chặt chẽ, tuỳ theo mỗi nghi thức lễ lạc, giống những liên khúc, tổ khúc ở nhạc mới, với những tên bài phần lớn chữ Hán Việt như Phẩm Tuyết, Tây Mai, Long Đăng, Long Ngâm (tiểu nhạc), Ngũ lôi cổ, Đăng Đàn, Mã Vũ (đại nhạc). Về giọng điệu, bộ phận nhạc này chủ yếu dựa trên các điệu thức Bắc, tức là những điệu thức của thang 5 âm thiên nhiên xây dựng theo vòng quãng 5 đúng.