Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, vùng đất sông Hương - núi Ngự là nơi hội tụ nhiều dòng nhạc mang đậm bản sắc Huế như dòng nhạc cung đình bác học, dòng nhạc dân gian, dòng nhạc tín ngưỡng tôn giáo, cùng với nền tảng thơ văn, mỹ thuật, lễ hội dân gian và làng nghề thủ công truyền thống góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Huế xưa và nay.
Nhạc Huế mang sắc thái địa phương rõ rệt, nhưng nhạc Huế lại không phải là một thứ âm nhạc địa phương, dưới các triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Do hoàn cảnh lịch sử, nhạc Huế - qua thành phần nhạc lễ và cung đình của nó - đã một thời gian khá dài đóng vai trò là "quốc nhạc" dưới thời thuộc Pháp. Nhạc Huế vẫn chinh phục được quần chúng hâm mộ rộng rãi, được sử dụng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và Nam. Và ở những nơi này, không phải chỉ có vấn đề thưởng thức nhạc Huế như một đặc sản có hương vị lạ từ nơi khác đem đến, mà người ta còn thấy hiện tượng nhạc Huế thâm nhập vào nhạc Bắc, ảnh hưởng trở lại làm giàu có thêm cội nguồn miền Bắc, đồng thời khi đi sâu vào Nam, nó lại đã đóng góp những nhân tố quan trọng, từ đó đã nảy sinh và hình thành cái được xem là phong cách đặc thù của âm nhạc miền Nam.
Nếu nói về gốc gác lịch sử, có lẽ không ai phủ nhận nhạc Huế đã khởi sự hình thành từ cội nguồn nhạc Bắc. Những cứ liệu lịch sử từ thời Nguyễn Hoàng vào xã Ái Tử (Quảng Trị) hay câu chuyện Đào Duy Từ, cho thấy: trên đà mở nước vào phía Nam, văn học nghệ thuật nơi đất Tổ lưu vực sông Hồng đã từ mấy thế kỷ vượt qua sông Gianh và Bến Hải. Lại có thể lấy chứng cớ khác ngay trong bản thân nhạc Huế: những "bản Bắc", còn mang một cái tên có ý nghĩa nữa là những "bản Ngự", với tính chất một thành phần cơ sở của nhạc Huế, đã vừa nói lên cái xuất xứ cũng như mối quan hệ khăng khít với nhạc Bắc...
Do hoàn cảnh địa lý, với những bãi biển, với sông Hương núi Ngự dễ để con người tức cảnh sinh tình, hay trong cuộc sống lao động và sự sinh tồn, để giảm bớt những khó khăn vất vả, nhọc nhằn trong lao động sản xuất, những điệu hò câu ví và các loại hình nghệ thuật dân gian cũng được hình thành và ngày càng phong phú. Nói cách khác, do những điều kiện kinh tế khắc nghiệt nhiều hơn là thuận lợi, đã buộc con người, bằng mọi cách, kể cả cách dùng phương tiện nghệ thuật, vươn lên chống chọi với thiên nhiên, kiếm tìm cuộc sống ấm no hơn. Do những dấu giọng đặc thù trong tiếng nói, uyển chuyển tinh vi, những cái "tiểu dị" thực đáng yêu trong cái "đại đồng" của tiếng nói chung dân tộc, hay là do chính ở đây, nơi tiếp xúc với nền văn hóa nghệ thuật, dân tộc Chăm đã hình thành những âm điệu, giọng điệu, những thể loại mới mẻ so với cái vốn cổ truyền từ Bắc đem vào, tạo nét đặc trưng riêng cái thường được gọi là phong cách "Huế", phong cách "miền Trung", hay nói gọn là "nhạc Huế".
Ngày nay dưới con mắt những người đang tìm hiểu và nghiên cứu âm nhạc truyền thống, tạm cách ly khỏi mọi ảnh hưởng của "tân nhạc" đã lan tràn và phổ biến rộng khắp từ phong trào "cải cách", "nhạc Huế" với tư cách một bộ phận của truyền thống đó thường được xem như gồm ba thành phần chính yếu:
1. Nhạc Lễ (bao gồm cả nhạc Cung đình và nhạc Rõi bóng)
2. Dân ca (bao gồm các điệu hò, lý, kể vè...)
3. Ca Huế