Giá trị nghệ thuật của Nhã nhạc Cung đình Huế
  

        Nhã nhạc Cung đình Huế, một trong những nét đẹp văn hoá nghệ thuật vô cùng độc đáo của xứ Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

        Theo sử sách, vào thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung gửi một đoàn đi sứ sang Trung Quốc thời vua Càn Long, trong đó có một dàn nhạc cung đình mà sử gia nhà Thanh gọi là “An Nam quốc nhạc”. Từ năm 1808, dưới triều Nguyễn, dàn nhạc đổi tên là “Việt Nam quốc nhạc”. Nhưng đấy là khi dàn nhạc cung đình đã “quy mô hóa”.

 

        Các nhà khảo cổ học, sử học cho là từ thời Lý đã xuất hiện hình mẫu dàn nhạc cung đình. Trên mấy tảng đá dưới chân cột chùa Vạn Phúc, Phật Tích tỉnh Bắc Ninh (đời Lý), có chạm hình 10 nhạc công đang dùng nhiều nhạc khí, như đàn tranh, đàn hồ, đàn tỳ bà, đàn ba dây có thùng tròn như đàn nguyệt, có sáo ngang, ống tiêu hay ống quản, có ống sanh, có phách và trống phong yêu cổ. Đây thường là những nhạc khí có thể dùng trong cung đình và trong các chùa khi có đại lễ. Đến đời Trần có dàn Đại nhạc trong cung đình.


         Nhạc cung đình duy trì phát triển qua hàng trăm năm, bởi có giá trị nghệ thuật cực kỳ đặc sắc. Trước hết vì có những nhạc sĩ, nhạc công tài năng, bởi triều đình có đủ điều kiện để quy tụ nhân tài từ khắp nơi trong đất nước. Khi được vời vào cung, họ có thời giờ và phương tiện để trau dồi nghệ thuật, trở thành những nhạc sĩ chuyên nghiệp, với khả năng sáng tác dồi dào, biểu diễn tinh vi.

 

        Nhạc khí được chế tác công phu, chạm cần khéo hơn nhạc khí dùng trong dân gian. Các nhạc khí dùng trong cung đình lại có đầy đủ các âm sắc: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng bổng, tiếng trầm, tiếng da, tiếng khánh, tiếng đồng… Về độ cao, có tiếng trầm của dây đàn tì bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo.

 

        Dàn nhạc cung đình được kết cấu thành hai dàn. Đại nhạc, gồm kèn, trống và bộ gõ. Có thể có đàn nhị. Kèn có nhiều loại: kèn đại, kèn trung, kèn tiểu. Trống có đủ loại: Từ trống lớn nhất là đại cổ, trống tiểu cổ, cặp trống vỗ. Bộ gõ có mõ, phách, chuông to, chuông nhỏ, đại la, tiểu loa, chập chõa. Tiểu nhạc, gồm những nhạc khí dùng dây tơ, sáo trúc.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác