Nghề làm bánh bèo, nậm, lọc đã xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 19, đến nay hơn 150 năm và gắn với đời sống văn hóa của làng Đức Bưu thuộc phường Hương Sơ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tồn tại cho đến nay.
Trải qua bao biến thiên lịch sử, theo ký ức của các vị cao niên trong làng thì từ trăm năm nay, nghề làm bánh ở các nơi trong vùng có phần suy giảm nhưng riêng với Đức Bưu, lại ngày càng phát triển, trở thành sinh kế độc đáo giúp bà con dân làng giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đặc biệt, càng ý nghĩa hơn, sự phát triển đó càng giúp bà con nơi đây nâng niu, chăm chút với nhiều công sức, tâm huyết, tài hoa để không ngừng nâng cao vẻ đẹp hình thức cũng như chất lượng “cái ngon thấm tháp cái vị” của những món bánh, thực sự trở thành một di sản văn hóa độc đáo của làng Đức Bưu
Các sản phẩm chủ yếu của nghề làm bánh là: Bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc gói, bánh lọc trần, bánh ram, bánh ít, bánh cuốn. Điểm khác biệt là bánh ở đây bột dẻo và dai hơn, thịt mỡ làm nhân béo giòn, khi bánh chín không bị dính tay như nhiều nơi khác. Nguyên liệu phải được chọn là nguyên liệu tươi ngon, tôm phải vừa tươi, không được quá to cũng không quá nhỏ, bột phải là bột được làm từ tinh bột sắn, phải chọn được loại sắn ngon mà qua quá trình mài lọc nhiều lần mới cho ra loại bột ngon. Cuối cùng là gói bánh, đôi bàn tay khéo léo nặng ra được chiếc bánh ngày càng giá trị.
Bánh nậm: dùng gạo xay nhuyễn, xú với nước lá và nhào thành bột sền sệt, bánh mỏng, tôm đồng giả nhỏ, chấy ra, cùng với lá chuối đem gói lại rồi hấp lên, khi ăn thì mỗi cái bánh được cuộn lại vừa đúng một miếng.
Bánh bèo: với hình dạng như tai bèo nên nó được định danh là bánh bèo. Bánh bèo xuất hiện phổ biến nhưng điểm đặc biệt là sắc thái địa phương mang đậm chất Huế trong bánh bèo Đức Bưu, đó là sự thanh mảnh, tinh tế, nhỏ nhắn nhưng phẩm vị lại rất ngon, từ bột cho tới tôm chấy, các loại gia vị, nước chấm.. làm nên hình ảnh đẹp.
Bánh lọc: có 2 loại bánh lọc là bánh lọc gói (gói bằng lá chuối, lá dong) và bánh lọc trần (không gói). Nhân bánh thường bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm thịt. Sau khi vắt thành bánh, được gói bằng lá chuối, lá dong và hấp cách thủy hay luộc chín rồi nhúng nhanh vào nước lạnh đều được. Thường khi ăn kèm thêm nước chấm làm cho hương vị đậm đà, vừa vị ngọt của tôm thịt rim, vừa béo của thịt heo mỡ, vừa cay và thơm của mùi ớt, tỏi, vừa dẻo, dai của bột lọc làm quyện vào nhau tạo ra một cảm giác ngon khó tả khi thưởng thức món ăn này.
Nghề làm bánh bèo, nậm, lọc tại làng Đức Bưu hiện có 54 hộ tham gia sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ 27% trong tổng số 200 hộ dân của làng. Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tạo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập ổn định từ 4.000.000 - 4.500.000 đồng/tháng. Sản phẩm được tạo ra bằng phương pháp thủ công cho nên người nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn chất liệu cho đến xử lý chế biến đến khi thành phẩm ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Ngoài ra, chiếc bánh được biến tấu từ lâu đời để thay đổi khẩu vị món ăn từ sắn, gạo, nếp. Cho đến bây giờ nó trở thành một loại đặc sản của vùng Cố đô nói chung và Hương Sơ nói riêng. Với mỗi sản phẩm làm ra, nó chứa đựng một phần tình cảm tâm tư của người nghệ nhân, chứa đựng luôn cả sự vất vả của con người nơi đây với thời tiết khó khăn vẫn không bỏ nghề. Nó là đặc trưng của vùng đất khắc nghiệt này và chính sự khắc nghiệt này nên nó càng có giá trị. Giá trị ở chỗ dù có đi đâu xa vẫn nhớ về quê nhà, nhớ về những món bánh truyền thống.
Làng nghề bánh bèo, nậm, lọc Đức Bưu, phường Hương Sơ, thành phố Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống (Quyết định số 55/QĐ-UBND ngày 11/01/2021).
Dưới đây là một số hình ảnh Nghề làm bánh ở Đức Bưu, phường Hương Sơ