Dệt Dèng là một loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mỗi sản phẩm dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt Dèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền, dệt nên những tấm Dèng đa màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo.
Với nghề dệt Dèng, vai trò người phụ nữ, người mẹ vô cùng quan trọng, bởi khi con gái lớn lên, ai cũng phải biết dệt những tấm Dèng truyền thống của dân tộc mình do chính người mẹ truyền lại. Đến tuổi lấy chồng, khi về nhà chồng, cô dâu phải mang theo những tấm Dèng làm của hồi môn, còn nhà trai mang trâu, bò đến cho nhà gái. Ngoài phục vụ cho nhu cầu của mình, cô dâu còn phải dệt được những tấm Dèng đẹp để tặng người trong gia đình nhà chồng. Điều này được coi là thước đo sự khéo léo, chăm chỉ, tận tâm.
Dệt Dèng A Lưới đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng và du khách trong ngoài nước qua các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, các kỳ hội chợ, triển lãm và đặc biệt, trong các Kỳ Festival Làng nghề truyền thống Huế , vải Dèng thổ cẩm của A Lưới được trình diễn trên sân khấu thời trang qua bộ sưu tập của các nhà thiết kế thời trang. Hiện nay, dệt Dèng đã vươn xa khi được nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu ở Nhật Bản, Pháp… cũng như trở thành nguyên liệu cho các sản phẩm thời trang như giày, túi xách, ví, mũ nón... thổ cẩm, tạo nên sự đa dạng và đặc sắc trong sự ứng dụng hơn cho một làng nghề truyền thống tưởng chừng có nguy cơ mai một.
Chính những tinh hoa mang đậm nét văn hóa của dân tộc Tà Ôi mà dệt Dèng A Lưới mang lại, ngày 21 tháng 11 năm 2016, nghề dệt Dèng A Lưới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đặc trưng
Nguyên liệu để tạo nên sản phẩm này là những cây bông được đồng bào trồng trên rẫy, qua nhiều công đoạn như phơi khô, tách lấy bông, bật bông, cán, vấn, xe, giăng, kéo thành sợi. Khi đã có sợi vải, người ta sẽ nhuộm màu bằng các loại lá, vỏ, củ, rễ cây khai thác từ núi rừng, gam màu chủ yếu là đen, đỏ và trắng. Sau đó phơi khô rồi cuộn lại thành búp để dệt. Khi dệt xong, trên nền vải, người phụ nữ khéo léo điểm những hạt cườm, quả rừng... thành hoa văn vừa đẹp mắt vừa chứa đựng những biểu tượng về đời sống cộng đồng. Hoa văn trang trí của người Tà Ôi được chia theo 3 chủ đề (động, thực vật, thiên nhiên và đồ vật), chủ yếu được tạo nên từ những hạt cườm gắn trên mặt Dèng. Đây chính là điểm khác biệt so với sản phẩm dệt thổ cẩm ở các khu vực khác.
Để tạo nên một tấm vải Dèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc, từ những bàn tay khéo léo, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và sự tỉ mỉ trong việc đính cườm đã tạo nên những sản phẩm hoa văn độc đáo.
Làng nghề Dệt Zèng A Hưa, xã Nhâm và A Đớt, xã A Đớt, huyện A Lưới được UBND tỉnh công nhận Làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế theo quyết định 971/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2016.
Tháng 7/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố danh sách 13 làng nghề tiêu biểu cần được bảo tồn lâu dài, trong đó có 04 làng nghề dệt Dèng bao gồm: dệt Dèng A Đớt; dệt Dèng A Hưa; dệt Dèng xã A Roàng và dệt Dèng thị trấn A Lưới.
Ngày 12/3/2019, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ đã có quyết định chứng nhận Dèng A Lưới là nhãn hiệu tập thể, chủ chứng nhận là Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới. Đây là cơ hội để huyện A Lưới phát huy và thực hành các kỹ năng nghề Dệt Dèng thông qua việc phát triển các Hợp tác xã nghề Dệt Dèng, gắn kết phát triển du lịch dịch vụ làm đa dạng các loại hình di sản văn hóa và góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.