|
Gần đến ngày rằm tháng chạp ở làng Kim Long, hầu như nhà nào cũng làm mứt gừng. Thực ra, ở đâu cũng có thể có gừng củ và làm được mứt gừng, Kim Long sở dĩ nổi tiếng về mứt gừng vì đây là làng ven sông, nguyên liệu được mua từ một ngôi làng vùng Thượng nguồn sông Hương là làng Bãng Lãng (ngã ba Tuần) chuyên chở bằng thuyền xuôi dòng về bán, người dân ở đây đã chế biến mứt gừng thành một sản phẩm đặc trưng của quê mình.
Hằng năm, ở Kim Long mỗi hộ làm mứt gừng nhiều nhất đến năm tấn, trung bình mỗi tấn lãi được một triệu đồng, người làm ít nhất sau mỗi vụ cũng kiếm được từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi để chuẩn bị Tết cho gia đình. Những gia đình làm mứt gừng ở Kim Long cho biết, chẳng có bí quyết nào để làm ra sản phẩm đặc biệt ấy; duy nhất phải mua được gừng Kim Long hoặc gừng Tuần làm mứt mới ngon, cay. Mỗi cân gừng củ sau khi gọt vỏ, bào mỏng, rửa sạch, ngâm nước vo gạo khoảng một giờ vớt ra để ráo. Sau đó, đun nước sôi luộc gừng cho vào một ít chanh, không nên luộc quá kỹ, để ráo nước, theo tỷ lệ một kg đường một kg gừng, sau khi trộn đều để ngấm khoảng một giờ cho vào chảo rộng rim lửa than liu riu. Thỉnh thoảng trộn đều đến khi mứt gần sánh thì đảo nhanh tay cho tới khi đường thật khô và bắt từng lát gừng duỗi thẳng và đặt chồng lên nhau từng lớp. Sau khi mứt gừng đã thẳng và khô, để nguội thì cho vào thẩu thuỷ tinh hoặc túi bóng để bảo quản lâu ngày.
Ngày nay, hàng bánh, mứt Tết đa dạng nhập từ nước ngoài vào nhiều kể cả hàng nội địa ngon và đẹp nhưng mỗi người con xứ Huế vẫn không quên mứt gừng.