Bánh in hay còn gọi bánh cộ, bánh ngũ sắc là loại bánh truyền thống được người Huế dùng thờ cúng, đãi khách trong những ngày Tết Nguyên đán.
Vì bánh được đúc từ những chiếc khuôn bằng gỗ nên có tên gọi là bánh in. Cách làm loại bánh này không quá phức tạp với 2 nguyên liệu cơ bản là đậu xanh và đường. Để chế biến bánh in, người làm phải tiến hành tuần tự rất nhiều công đoạn. Sau khi rửa sạch, đậu được đem hầm, đánh nhuyễn. Đậu phải sạch thì bánh mới không bị hăng hay vón cục. Công đoạn khó nhất là nấu đậu với đường. Để bánh ngọt đều, đường cần nấu đến độ đặc quánh rồi với đậu nhừ theo tỷ lệ 1: 1.5. Điều này có nghĩa cứ 1kg đậu thì dùng với 1.5kg đường. Sau khi đảo đầu, người ta đặt hỗn hợp trên ngọn lửa liu riu đánh nhuyễn liên tục 4 tiếng. Công đoạn này được thực hiện liên tục đến khi trông đậu và đường mịn và nở thì xem như hoàn thành. Người thực hiệu đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để đậu được mịn đều, không bị vón cực hay màu loang lổ. Kết thúc công đoạn đánh, đậu được phơi ráo 1 ngày rồi mới dùng khuôn in. Khuôn bánh hình chữ thọ được sử dụng phổ biến nhất. Không chỉ bắt nguồn từ tích cổ, đây còn là lời chúc năm mới. Ngoài ra, bánh cũng hay sử dụng hình hoa sen cho các buổi lễ Phật.
Trong quá trình sấy, người chế biến phải chọn đúng độ lửa. Nếu sấy lửa quá nhỏ, bánh sẽ lâu chín, khó giòn ngon. Ngược lại, bánh sấy vội bằng lửa to dễ khét lớp ngoài, chỗ lại chưa đủ độ. Những cái bánh được bọc gọn gàng trong giấy nhiều màu sắc với muôn hình vạn trạng nào là hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, nào là hình lục giác, hình bát giác. Bánh mịn, có vị ngọt thơm.
Bánh in bình dị với hương vị riêng của mình từ lâu đã trở thành món quà tiến vua nổi tiếng. Nếu đã có dịp ghé thăm nhà người Huế, bạn có thể dễ dàng bắt gặp đặc sản này trên bàn thờ, đặc biệt là nhà thờ Phật, ông Địa. Đặc biệt, trong những buổi sáng sớm, ngồi nhâm nhi ly trà nóng với bánh in thì không còn gì bằng, cái vị chát đắng của trà hòa cùng vị ngọt thơm của bánh in đem lại hương vị rất thơm ngon đậm đà.