Bánh Huế ngày tết
  

Phụ nữ Huế ngay từ thuở còn thơ đã được bà, mẹ… dạy cho nữ công gia chánh, trong gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường truyền bí quyết, kinh nghiệm riêng về bếp  núc cho nhau nên Huế luôn nổi tiếng là mảnh đất có nhiều phụ nữ khéo tay hay làm. Đặc biệt vào dịp Tết đến Xuân sang, bàn tay tài hoa của các chị tha hồ bày biện, đây là niềm vui, là hạnh phúc đầu năm cho mọi nhà: bánh mứt ngon, màu sắc đẹp, đầy hương vị quê nhà.

Ở Huế, bánh mứt ngày Tết ngoài ý nghĩa thiêng liêng là để cúng bái tổ tiên ông bà – đất trời, chiêu đãi bạn bè khách khứa nhân năm mới, còn là dịp tốt nhất để các bà các cô thi thố tài năng.

Bánh ngày Tết ngày càng phong phú và đa dạng nhưng người ta chuộng nhất là bánh ngũ sắc, bánh thuẫn, bánh  tét.

Bánh ngũ sắc hay còn gọi là bánh in, họ nhà bánh này rất nhiều chủng loại: bánh măng, bánh bột nếp, bánh bột huỳnh tinh, bánh đậu xanh, bánh sen tán… mỗi loại bánh mang đúng loại bột như tên gọi của nó. Bánh được gói bằng giấy gương đủ màu sắc nhưng có quy định cụ thể, ví như màu xanh hy vọng là bánh đậu xanh, màu tím hoàng là bánh bột nếp… Ngày xuân, các cô gái Huế lãng mạn thường chọn bánh theo tình yêu sắc màu hơn là hương vị bánh, bởi yêu màu tím nên ăn mãi bành huỳnh tinh dù bánh đậu xanh dòn tan thơm phức, cũng mặc!.

Cứ vào khoảng 25 Tết, trong gió Huế đã thoang thoảng mùi thơm của bánh thuẫn, những chiếc bánh xinh xắn mang đủ hình dáng của loại vật đáng yêu và loài hoa mỹ miều theo khuôn mẫu có sẵn.  Bánh được làm bằng bột huỳnh tinh hay bột mì tùy vào sở thích của mỗi nhà, phải đánh bột, đường, trứng thật mạnh và đều tay bánh mới nở ngon mắt. Có điều thú vị là các bà các cô thường thích thử thời vận năm mới qua việc làm bánh thuẫn, nếu bánh nở đẹp thì thời gian đến sẽ vô cùng may mắn, tràn đầy niềm vui và ngược lại… Các cô cậu đang mùa thi cũng thích thú với loại bánh này, dù bận rộn với bài vở nhưng cũng tranh thủ xuống bếp xin mẹ thử quẻ – chỉ là để cho vui thôi – như là một hình thức thư giãn sau bao bận bịu, chứ thực ra bánh đẹp hay không tùy thuộc vào nhiều kỹ thuật, nghệ thuật và một vài bí quyết nhỏ của người làm.

Chiều cuối năm, bên bếp lửa hồng, hương thơm của bánh và đôi má ửng hồng của cô gái trông thật đáng yêu, ta như cảm nhận được mùa xuân đã đến! Dĩa bánh ngũ sắc rực rỡ luôn chiếm vị trí trang trọng trên bàn thờ ngày Tết nghi ngút khói hương.

Hiện nay, ở Huế có hai tiệm bán bánh in ngon nổi tiếng là tiệm Hồng Phúc ở đường Phan Đăng Lưu, tiệm Bà Bốn ở đường Nguyễn Thiện Thuật, đặc biệt vào các ngày rằm, mồng một tiệm bánh Bảo Thạnh ở đường Trần Hưng Đạo cũng có bán loại bánh này.

Bánh tét là món bánh không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết của mọi nhà – dù giàu sang phú quý hay bình dân nghèo nàn đều có – mức độ nhiều hay ít, chất lượng ngon dở tùy vào hoàn cảnh kinh tế và quan niệm sống của mỗi gia đình: người hay căn cơ, kẻ thích hào phóng sẽ có sự khác biệt. Thật muôn vàn tiện lợi, Tết – đi chơi về lỡ bữa hay bận rộn tiếp khách – vài ba lát bánh tét ăn vội vàng cũng đủ yên bụng để thù tạc với bạn bè đến tận chiều tối. Ngon nhất Huế là bánh tét làng Chuồn – nếp vừa dẻo vừa thơm, đòn bánh hình trụ tròn thon thon, nhân đậu xanh vàng ươm thơm phức, lát thịt mỡ chính tâm béo ngậy ngon lành. Người Huế thường dùng sợi lạt buộc bánh để thái thành từng lát mỏng rất láng lẩy khi bày trên đĩa trông rất đẹp như một đóa hoa. Bánh được gói bằng lá chuối – thứ lá to bản – mặt nhẵn, để bánh được giữ lâu ngày thì lúc gói phải có nhiều lớp lá, nếu tiết kiệm lá sẽ rất mau thiu – dùng lạt mềm buộc thật chặt nấu chín kỹ. Để có một đòn bánh tét ngon, người phụ nữ phải chăm chút nhiều đến từng chi tiết: nếp, đậu… rất công phu, quy luật của cuộc sống có bù trừ - trong đau khổ vẫn có hạnh phúc – nên đêm gia thừa, ngồi canh nồi bánh tét, nhìn lửa cháy bập bùng mà nhớ nhung, hồi tưởng, mơ mộng, thật thú vị!.

Gần đây, ở Huế có xuất hiện thêm bánh chưng, nguyên vật liệu và cách làm như bánh tét vậy, chỉ khác về hình thể, bánh chưng có hình vuông, gói bằng lá dong, không để lâu ngày được như bánh tét. Bánh chưng Nhật Lệ ở Thành Nội không nơi đâu hơn tài, rất ngon và bán rất chạy, ngày Tết muốn có bánh chưng ở tiệm này thì phải nhanh chân đặt trước từ trung tuần tháng 12 âm lịch, chậm chân là phải ăn bánh chợ hoặc tự gói lấy.

Ngày nay, phụ nữ Huế có điều kiện tiếp thu thêm nhiều nền văn hóa các miền nên ngoài những món truyền thống trên, Tết Huế còn có nhiều loại bánh đẹp, lạ miệng và hợp khẩu vị như bánh trái cây, bánh kem, bánh bông lan… và đã được nhiều chị em hưởng ứng tích cực.

Dù giàu hay nghèo, ngon, dở… bánh Tết Huế vẫn hấp dẫn mọi người bởi hương vị độc đáo, màu sắc hấp dẫn mang nét riêng đặc sắc của Huế.

 Bản in]