Trả lời của ông Hoàng Hải Minh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
I. Thực trạng về ngập lụt và ngập úng:
Thực trạng trong những năm qua, với tình hình thời tiết diễn biến xấu, bất thường; phát sinh nhiều trận mưa với cường độ lớn, dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại một số khu vực. Mặt khác, trong mùa mưa hằng năm (từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm), thường có các đợt mưa với cường độ mưa lớn và kéo dài, nước mưa từ thượng nguồn đổ về đã tạo thành lũ lớn, mực nước các sông dâng cao đã làm ngập lụt nhiều khu vực có địa hình thấp trũng.
1.Tình trạng ngập cục bộ (ngập cục bộ khi có mưa) xuất hiện là do:
-Hệ thống thoát nước mưa hiện trạng chưa đảm bảo; các hồ, kênh, mương hiện trạng bị lấn chiếm, san lấp, xây dựng bị thu hẹp làm cho nước mưa thoát chậm; thiếu hồ, không có khả năng lưu chứa khi mưa với cường độ lớn; một số khu vực do các công trình đang thi công nhưng thiếu giải pháp thoát nước mưa tạm thời.
- Một lý do chính nữa là do Hệ thống các kênh, mương thoát nước chính theo quy hoạch được duyệt chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng với tình hình thực tế và quá trình đô thị hóa, dẫn đến tình trạng hệ thống thoát nước mưa chỉ đủ chuyển tải lưu lượng nước mưa lưu vực cục bộ từng dự án mà thiếu kết nối liên tục từ vị trí thu đến vị trí xả nước, không thể tiếp nhận lưu lượng nước chuyển qua từ phía thượng lưu.
2.Tình trạng ngập lụt (khi nước mưa từ thượng nguồn đổ về làm cho mực nước sông dâng cao, gây ngập trên diện rộng) xuất hiện là do:
- Cao độ mặt đường, nền công trình thấp so với cao trình mực nước sông khi có lũ (đối với địa bàn tỉnh trong những năm gần đây, với chu kỳ khoảng 3~5 năm thì xuất hiện trận lũ lớn, với mực nước các sông trên mức báo động III; những năm gần đây, lũ thường xuyên hơn; mực nước ở mức BĐ III thì hầu hết các khu vực có cao độ nền ≤ 2,5m thuộc địa bàn thành phố Huế đều bị ngập).
- Các hồ chứa chỉ đảm bảo một phần cho việc điều tiết cắt lũ, hạ mực nước lũ trên các sông chính (như Sông Hương, Sông Bồ...), chưa thể hạ mực nước lũ trong hầu hết các trận lũ về mức nước thấp hơn mức nước BĐ III trên Sông Hương.
3. Một lý do nữa dẫn đến tình trạng ngập lụt và ngập úng là hệ thống thoát nước chính của một số khu vực bên ngoài hàng rào, ngoài phạm vi các dự án chưa được đầu tư tuân thủ quy hoạch được duyệt do thiếu nguồn lực.
4. Điển hình, trong các đợt lụt năm 2020 và 2022, mực nước lũ trên sông Hương, tại Kim Long là khoảng +3,80 m trên báo động III khoảng 0,3m thì mực nước tại khu đô thị mới An Vân Dương từ +2,7m đến +3,17m vượt quá cao độ san nền khu vực An Vân Dương, kể cả các tuyến đường đã được nâng cao theo quy hoạch với cao độ trung bình +2,64m như đường Võ Nguyên Giáp, đường Tố Hữu.
Nguyên nhân tình trạng này chủ yếu do hệ thống thoát nước mặt chưa được triển khai xây dựng, nâng cấp đồng bộ; các dự án đang triển khai chưa hoàn thành các vị trí đấu nối, cửa xả chính tiếp nối với sông.
II. Các dự án đã và đang triển khai:
Vừa qua UBND tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư nhiều dự án thoát nước; trong đó phải kể đến là Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế (GDD); dự án Chương trình Phát triển đô thị loại II (Green city).
Trong đó, có đầu tư hệ thống thoát nước và nâng cao độ một số đường; trong giai đoạn thi công xây dựng công trình đã có ảnh hưởng đến quá trình thoát lũ tại một số khu vực dân cư hiện hữu do nghẽn tại một số vị trí của xả, chưa đấu nối đồng bộ với hệ thống sông Như Ý, Nhất Đông, hói Phát Lát...
Để giải quyết thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ngành nghiên cứu để có giải pháp xử lý trước mắt cũng như về lâu dài trong tình hình hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Trong đó, có ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện ĐTXD: Tuyến kênh mương quy hoạch cạnh đường Hoàng Quốc Việt (giao Ban QLDA thành phố Huế là chủ đầu tư); Tuyến kênh sinh thái Khu A (giao Ban QLDA Đầu tư SCDP II Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư) để sớm hoàn chỉnh hạ tầng thoát nước cho Khu A - An Vân Dương và khắc phục tình trạng ngập úng trong các khu đô thị, khu dân cư hiện tại. Một số giải pháp điển hình nhằm hạn chế ngập trong khu đô thị như sau:
II.1.Giải pháp trước mắt:
1. Các địa phương phải thường xuyên kiểm tra các khu vực có tình trạng nước mưa ứ đọng, ngập cục bộ khi có mưa; tổ chức nạo vét, khơi thông các rảnh, cống, mương và cửa xả hiện trạng (đặc biệt tại các vị trí cửa xả nước ra sông, biển; nguồn tiếp nhận) để dòng chảy không bị nghẽn, tắt và thu hẹp.
2. Nâng cấp các cống ngang đường (băng đường) khi thấy khẩu độ cống chưa đảm bảo thoát nước thuận lợi (xuất hiện tình trạng nước ứ đọng khi có mưa).
3.Yêu cầu các chủ đầu tư các công trình đang thi công thì phải có giải pháp thoát nước mưa tạm thời đảm bảo đảm bảo tiêu thoát nước mưa khi có mưa (tránh ngập cục bộ).
II.2. Giải pháp lâu dài:
1. Tranh thủ mọi nguồn lực để quan tâm hơn nữa, ưu tiên đầu tư xây dựng xây dựng hệ thống thoát nước mưa chính trong các khu đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt; đầu tư hoàn chỉnh các cửa xả chính (tiếp giáp với kênh, hồ, sông và biển), đảm bảo hệ thống thoát nước mưa phải kết nối liên tục, thoát nước thuận lợi ra các nguồn tiếp nhận hiện hữu.
2. Tổ chức GPMB phạm vi ranh giới các hồ, kênh, mương đã có trong quy hoạch xây dựng được duyệt; trường hợp hạn chế về nguồn lực, nguồn kinh phí thì lập kế hoạch tổ chức đầu tư theo từng giai đoạn.
3. Xét về tổng thể, giải pháp tiêu thoát nước mưa khu vực đô thị cần phải có sự nghiên cứu, đầu tư đồng bộ; ưu tiên hệ thống hệ thống thoát nước khung của các đô thị trung tâm; Ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức lập Quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt và thoát nước thải đô thị để cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đã được phê duyệt tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đáp ứng với nhu cầu tiêu thoát nước mưa. Trong Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đã đề ra các giải pháp công tình và phi công trình, cụ thể sau:
a. Giải pháp phi công trình:
- Ứng dụng công nghệ số trong quản lý cơ sở dữ liệu thoát nước, kiểm soát, cảnh báo và xử lý ứng cứu tình huống khẩn cấp về thiên tai và môi trường (như HueS). Hệ thống thoát nước thông minh cho phép cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ cơ sở hạ tầng, như tình trạng vận hành hệ thống đường cống, trạm bơm, hồ điều hòa. Các dữ liệu vận hành được cập nhật hàng ngày, giúp quản lý hiệu quả hoạt động thoát nước, giúp các nhà điều hành quản lý đưa ra các giải pháp phù hợp giải quyết các sự cố tình huống về thiên tai.
- Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác phối hợp vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện trên dòng chính để tối ưu hiệu quả sử dụng nước và phòng chống lũ hạ du.
- Tăng cường công tác trồng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, cây chắn sóng.
- Áp dụng khoa học công nghệ lắp đặt hệ thống báo động, cảnh báo thiên tai, lũ quét, sạt lở đất... Đầu tư phát triển, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo, quản lý, vận hành lũ trên các lưu vực sông Hương, sông Tả Trach, Hữu Trạch...
- Xây dựng bản đồ ngập lũ hạ du hồ thủy lợi, thủy điện; bản đồ ngập lũ lưu vực sông Hương.
- Cắm mốc hành lang thoát lũ, hàng lang bảo vệ nguồn nước và hàng lang bảo vệ công trình thủy lợi.Nạo vét lòng dẫn các kênh rạch, sông ngòi, các trục thủy đạo và chống lấn chiếm để tăng khả năng thoát nước.
- Quy hoạch tăng cường các không gian xanh trong đô thị, đóng vai trò điều hòa, thoát lũ như các hồ, sông suối, các công viên dọc bờ sông, công viên trong đô thị.
- Quy hoạch bố trí, sắp xếp lại các khu dân cư, cơ sở hạ tầng ở những nơi có nguy cơ ngập lụt hoặc xảy ra lũ quét cao.
- Làm tốt công tác kiểm tra hiện trường, tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống, sơ tán khi có mưa bão bất thường.
- Nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
b. Giải pháp công trình
b.1. Công trình thủy lợi
- Tiêu thoát TP Huế: Cải tạo nâng cấp hệ thống kênh, trục tiêu thành phố Huế đảm bảo tiêu thoát nhanh, thuận lợi ra sông Hương.
3) Tiêu thoát vùng Nam Bắc sông Hương, sông Bồ: Nạo vét các trục tiêu sông Truồi, Nông, Như Ý, Đại Giang, Chợ Nọ, Thiệu Hóa, Khe Việc, Châu Sơn, Khe Vực, kênh Cầu Long đảm bảo tiêu thoát vùng đồng bằng Nam sông Hương;trục tiêu Kim Đôi tiêu ra cống Quản Cửa, trục tiêu An Xuân, trục tiêu Diên Hồng (kênh Lịch Hồng) ra cống Hà Đồ để tiêu cho vùng Bắc sông Hương - Bắc sông Bồ; kênh 5 xã, kênh 7 xã, kênh 3 xã tiêu cho vùng Bắc sông Hương - Nam sông Bồ.
- Nạo vét các trục thủy đạo thuộc hạ lưu sông Hương gồm: Nạo vét trục thủy đạo sau cống Cầu Long, Như Ý Bắc, Như Ý Nam, nạo vét sông Cùng, nạo vét thủy đạo sau cống Diên Trường, Thủy đạo sau cống Lạch chéo…
9) Nâng cấp đập Thảo Long.
1- Đối với các trục tiêu nội đồng cần phải được xem xét tổng thể, sắp xếp ưu tiên đầu tư đồng bộ từng tuyến để phát huy hiệu quả cao nhất.
- Xây mới các trạm bơm tiêu cho vùng thấp trũng, chịu ảnh hưởng lớn biến đối khí hậu, nước biển dâng vùng đồng bằng Nam - Bắc sông Hương.
b.2. Công trình phòng chống thiên tai
* Hồ chứa
- Sử dụng các công trình hồ chứa thượng nguồn hiện có như Tả Trạch, Bình Điền và Hương Điền. Tiếp tục điều tiết có hiệu quả các hồ chứa hiện có tham gia cắt giảm, phòng chống lũ cho hạ du.
- Sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa xuống cấp và bảo trì đập, hồ chứa thủy lợi trong khu vực.
* Hệ thống đê điều
- Củng cố, nâng cấp toàn bộ hệ thống các tuyến đê sông, đê biển, đê cửa sông đảm bảo chống được lũ thiết kế; hệ thống kè bảo vệ bờ sông, bờ biển.
- Xây mới, khép kín các tuyến đê bảo vệ khu dân cư, khu đô thị như tuyến đê bao bảo vệ thành phố Huế mở rộng.
- Củng cố, hoàn thiện các tuyến đê biển đảm bảo chống được bão cấp 10, triều tần suất 5%, có xét đến nước biển dâng..
*Chỉnh trị sông, cửa sông tăng khả năng thoát lũ cho các vùng cửa sông:
+ Chỉnh trị một số tuyến sông để tăng khả năng thoát lũ như sông Nông, sông Như Ý…
+ Chỉnh trị ổn định cửa biển Thuận An để tăng khả năng thoát lũ.
+ Xử lý xói lở bở Biển Hải Dương, ổn định luống cửa Thuận An (Giai đoạn 2)
*Khai thác bãi sông: Cải tạo lòng dẫn, giải phóng các vật cản ở bãi sông, lòng sông; ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về đê điều trên lưu vực sông Hương.
* Mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống của đường sắt Bắc Nam và đường Quốc lộ 1A thuộc địa phận thành phố Huế (cống Bạc 1, 2...).
* Công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển
Cần xây dựng, củng cố, nâng cấp công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tập trung xử lý các trọng điểm xung yếu về sạt lở bảo đảm an toàn khu tập trung dân cư, cơ sở hạ tầng vùng ven sông, ven biển, các khu vực chỉnh trị trọng điểm và ổn định bờ biển tại những khu vực xói lở mạnh trong vùng như:
+ Đối với sạt lở bờ sông: Nâng cấp, sửa chữa các công trình: Kè Xước Dũ, kè Địa Linh, Kè Thiên Mụ...Xây dựng mới các công trình phòng chống xói lở, bảo vệ bờ như Kè Xước Dũ II, kè sông Hương, kè sông Như Ý, kè sông Bạch Yến…
+ Khu vực cửa Thuận An: xây dựng kè mỏ hàn ngăn cát chống hiện tượng xói bồi đang ngày càng diễn ra mạnh hơn.
Trên cơ sở các định hướng quy hoạch, hiện nay Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch chung, dự kiến trình UBND tỉnh ban hành trong tháng 6/2024 để có cơ sở phân bổ nguồn lực, triển khai đầu tư xây dựng theo quy định.
Ngoài ra, sau khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác lập các đồ án Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm triển khai đồng bộ giữa công tác quản lý thoát nước đô thị và quản lý thoát lũ.