Ông Nguyễn Dương Anh Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
Trả lời của Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Dương Anh:
I. Cơ quan nào được kết nối, xác thực thông tin với CSDLQG về DC?
Ngày 04/11/2022, Bộ Công an ban hành Thông tư số 46/2022/TT-BCA Quy định về việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác (Thông tư có hiệu lực từ ngày 19/12/2022). Theo đó:
(1) Đối tượng áp dụng bao gồm cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 8 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021.
(2) Nguyên tắc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm các quy định về bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.
(4) Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
(5) Cơ quan, tổ chức, cá nhân được kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm điều kiện hạ tầng hệ thống thông tin, mô hình kết nối, cấu trúc dữ liệu, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau: Hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Trước khi thực hiện kết nối hoặc sau khi thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức có sự điều chỉnh, thay đổi về thiết kế hệ thống thì phải được kiểm tra, đánh giá an ninh, an toàn thông tin.
Về Quy trình thực hiện kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác được quy định cụ thể như sau:
(1) Cơ quan, tổ chức quản lý hệ thống thông tin có văn bản đề nghị kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.
Văn bản đề nghị kết nối gồm các nội dung sau: Đơn vị đăng ký; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đề nghị được kết nối, chia sẻ; thông tin cán bộ phụ trách kết nối, chia sẻ và khai thông tin; mục đích, phạm vi, nội dung thông tin, số lượng trường thông tin cần chia sẻ; dịch vụ đăng ký sử dụng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài liệu mô tả kỹ thuật thành phần hệ thống có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
(2) Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an thực hiện:
a) Cung cấp tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho cơ quan, tổ chức có đề nghị kết nối;
b) Hỗ trợ các cơ quan, tổ chức thực hiện kết nối, điều chỉnh phần mềm và kiểm thử kỹ thuật các dịch vụ chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
c) Phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức có đề nghị kết nối.
II. Hình thức khai thác thông tin trong cơ sở DLQG về DC
Dẫn chiếu Điều 8 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật căn cước công dân (sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 37/2021/NĐ-CP) quy định như sau:
“Điều 8. Hình thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
(1) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao qua việc kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định tại Điều 7 Nghị định này trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh hoặc khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.
(2) Tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc theo phương thức khai thác khác do Bộ Công an hướng dẫn.
(3) Công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
(4) Các tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin”.
III. Về mức phí khai thác thông tin trong CSDLQG về DC
Thông tư 48/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG) có hiệu lực từ ngày 17/9/2022.
Thông tư nêu rõ, người nộp phí là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Căn cước công dân có đề nghị khai thác và sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư và được cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư có thẩm quyền cung cấp thông tin trong CSDLQG về dân cư theo quy định pháp luật.
Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nhận kết quả thông tin từ cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư.
Thông tư quy định mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin như sau:
TT
|
Nội dung công việc thu phí
|
Mức thu (đồng/trường thông tin)
|
1
|
Xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy (sản phẩm SPDC01)
|
1.000
|
2
|
Tin nhắn SMS trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác (sản phẩm SPDC02)
|
1.000
|
3
|
Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua cổng dịch vụ công (sản phẩm SPDC03)
|
1.000
|
4
|
Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua ứng dụng phần mềm (sản phẩm SPDC04)
|
1.000
|
5
|
Văn bản giấy trả lời kết quả thông tin đề nghị cung cấp (sản phẩm SPDC05)
|
1.000
|
Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này gồm: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an); Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh; Công an cấp huyện và Công an cấp xã. Giảm 50% mức phí đến hết năm 2023. Kể từ ngày 17/9/2022 đến hết ngày 31/12/2023, áp dụng mức thu bằng 50% mức phí quy định tại bảng trên. Kể từ ngày 01/01/2024 trở đi, áp dụng mức thu theo mức phí quy định tại bảng trên.
Một trường thông tin là một thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định gồm 18 thông tin cơ bản (18 trường thông tin) theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú ngày 13 tháng 11 năm 2020.