Trả lời của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình:
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 Hội nghị Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, dưới sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các ngành, Mặt trận TQVN, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hoà giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Nhận thức của hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn.
Chính sách ưu đãi, tôn vinh đối với người có công với cách mạng được chú trọng, thực hiện tốt; chính sách giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực; việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị thấp; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong bảo đảm an sinh xã hội. Hệ thống cơ sở y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội tiếp tục được đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng góp phần bảo đảm giáo dục, y tế, nhà ở tối thiểu, nước sạch, thông tin cơ bản cho người dân; người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời.
* Đối với Chính sách trợ giúp thường xuyên, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng:
Thực hiện Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ; Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị quyết số 28/2021/NQ-HĐND ngày 26/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, tính đến ngày 28/12/2023 tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 60.836 đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình nhận chăm sóc nuôi dưỡng; trong đó 1.514 trẻ em, 65 người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học văn bằng thứ nhất ở các cấp độ; 1.113 đối tượng con của người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 28.188 người cao tuổi, 25.641người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; 13 người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không có thu nhập ổn định; 4.302 hộ gia đình chăm sóc nuôi dưỡng.
* Đối với Chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở bảo trợ xã hội:
Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 cơ sở trợ giúp xã hội (02 cơ sở công lập, 20 cơ sở ngoài công lập), với tổng số nhân viên là 383 người thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng và đang nuôi dưỡng 1.361 đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng khác, giảm 32 đối tượng so với năm 2023.
Các đối tượng được thực hiện đầy đủ chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định (bao gồm tiền ăn hàng tháng, trợ cấp tư trang và vật dụng sinh hoạt). Bên cạnh đó, đối tượng còn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, hưởng các chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo, định hướng nghề nghiệp, dạy nghề giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ và nhân cách.
* Đối với Kết quả thực hiện hỗ trợ Tết, trợ giúp khẩn cấp:
- Hàng năm tỉnh đã có chính sách hỗ trợ quà Tết nguyên đán cho đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, theo Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Quy định mức quà tặng đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7).
- Đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho các đối tượng trường hợp bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
* Đối với Công tác giảm nghèo:
Giai đoạn 2022-2024 (thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025): Theo số liệu tổng điều tra, rà soát cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh là 4,93%, đến cuối năm 2022 giảm còn 3,56% và đến cuối năm 2023 giảm còn 2,27%; Bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 1,33%/năm, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Chính phủ và Tỉnh ủy giao 0,7-0,75%/năm, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm bình quân 13,7%/năm.
Toàn tỉnh hiện có 03/07 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.Tỉnh Thừa Thiên Huế có 03 xã, gồm: Điền Hương, Phong Chương thuộc huyện Phong Điền và Phú Diên thuộc huyện Phú Vang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Nổi bật trong công tác này đó là việc huyện nghèo A Lưới đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 702/QĐ-TTg về công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Lễ công bố huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024 theo quy định.
Về Hợp tác quốc tế:
Tỉnh giao Sở LĐTBXH chủ trì điều phối 02 Dự án hỗ trợ người khuyết tật do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ,gồm:
- Dự án: «Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho NKT tỉnhThừa Thiên Huế giai đoạn 2021- 2024» do Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) thực hiện.
- Dự án: «Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của NKT ở các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam» do Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và Môi trường (NACCET)- thuộc Binh chủng Hóa học -Bộ Quốc phòng làm chủ dự án. Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) thực hiện chính.
Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 78-CTr/TU ngày 12/4/2024 về ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 10/7/2024 về thực hiện Chương trình số 78-CTr/TU ngày 12/4/2024 của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW. Với các giải pháp sau:
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh và toàn dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chính sách xã hội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, phổ biến thông tin về Chương trình số 78-CTr/TU ngày 12/4/2024 của Tỉnh uỷ và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ với quy mô, nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đa dạng, phong phú.
Thứ hai: Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội:
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách xã hội bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong tiếp cận chính sách xã hội. Kiện toàn, sắp xếp, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội trên địa bàn tỉnh
Thứ ba: Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng:
Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người có công ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng ven biển, đầm phá, người có công gặp khó khăn trong cuộc sống; có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục - đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho người có công và thân nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Thứ tư: Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 71-KH/TU, ngày 24/4/2018 của Tỉnh ủy về công tác dân số trong tình hình mới. Triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộctỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 13/5/2022 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVI) về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa ThiênHuế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình số 432/CTr-UBNDngày 16/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU,Quyết định số 1071/QĐ-UBND ngày 11/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Thứ năm: Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau
Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 87-KH/TU, ngày 01/11/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 70-KH/TU, ngày 24/4/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trọng tâm là mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân.
Xây dựng đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp từ cấp tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời người gặp khó khăn trong cuộc sống. Đổi mới việc huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp xã hội, cứu trợ khẩn cấp; quản lý, sử dụng quỹ cứu trợ xã hội từ thiện, nhân đạo công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.
Tiếp tục quan tâm chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Thứ sáu:Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 24/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030;
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 04- NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Thực hiện chính sách, pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân theo hướng bình đẳng. Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, công nghệ số và bảo vệ người dân, các nhóm yếu thế, nhất là trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Phấn đấu 100% đối tượng chính sách xã hội, người nghèo trên địa bàn tỉnh được hưởng quyền trợ giúp pháp lý miễn phí theo chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030. Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Thứ bảy: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội
Xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, liên thông, liên tục, chuyên nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu và tăng khả năng tiếp cận cho các nhóm đối tượng, nhất là công nhân, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng đội ngũ làm công tác xã hội hiểu biết pháp luật, có phẩm chất đạo đức, tận tâm, hoạt động chuyên nghiệp. Nâng cao chất lượng các dịch vụ việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội và hệ thống cơ sở dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người có công với cách mạng, trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật không nơi nương tựa.
Phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội tại cộng đồng, mô hình chăm sóc và trợ giúp xã hội ngoài công lập; phát huy vai trò của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em. Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, hiện đại hoá, phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ xã hội; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên cơ sở kết nối, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư .
Thứ tám: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội
Tranh thủ nguồn lực quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Huy động và sử dụng hiệu quả, đúng quy định nguồn vốn, nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cho chính sách xã hội.
Phát huy vai trò Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của hội viên, đoàn viên và Nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp vận động nguồn lực, khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ xã hội và tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội./.