Trả lời của Ông Phan Quý Phương - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
1. Tình hình thu hút và hoạt động của doanh nghiệp FDI năm 2023:
Năm 2023, doanh thu khu vực ĐTNN ước đạt hơn 1.400 triệu USD, đóng góp trên 10% GRDP toàn tỉnh, nộp ngân sách ước đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ; chiếm tỷ trọng 36,8% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh; trong đó, riêng đóng góp của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam là 3.500 tỷ đồng, chiếm 86,4% trong tổng thu ngân sách của khu vực ĐTNN.
Tình hình thu hút các dự án FDI trong năm 2023 đạt được một số kết quả đáng khích lệ, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 141,7 triệu USD (tương đương 3.389 tỷ đồng). Luỹ tiến đến nay trên địa bàn tỉnh có 126 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.524,6 triệu USD.
Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, khu vực đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm đến của một số tập đoàn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Carlsberg (Đan Mạch), Banyan Tree (Singapore), HBI (Hoa Kỳ), Scavi (Pháp), Luks ciment (Hồng Kông), CP (Thái Lan), Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Baosteel (Trung Quốc), SBH (Tây Ban Nha), AeonMall (Nhật Bản), Kanglongda (Trung Quốc)… với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần ngày càng nâng cao vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong nước và trên thế giới.
2. Mục tiêu, định hướng thu hút FDI trong thời gian đến:
2.1 Mục tiêu:
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực trên các lĩnh vực gồm: nông nghiệp toàn diện, công nghiệp có lợi thế, dịch vụ, kinh tế biển,... nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư
2.2 Định hướng thu hút:
a. Tập trung thực hiện các định hướng, mục tiêu chủ yếu của Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2030.
Rà soát, xây dựng, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp, hiệu quả với tình hình mới. Tiếp tục đổi mới và xây dựng bộ tài liệu quảng bá, xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về hợp tác đầu tư nhằm đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
b. Bám sát Chương trình hành động của Chính phủ về các chiến lược Quốc gia:
* Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030)
Xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển nền móng cho Kinh tế số và xã hội số như: Hoàn thiện thể chế; phát triển hạ tầng; phát triển nền tảng số; phát triển dữ liệu số; đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng; phát triển nhân lực số; phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số; phát triển doanh nghiệp số; phát triển thanh toán số.
Đối với Hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế số, xã hội số cần Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong việc thu hút nguồn lực, tri thức, chuyển giao công nghệ số vào tỉnh; Chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, các sáng kiến về kinh tế số, xã hội số. Thực thi nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết liên quan đến kinh tế số, thương mại số và đặc biệt là trong xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Tìm kiếm các ý tưởng mới thông qua Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức hàng năm. Tổ chức tìm kiếm, có chính sách hấp dẫn để chiêu mộ những chuyên gia hàng đầu về công nghệ số mới, công nghệ lõi, nền tảng số ở trong nước và nước ngoài về tỉnh nghiên cứu phát triển, đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp sáng tạo về kinh tế số, đặc biệt là kinh tế số nền tảng và kinh doanh trực tuyến trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 21/02/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai Đề án Cố đô Khởi nghiệp năm 2023 để Xây dựng các khu nghiên cứu phát triển, thử nghiệm, ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp phát triển kinh tế số.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về các nền tảng số quốc gia, các mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình trên hệ thống truyền thông cấp tỉnh đến cấp xã. Phát triển các kênh tư vấn, hỏi đáp, trợ lý ảo về kinh tế số, xã hội số, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số.
Tăng cường thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai, đánh giá mức độ chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử mạng lưới tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số dbi.gov.vn; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số ‘Make in Viet Nam’ và các nền tảng số trên Cổng thông tin điện tử smedx.vn.
* Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp (Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030)
- Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực và kinh nghiệm các nước tiên tiến để triển khai các dự án ODA, NGO hỗ trợ phát triển các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin hệ sinh thái đô thị thông minh.
- Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo bao gồm: Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo; Hỗ trợ xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực sản xuất; Tập trung hỗ trợ trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
- Thường xuyên làm việc với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoàiđể đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào Khu công viên phần mềm, khu CNTT tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh.
* Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu của Việt Nam đang hướng tới. Xu thế này là lựa chọn khách quan khi toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19. Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế - cố đô nguyên vẹn nhất tại Việt Nam, nơi gìn giữ gia tài văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và toàn nhân loại, việc phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt của tỉnh.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch hành động Thành phố xanh Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để hiện thực hóa tầm nhìn thành phố xanh trong khuôn khổ thực hiện Chương trình phát triển đô thị loại II, chương trình hợp tác giữa Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Các thành phố xanh.
Xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là chiến lược lâu dài của tỉnh, trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và định hướng thu hút đầu tư trong thời gian đến, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường, như: công nghiệp tin học, phần mềm, điện-điện tử, công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, dược, thiết bị y tế, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, công nghiệp hỗ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tỉnh sẽ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, các ngành chế biến sâu, công nghệ thông tin và phần mềm. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa.
* Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2030
c. Hợp tác đầu tư nước ngoài.
Bám sát quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài tại Nghị định số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019; chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021- 2030 tại Quyết định số 667/QĐ-TTG ngày 02/6/2022 và kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/03/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh công tác kêu gọi các nhà đầu tư mới cần tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư FDI giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
d. Rà soát thông tin về tình hình đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo đủ điều kiện thu hút các dự án đầu tư thứ cấp:
- Cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh để tập trung vào hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện hữu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và đổi mới ngành công nghiệp...
- Chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo tư duy truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” với yêu cầu gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa và đô thị hóa, giữa công nghiệp hóa với bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn, giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với nâng cao chất lượng sống của người dân.
Ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư uy tín, có thương hiệu trong các lĩnh vực kêu gọi đầu tư (các dự án hạ tầng KCN Quảng Vinh, KCN Phú Đa; các dự án nhà ở công nhân tại Khu kinh tế, khu công nghiệp; các dự án phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô,...); Thu hút những nhà đầu tư là đối tác có uy tín của các ngân hàng, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước; những nhà đầu tư đã sản xuất kinh doanh thành công tại các tỉnh, thành phố khác, có nhu cầu chuyển đến sản xuất kinh doanh tại Thừa Thiên Huế; những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đầu tư thành công, uy tín tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
e. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư.
f. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; duy trì đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ và nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.