1. Quy hoạch về phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh được chi tiết-cụ thể tại Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 17/01/2015 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh TTH đến năm 2020 định hướng đến 2025. Theo đó, tỉnh chú trọng khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống từ lâu đời đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền, bao gồm nghề truyền thống tranh giấy làng Sình, nghề truyền thống làm diều Huế, nghề truyền thống gốm Phước Tích, nghề truyền thống rèn Hiền Lương, nghề truyền thống rèn Cầu Vực.
Bên cạnh đó, tỉnh có kế hoạch khôi phục để phát triển một số nghề và làng nghề như chế biến nông, lâm, thủy sản (nghề chế biến tương măng Phong Mỹ), nhóm nghề và làng nghề thủ công mỹ nghệ (nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, nghề truyền thống đệm bàng Phò Trạch, nghề truyền thống nón lá, nghề truyền thống may áo dài Huế, các nghề truyền thống sơn mài, khảm trai, khảm xương, các nhóm nghề đan lưới, chổi đót, tăm hương…).
Các địa phương tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống (chủ yếu là nghề dệt zèng) của các đồng bào dân tộc tại 2 huyện miền núi là Nam Đông, A Lưới.
2. Quy hoạch các làng nghề; phát triển làng nghề gắn với du lịch theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố:
+ Làng nghề Đúc đồng Huế (phường Phường Đúc và Thủy Xuân, thành Phố Huế).
+ Làng nghề Gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền).
+ Làng nghề Điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền).
+ Làng nghề Tranh dân gian làng Sình và Hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang).
+ Làng nghề Nón lá Thủy Thanh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy).
+ Làng nghề Nón lá Mỹ Lam (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang).
+ Làng nghề Dệt Zèng tại các xã A Roàng, A Đớt, Thị trấn A Lưới, huyện A Lưới.
+ Làng nghề đan lát mây tre Bao La, xã Quảng Phú và Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.
3. Kế hoạch du nhập nghề, làng nghề mới đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
Những ngành nghề có khả năng du nhập, phát triển trong thời gian đến bao gồm các nghề sau:
- Chạm khắc đá mỹ nghệ, chạm, tam khí.
- Vật liệu xây dựng không nung.
- Tranh gỗ.
- Sản xuất đồ chơi, hàng thủ công mỹ nghệ.
- Bảo quản, sơ chế nông, lâm thủy sản.
- Nuôi trồng sinh vật cảnh.
4. Một số dự án đề xuất thực hiện:
- Xây dựng thí điểm mô hình làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch tập trung, bao gồm các làng nghề sau: Đúc đồng Huế, Gốm Phước Tích, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh làng Sình, Nón lá Thủy Thanh, Dệt Zèng A Lưới, Đan lát mây tre Bao La và Thủy Lập.
- Xây dựng chương trình bảo tồn, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống bao gồm các nghề sau: Nghề làm Bún bánh, Nghề mây tre đan (đan thúng, đan giỏ, đồ mỹ nghệ), Nghề nấu rượu, Nghề chế biến nước mắm, mắm.
- Đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng và mở rộng quy mô cho các cụm công nghiệp - TTCN để thúc đẩy ngành nghề ở các địa phương phát triển:
+ Cụm làng nghề Xước Dũ.
+ Cụm làng nghề Mỹ Xuyên.
+ Cụm TTCN Thủy Phương.
+ Cụm công nghiệp - TTCN Hương Hòa.
+ Cụm công nghiệp - TTCN ACo.
+ Cụm công nghiệp - TTCN Bình Điền.
- Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kết hợp hệ thống xử lý chất thải chung cho các làng nghề truyền thống chế biến thực phẩm: Bún Vân Cù; Bún Ô Sa; Chế biến thủy sản Tân Thành, Phú Thuận, Phụ An.
* Dự án ưu tiên đầu tư:
- Dự án bảo tồn làng nghề gốm Phước Tích.
- Dự án đầu tư phát triển Làng bún Ô Sa và Vân Cù.
- Dự án đầu tư phát triển gắn với du lịch làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên.
- Dự án đầu tư phát triển gắn với du lịch làng hoa giấy Thanh Tiên.
- Dự án bảo tồn làng nghề tranh làng Sình.
- Dự án đầu tư phát triển làng nghề chế biến thủy sản: Phong Hải, Quảng Công, Phú Thuận, Lộc Vĩnh, Vinh Hiền
- Dự án đầu tư phát triển làng nghề đúc đồng truyền thống Huế
- Dự án đầu tư phát triển làng nghề mây tre đan Bao La.
- Dự án đầu tư phát triển làng nghề nón lá Mỹ Lam, Thanh Tân, Thủy Thanh.
- Dự án đầu tư phát triển làng nghề dầu tràm Nước Ngọt
- Dự án đầu tư phát triển các nghề dệt Zèng ở huyện A Lưới và Nam Đông.
* Các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch:
Các nhóm giải pháp được cụ thể tại Quyết định số 111/QĐ-UBND. Theo đó, định hướng và giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trong thời gian tới là kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Tỉnh phát triển nghề truyền thống và làng nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp; phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Tỉnh hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất từ nghề; tập trung khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh về nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhiều lao động… nhằm góp phần tích cực giải quyết việc làm để nâng cao đời sống và thu nhập cho cư dân ở các địa phương.