Cửa Quảng Đức
  

1. Vị trí con đường

Đường Cửa Quảng Đức nằm trên địa bàn phường Phú Hòa và Thuận Hòa, khởi đầu từ đường Lê Duẩn (ngoài Kinh thành - cạnh Công ty Công viên cây xanh thành phố Huế), qua cầu bắc ngang Hộ Thành hào, lòn qua cửa Quảng Đức đến đường Hai Mươi Ba Tháng Tám (phía phải cửa Ngọ Môn), dài 266m. Đường này hiện chỉ cho lưu thông một chiều, từ ngoài vào Thành nội.

2. Lịch sử con đường

Đường có từ năm 1804, mở cùng với thời gian xây dựng Kinh thành Huế. Tháng 5 (âm) 1820, vua Minh Mạng cho đặt tên đường phố ở Kinh thành, sách Đại Nam Thục Lục Chính Biên, chép rằng: "Từ cửa Quảng Đức về Bắc đến mặt Nam Hoàng thành làm đường cái Quảng Đức". Từ sau 1945, đường này không có tên chính thức, dân gian tùy ý mà gọi. Năm 1996, mặc dù chưa có quyết định, song đã được Phòng Đô thị Huế cho cắm biển mang tên đường Cửa Quảng Đức. Dân gian quen gọi là đường Cửa Sập.

3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường

Cửa Quảng Đức Là tên một cửa của Kinh thành Huế, nằm về phía Nam bên phải Kỳ Đài. Sau trận lũ quét năm Quý Tỵ 1953, cửa Quảng Đức bị nước phá sập rồi đóng hẳn lại, nên dân gian thường gọi là Cửa Sập. Sau năm 1975, được dọn dẹp phần hư hỏng, cho thông đường ra vào, đến 1998 mới trùng tu phục hồi như hiện có. Để kỷ niệm tên một cửa thành nằm trước mặt Ngọ Môn, chính quyền địa phương lấy tên cửa này đặt tên cho đoạn đường lòn qua dưới cổng vòm cửa ấy, đường Cửa Quảng Đức (hai chữ Quảng Đức cũng đồng nghĩa với tên của dinh Quảng Đức, tên cũ của phủ Thừa Thiên).

Một góc đường Cửa Quảng Đức

 Bản in]