1. Vị trí con đường
Đường Chi Lăng nằm trên địa bàn của ba phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu, về phía Đông Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Trần Hưng Đạo (tiếp giáp đầu cầu Gia Hội), chạy qua ngã ba các đường Tô Hiến Thành, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, qua chợ Dinh (thượng và hạ), qua đường Nguyễn Gia Thiều, dài 1850m. Đoạn nối dài chạy sâu vào đất làng An Quán xưa ra tận bờ sông Hương phía nhà thờ Bãi Dâu, dài 860m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của khu phố Gia Hội - Chợ Dinh và khu phố Hoa kiều, đường này nhanh chóng trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của khu phố Đông (khu phố phía Đông Kinh thành), năm 1908 được sát nhập vào thành phố. Thời Pháp thuộc là đường Gia Hội (Rue Gia Hoi). Sau 1956 đặt lại tên là đường Chi Lăng cho đến ngày nay. Dân gian vẫn thường gọi là đường chợ Dinh, hoặc là khu phố Tàu.
3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường:
Chi Lăng Là tên gọi của một cái ải lớn bao bọc lấy một đoạn đường độc đạo từ cửa ngõ Lạng Sơn xuôi về Hà Nội và ngược lại, buộc phải vượt qua đây, nay thuộc thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Chương Lân cũ), tỉnh Lạng Sơn. Ải Chi Lăng là một thung lũng hình bầu dục có núi đá cao kẹp chặt hai bên, cách biên giới Việt Trung chừng 60 km về phía Nam, là một trận địa kiểu thiên la địa võng phòng thủ dễ, tấn công khó. Nơi đây, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta từng ghi dấu biết bao trận đánh oanh liệt đập tan các cuộc xâm lăng của phong kiến phương Bắc. Tiêu biểu là hai trận đánh lớn: trận thứ nhất vào năm Bính Thìn (1076), Lý Thường Kiệt đập tan 30 vạn quân Tống; trận thứ hai vào năm Đinh Mùi (1427), Lê Lợi đại phá quân Minh tiêu diệt 10 vạn quân giặc, tướng nhà Minh là Liễu Thăng bị chém đầu ngay tại trận. Lối vào thung lũng phía Bắc cửa ải có tên Quỷ Môn Quan, lối ra ở phía Nam thung lũng có tên là Lũy Ngõ Thề, hàm ý lời thề không cho quân giặc ra khỏi ải này.
|
Đầu đường Chi Lăng
|