Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Nội dung phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030
a) Diện tích, cơ cấu các loại đất:
- Đất nông nghiệp: 45.735,63 ha;
- Đất phi nông nghiệp: 26.215,59 ha;
- Đất chưa sử dụng: 89,82 ha.
(Chi tiết theo Phụ lục 1 kèm theo)
b) Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất:
- Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp: 4.353,35 ha;
- Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp: 720,63 ha;
- Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện các dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn: 34,30 ha;
- Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất phi nông nghiệp: 621,90 ha.
(Chi tiết theo Phụ lục 2 kèm theo)
c) Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng:
- Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất nông nghiệp: 12,30 ha;
- Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất phi nông nghiệp: 533,91 ha
(Chi tiết theo Phụ lục 3 kèm theo)
Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu, hệ thống phụ biểu, bàn đồ trình phê duyệt nêu tại Tờ trình nêu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường.
2. Định hướng tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất huyện Phú Lộc đến năm 2050:
a) Tầm nhìn ngành nông nghiệp đến năm 2050
- Đất trồng lúa: Quy hoạch các vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung quy mô cánh đồng mẫu lớn ở các xã: Lộc Bồn, Lộc Sơn, Lộc An, Lộc Điền, …
- Đất lâm nghiệp: Duy trì các vị trí rừng sản xuất chuyển sang rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ở thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Điền, Lộc Hòa, Xuân Lộc, Vinh Hiền, Lộc Bình, Lộc Vĩnh. Chuyển một số diện tích đất rừng sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả.
- Đất nuôi trồng thủy sản: Phát triển thủy sản theo hướng bền vững và gắn với chuỗi giá trị; hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với các loài có giá trị kinh tế cao.
- Đất nông nghiệp khác: Trang trại tổng hợp tiếp tục phát triển ở các xã: Giang Hải, Lộc Bổn, Lộc An, Lộc Trì, …; xây dựng vùng trồng cây công nghiệp; vùng sản xuất rau sạch công nghệ cao ở các xã: Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Giang Hải, Vinh Hiền, Lộc An, Lộc Điền.
b) Lĩnh vực phi nông nghiệp.
- Đất khu công nghiệp: Kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp Chân Mây - Lăng Cô, khu công nghiệp La Sơn.
- Phát triển Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế tại xã Lộc Bổn và xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc với quy mô khoảng 1.081 ha.
- Đất cụm công nghiệp: Sau khi đầu tư Hạ tầng cụm công nghiệp Vinh Hưng, cụm công nghiệp Cầu Hai, cụm công nghiệp La Sơn, cụm công nghiệp Điền Hòa, cụm công nghiệp Giang Hải cần thu hút các đơn vị sản xuất kinh doanh các nhà máy gia công phụ trợ cho khu công nghiệp Chân Mây - Lăng Cô và khu công nghiệp La Sơn.
- Tận dụng tối đa lợi thế của huyện có nhiều phong cảnh đẹp ưu đãi từ thiên nhiên để đẩy mạnh dịch vụ du lịch trở thành ngành mũi nhọn của huyện Phú Lộc, tầm nhìn định hướng phát triển các vùng như: Khu du lịch sinh thái Bãi Cả, Khu du lịch sinh thái Bãi Chuối, Khu du lịch Suối Voi, Khu du lịch nghĩ dưỡng sân golf Lăng Cô, Khu trung tâm du lịch Lăng Cô, Khu đô thị kết hợp du lịch biển Lăng Cô - đầm Lập An; bên cạnh đó, phát triển các trung tâm thương mại ở các thị trấn và các xã: Vinh Hiền, Vinh Hưng, Giang Hải, Lộc Điền, Lộc An, …
- Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp: Thu hút kêu gọi các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong các xã vào sản xuất tại các điểm sản xuất kinh doanh tập trung, các điểm tiểu thủ công nghiệp của từng xã.
- Đất khoáng sản và vật liệu xây dựng: Phát triển ngành chế biến đá ốp lát, đá xay làm vật liệu xây dựng.
- Phát triển cơ sở hạ tầng các công trình dịch vụ công cộng: Phối hợp với các cơ quan Trung ương, Tỉnh để nâng cấp, mở rộng hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, Quốc lộ 49B (đoạn cầu Tư Hiền - Quốc Lộ 1A), nâng cấp cảng nước sâu Chân Mây thành cảng tổng hợp Container kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế. Từng bước nâng cấp, xây dựng đồng bộ, hiện đại hoá giao thông đô thị, hạ tầng Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương; mở rộng đường vào Vườn Quốc gia Bạch Mã, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã; điểm du lịch sinh thái; hệ thống giao thông.
- Định hướng phát triển: Đến năm 2030 xây dựng đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III và trở thành thành phố trong giai đoạn 2030 - 2045. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thu hút đầu tư hoàn thiện khu bến cảng Chân Mây và các trung tâm động lực đa chức năng về dịch vụ hàng hải, thương mại, dịch vụ, logistic; phát triển đô thị mới phục vụ công nghiệp, hoạt động cảng biển. Xây dựng phát triển Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương, các khu du lịch ven biển trở thành điểm đến quan trọng mang tầm cỡ quốc tế với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giải trí có casino, du lịch biển, đảo, đầm phá, rừng; xây dựng tuyến đường tốc độ cao kết nối từ tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan.
- Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa các xã Vinh Hưng, Vinh Hiền, Lộc Sơn và 3 xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh nằm trong khu đô thị Chân Mây. Nâng cao chất lượng đô thị, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, duy trì đạt chuẩn “văn minh đô thị”; phát huy tối đa tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư đến các lĩnh vực dịch vụ thương mại, du lịch.
c) Đất chưa sử dụng
Tận dụng tối đa nguồn đất chưa sử dụng, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp.
3. Vị trí, diện tích các khu vực đất phải chuyển mục đích sử dụng được xác định theo bản đồ Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (tỷ lệ 1/25.000) và Báo cáo thuyết minh tổng hợp Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Phú Lộc do Uỷ ban nhân dân huyện Phú Lộc xác lập ngày 19 tháng 11 năm 2024.