(Theo Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 12/04/2024 của UBND tỉnh)
I. MỤC TIÊU
- Đảm bảo Kế hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ của tỉnh giai đoạn 2024-2030 theo quy định tại Luật Thú y 2015, Luật Quy hoạch 2017.
- Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định .
II. CHỈ TIÊU
- Đầu tư hoàn thành dự án Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại phường Hương Hồ đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BNNPTNT ngày 20/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y.
- Đóng cửa 03 cơ sở không phù hợp quy định, không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường: Bãi Dâu, Phú Dương, Thủy Biều.
- Củng cố, nâng cấp các điểm giết mổ nhỏ lẻ đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Nghiêm cấm việc giết mổ gia súc, gia cầm không đúng địa điểm tại các địa phương của cấp có thẩm quyền.
III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP
1. Quan điểm chỉ đạo
- Việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện theo đúng Điều 64 Luật Thú y; yêu cầu quyết liệt chỉ đạo xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhằm ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh lây lan qua việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
- Xử lý nghiêm việc giết mổ gia súc, gia cầm không đúng địa điểm của cấp thẩm quyền cho phép.
2. Một số yêu cầu chung về cơ sở giết mổ tập trung
a) Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn
- Phải đảm bảo địa điểm và yêu cầu về cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 1 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17/09/2018 của Chính phủ và QCVN 01-150:2017/BNNPTNT.
- Yêu cầu về địa điểm: Đảm bảo khoảng cách quy định tại điểm 2.1.2, 2.1.3 khoản 2 QCVN 01-150:2017/BNNPTNT.
- Yêu cầu về diện tích, bố trí mặt bằng, thiết kế: Đảm bảo quy định tại điểm 2.2.1, 2.2.2 khoản 2 QCVN 01-150:2017/BNNPTNT.
- Xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo về quy mô, công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến; phải được bố trí hợp lý, gắn kết với vùng nguyên liệu và nơi tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật và các cơ quan có liên quan về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Vị trí các điểm giết mổ gia súc, gia cầm quy mô lớn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
b) Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ
- Phải đảm bảo vệ sinh thú y theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích xây dựng từ 500 m2 trở lên; có các hạng mục như: Chuồng nuôi nhốt, nhà giết mổ, phòng làm việc của cán bộ thú y, bảo vệ, nhà vệ sinh, khu xử lý chất thải, nước thải (hầm xử lý chất thải, bể lắng); công suất giết mổ từ 20-100 con gia súc/ngày đêm, đủ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn và phù hợp với khả năng đầu tư của các tổ chức, cá nhân.
- Cơ sở giết mổ quy mô nhỏ gắn liền với sự phát triển dân số trong khu vực, khách du lịch và thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo thành mối liên kết khép kín giữa chăn nuôi - vận chuyển - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm sau giết mổ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thú y.
c) Ngoài ra, tất cả các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường: có hệ thống thu gom, xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn…) đảm bảo theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
3. Cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư
- Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hoặc cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành của UBND tỉnh và của Chính phủ.
- Thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành về khuyến khích đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn.
- Chính sách về tín dụng: Các ngân hàng thương mại ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Cần có mức vay, thời hạn vay, lãi suất vay phù hợp và cần có chính sách tín dụng ưu tiên, ưu đãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân vay để đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung.
4. Chính sách về đất đai, môi trường
- Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất để xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy định hiện hành.
- Thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường các cơ sở giết mổ tập trung theo quy định.
5. Giải pháp quy định về xử phạt
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các cơ quan liên quan theo thẩm quyền xử phạt vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện xử lý nghiêm đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, chưa qua kiểm soát giết mổ theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y), Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y), xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ. Ngoài ra, còn buộc áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
6. Thời gian và tiến độ thực hiện
a) Tổng số cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh đến năm 2026 dự kiến còn 26 cơ sở:
- Năm 2024: Nâng cấp sửa chữa 04 cơ sở.
- Năm 2025: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục để kêu gọi đầu tư cơ sở giết mổ tập trung tại phường Hương Hồ; và nâng cấp, sửa chữa 12 cơ sở.
- Năm 2026-2027: Hoàn thành cơ sở giết mổ tại Hương Hồ; xóa bỏ 3 cơ sở tại thành phố Huế; nâng cấp, sửa chữa 8 cơ sở;
- Năm 2028-2030: Duy trì và nâng cấp, sửa chữa các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
b) Trong quá trình triển khai thực hiện các UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chủ động lựa chọn thứ tự xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và thời gian thực hiện trong các năm (theo phụ lục đính kèm).
c) Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế có thể điều chỉnh vị trí, địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ, phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh.
IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước thực hiện các dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các cơ chế, chính sách hiện hành của nhà nước và thực hiện hỗ trợ sau đầu tư.
- Nguồn vốn hợp pháp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân có liên quan.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tham mưu quản lý, tổ chức thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh; tiếp thu các đề nghị điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch (nếu có) của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý và thực hiện kiểm soát giết mổ trong giai đoạn sắp xếp các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện theo lộ trình xây dựng cơ sở giết mổ.
- Thành lập các đoàn công tác của tỉnh để tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, đề xuất các đánh giá, biện pháp xử lý thích hợp đối với các địa phương không tổ chức thực hiện xây dựng cơ sở giết mổ theo Kế hoạch và quản lý việc giết mổ tập trung, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật thú y.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
+ Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế các thị xã, thành phố Huế tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giết mổ tập trung thực hiện đúng quy trình giết mổ đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, phối hợp với các địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định hiện hành về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước thực hiện các dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; hướng dẫn, thẩm định trình phê duyệt dự án đầu tư theo quy định.
3. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và nhu cầu kinh phí thường xuyên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm thực hiện kế hoạch, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện Kế hoạch. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất để xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cho các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
- Có trách nhiệm khớp nối với các quy hoạch khác của tỉnh phát sinh sau khi phê duyệt Kế hoạch này. Trong khi chưa xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, không bố trí sử dụng đất quy hoạch vào các mục đích tạm thời khác cũng như không bố trí xây dựng các khu dân cư, các công trình xây dựng cơ bản kiên cố, các chương trình dự án vào không gian để bố trí xây dựng Kế hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (bao gồm diện tích xây dựng và vùng liền kề trong bán kính cách ly theo quy định).
- Hướng dẫn các chủ cơ sở về thủ tục đất đai theo đúng quy định.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường.
5. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành địa phương liên quan tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, thủ tục về xây dựng đúng theo phân cấp.
6. Sở Công Thương
- Dự báo nhu cầu của thị trường, phối hợp với các đơn vị liên quan quảng bá sản phẩm, khai thác và mở rộng thị trường đối với các sản phẩm gia súc, gia cầm qua giết mổ, chế biến tập trung.
- Kêu gọi tổ chức, cá nhân vào đầu tư các cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm động vật.
- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các cơ quan, đơn vị, ngành liên quan kiểm tra hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và các sản phẩm gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Căn cứ các quy định hiện hành và Kế hoạch được ban hành, các tài liệu có liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở toàn tỉnh tăng thời lượng đưa tin, xây dựng các chương trình phát thanh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước về ưu tiên, khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để người tham gia giết mổ đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung; tuyên truyền tác dụng, sự cần thiết cũng như chất lượng an toàn thực phẩm để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn các sản phẩm gia súc, gia cầm qua giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có sự quản lý và kiểm soát của cơ quan nhà nước.
8. Sở Y tế
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; chỉ đạo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, những bệnh truyền lây giữa người và động vật, về ngộ độc thực phẩm, làm thay đổi thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm của người dân theo hướng sử dụng thực phẩm an toàn, được kiểm soát giết mổ.
9. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với cơ quan Thú y, các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong việc chấp hành quy định về điều kiện vệ sinh Thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định.
10. Sở Nội vụ
Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh việc tuyển dụng đối với các vị trí việc làm thuộc lĩnh vực chăn nuôi và thú y để bổ sung nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
11. Các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị xã hội liên quan
Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả, đặc biệt Sở Lao động và Thương binh Xã hội hỗ trợ trong công tác chuyển đổi ngành nghề cho các chủ lò mổ và người lao động làm việc thường xuyên tại các lò mổ khi bị đóng cửa.
12. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Chủ động rà soát các quy hoạch trên địa bàn, căn cứ vào Kế hoạch này và thực tế công tác quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm để xây dựng cụ thể Kế hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ theo quy định tại Luật Thú y 2015, Luật Quy hoạch 2017 trên địa bàn quản lý giai đoạn 2024-2030; nhằm thực hiện Kế hoạch này theo lộ trình các địa phương báo cáo về UBND tỉnh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước ngày 30/4/2024; phân công cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương và báo cáo định kỳ về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý giết mổ của địa phương phải thể hiện được phương án sửa chữa nâng cấp, di dời các cơ sở giết mổ tập trung nhỏ hiện có, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thực hiện.
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm của các chủ cơ sở giết mổ nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và ngăn ngừa dịch bệnh động vật.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Kế hoạch tại địa phương, định kỳ hàng quý, năm báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện Kế hoạch và đề xuất các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
13. Các chủ cơ sở giết mổ
Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, huyện (thị xã, thành phố), các tổ chức, cá nhân lập dự án chi tiết trình UBND cấp huyện phê duyệt và thực hiện. Quản lý tốt cơ sở giết mổ, thường xuyên duy tu, xử lý chất thải, vệ sinh tiêu độc cơ sở, bảo đảm về vệ sinh môi trường.
Phụ lục