Sau gần 150 năm tồn tại, nhà Nguyễn đã để lại trên đất Huế một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Trong đó, không thể không nhắc đến những sản phẩm pháp lam ở di tích Huế - một loại hình trang trí, đồng thời là những tác phẩm nghệ thuật - nay đã thất truyền về kỹ thuật chế tác, không còn dấu tích các lò xưởng và đang được nhiều nhà nghiên cứu, bảo tồn quan tâm phục hồi.
|
Lư trầm - pháp lam nội thất Huế |
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế hiện đang trưng bày 98 hiện vật pháp lam, bao gồm các vật dụng trong cung như: bát, ly, khay, đĩa, bình hoa, chum, hộp, quả bồng, lư hương, bát hương, chậu đựng cành vàng lá ngọc... Ngoài ra, pháp lam còn được dùng để trang trí các đồ áng rồng, máy, bát bửu, hoa điểu, thơ văn chữ Hán... trên các công trình kiến trúc khác ở cố đô Huế. Đa số những hiện vật pháp lam này đều do thợ thủ công Việt Nam, có thể có sự giúp đỡ của các nghệ nhân mời từ Trung Quốc làm ra. Một số ít hiện vật có khả năng ký kiểu hay mua ở Trung Quốc như những đồ sứ cùng thời.
Các tài liệu, thư tịch và hiện vật pháp lam ở bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, cũng như ở trên các công trình kiến trúc thời Nguyễn cho thấy kỹ nghệ chế tác pháp lam được nghệ nhân Việt Nam tiếp thu, sáng tạo, làm nên những sản phẩm tuyệt mỹ, những hiện vật vô giá được trưng bày, quản lý cẩn thận ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình và trên các di tích khác ở Huế. Pháp lam Huế có mặt ở các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đãy là buổi thịnh thời của triều Nguyễn: quốc gia thống nhất, kinh tế ổn định. Triều đình lo việc xây dựng kinh đô, lập đền miếu, trang trí tô điểm cho đời sống đế vương. Để thực hiện công việc lớn lao đó, nhiều người đã được cử đi học nghề và kinh nghiệm ở Trung Quốc, đương thời là một quốc gia nổi tiếng về các nghề thủ công, mỹ nghệ. Do vậy, có thể một số đồ pháp lam đạ được mua về từ nước ngoài, trước khi nảy sinh nghề làm pháp lam ở Huế.
|
Trang trí pháp lam trên mái cung điện xưa trong Hoàng thành Huế |
Hiện vật pháp lam ở Huế thuộc loại hình pháp lam hoạ. Do chỉ được sử dụng trong Hoàng cung Huế, nên thuật ngữ pháp lam Huế đã được dùng để gọi tên cho kỹ nghệ chế tác pháp lam ở Việt Nam vào thời Nguyễn. Trình độ kỹ thuật chế tác pháp lam thời kỳ này chưa đạt độ sắc nét, tinh xảo, màu sắc không đẹp như pháp lam ở các nước khác, nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, pháp lam Huế lại khẳng định dấu ấn sáng tạo của người Việt, của văn hoá Việt Nam, minh chứng cho nền kinh tế - chính trị những năm độc lập, tự chủ thời Nguyễn. Pháp lam được xem là một báu vật xa xỉ, quý hiếm, sang trọng, chỉ được dùng để trang trí ở những nơi cung điện, tôn miếu uy nghiêm như điện Thái Hoà (Đại Nội, Huế), điện Hoà Khiêm (làng Tự Đức), điện Biểu Đức (làng Thiệu Trị)... hoặc làm đồ dùng trong cung đình như bát, tô, đĩa, khay, chậu hoa, bình hoa, hộp trầu, hộp phấn... hoặc làm đồ tế tự như lư trầm, bát hương, quả bồng... Nguyên liệu pháp lam phải mua từ nước ngoài, kỹ thuật chế tác phức tạp, trải qua nhiều công đoạn, nên làm pháp lam rất tốn kém, đòi hỏi phải có một nền kinh tế vững chắc, ổn định.