Địa điển: Khu nghĩa địa Cồn Lệnh, thôn Phổ Lại, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.
Theo sử sách ghi chép, Đặng Văn Hòa (1791 - 1856) hiệu Lễ Trai, là con trai thứ hai của Đặng Quang Tuấn, một thầy đồ dạy học nổi tiếng ở kinh thành Phú Xuân dưới triều Tây Sơn. Năm Gia Long thứ 12 (1813), triều đình mở khoa thi Hương đầu tiên ở Thừa Thiên, Đặng Văn Hòa dự thi và đỗ Hương cống, được bổ làm Tri huyện Hà Đông, rồi Quảng Nam (1819), Lang trung Bộ Binh, Tham hiệp rồi hiệp trấn Thanh Hóa (1822 - 1827), Tả thị lang Bộ Binh kiêm Tham tri Bộ Binh lãnh binh tào Bắc Thành (1828). Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được cử làm Tuần phủ Hà Nội.
Từ năm 1832 - 1852, Đặng Văn Hòa giữ chức Tổng đốc các tỉnh Nam Định - Hưng Yên Hà Nội - Ninh Bình Bình Định - Phú Yên Gia Định - Biên Hòa. Thượng thư các Bộ: Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công ông được cử làm Kinh diên giảng quan (giảng sách cho vua), sung chức Tổng vựng cùng làm Bộ “Đại Nam sự lệ hội điển”, sưu tầm thơ dân gian, làm sách “Nam thổ anh hoa lục”. Năm 1853 đến khi qua đời (1856) ông được cử làm Tổng tài Quốc sử quán, được vua Tự Đức truy tặng danh hiệu Văn Minh điện Đại học sĩ, Thụy Văn Nghị. Phần mộ ông được đưa về quê gốc Hiền Sỹ, huyện Phong Điền.
Đặng Văn Hòa là một “Nguyên lão tứ triều”, làm quan gần 40 năm, trải qua bốn triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Trong triều có 6 Bộ thì ông lần lượt giữ chức Thượng thư đứng đầu 5 Bộ. Đặng Văn Hòa nổi tiếng là một vị quan rất mực thanh liêm. Gần 40 năm làm quan trong kinh ngoài tỉnh, ông đã để lại nhiều công, nghiệp, ích nước, lợi dân trên các lĩnh vực chính trị, nông nghiệp và văn hóa.
Về chính trị: Đặng Văn Hòa luôn tâm niệm đến những việc lợi ích thiết thực cho dân, cho nước. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), làm Tổng đốc Hà - Ninh, ông đã có công trong việc tổ chức binh bị, đắp đường quai và mỏ kè ở Hà Nội, mở rộng sông Hoàng Giang, đắp thành Nam Định, Hưng Yên. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), làm Thượng thư Bộ Công, kiêm quản Hàn Lâm viện, sung chức Cơ Mật viện đại thần, ông là người có công trong việc chế tạo đạn lan can và liên châu, lập xưởng Thủy sư ở Thanh Phước (Hương Phong - Hương Trà) Xây dựng lũy đá Chiên Đàn và pháo đài ở Quảng Nam. Năm 1840, ông giữ chức Thự Tổng đốc rồi thăng Tổng đốc Bình - Phú (Bình Định - Phú Yên). Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông được chuyển ra làm Tổng đốc Định - Yên (Nam Định - Hưng Yên) đến tháng 5 năm 1843, ông được điều về kinh giữ chức Thượng thư Bộ Hình, kiêm Quản ấn triện Đại Lý tự, gia hàm Hiệp biện Đại học sĩ, sung đại thần Cơ Mật viện. Trong xử án, ông nổi tiếng là một vị quan công minh, chính trực, xử theo phép nước.Từ việc xét xử công minh, nên vua Tự Đức gia thưởng hàm Thái tử Thiếu bảo, thự Văn minh điện Đại học sĩ và tặng thưởng Kim khánh khắc bốn chữ “Cựu đức thuần thành”.
Về nông nghiệp: Gặp những năm thiên tai, bão lụt mất mùa, ông đã dâng sớ tâu Vua xin giảm sưu thuế, bỏ thuế cho nhân dân, giải quyết những việc công điền, công thổ có lợi cho dân, khuyến khích tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi, mở rộng nuôi Tằm cánh trắng ở vùng đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh.
Về văn hóa: Với chức vị Hàn Lâm viện, Tổng tài Quốc sử quán, được làm chủ khảo và giám khảo nhiều khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình ở kinh đô Huế và nhiều địa phương khác. Ông rất chú ý trong việc tuyển chọn, đề bạt những sĩ tử có tài năng vào bộ máy quan lại. Ông còn rất quan tâm đến việc chiêu hiền đãi sĩ và phát triển văn hóa giáo dục như đề xuất mở nhiều trường công, xây dựng thêm các trường thi để phát hiện, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Đặng Văn Hòa còn là một nhà thơ, ông để lại tập Lễ Trai thi gồm 75 bài thơ chân bản.
Di tích mộ phần Đặng Văn Hòa được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) cấp tỉnh tại Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 09/7/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh./.