Hồ Tá Bang (1875-1943)
  

Nhân sĩ yêu nước thời cận đại, quê làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đời thân phụ dời vào cư ngụ ở thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Thời niên thiếu, ông theo học khoa cử, thông chữ Quốc ngữ nhưng không thi. Năm Mậu Tuất 1889 làm Ký lục tại Tòa sứ Phan Thiết, sau đổi về làm ở Tòa sứ Hội An.

Năm Ất Tỵ 1905, nhân làm việc tại Tòa sứ Phan Thiết, ông hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh đề xướng. Hồ Tá Bang là một trong bốn nhân vật (cùng với Trần Lệ Chất, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh) chủ chốt của Trường Dục Thanh và Công ty Liên Thành ở Phan Thiết hồi năm 1905. Các tổ chức này nhằm phát triển kinh tế, giáo dục, để hỗ trợ phong trào Duy Tân cứu nước. Khoảng tháng 8/1910, ông cùng Trương Gia Mô đưa Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chủ tịch) vào Sài Gòn tìm đường sang Pháp, rồi ông trở lại điều hành Trường Dục Thanh.

Tư cách và đức độ của ông được nhân dân và sĩ phu kính trọng. Con ông là Bác sĩ Hồ Tá Khanh cũng là một nhân sĩ, chính khách (năm 1945, Bác sĩ Hồ Tá Khanh có chân trong nội các Trần Trọng Kim).

Hồ Tá Bang có sáng tác văn học, thơ văn ông thấm đượm tinh thần yêu nước và cách mạng. Bài Tế thủ tiền lỗ văn (Văn tế bọn bo bo giữ tiền) đăng trên báo Lục tỉnh tân văn, thể hiện rõ quan niệm của ông. Ông mất năm 1943, thọ 69 tuổi, phần mộ tại đồn điền của ông cách thị xã Phan Thiết hơn 10 cây số.

thuathienhue.gov.vn (Dư địa chí - Phần Văn hóa, tập 2)
 Bản in]