Hiệu Lễ Trai, thuộc dòng họ Đặng làng Hà Trung, tổ tiên nhập tịch làng Bác Vọng Đông, huyện Quảng Điền, cư trú ở quê ngoại là làng Thanh Lương (nay thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông đỗ Cử nhân trường Quảng Đức (Huế) khoa Quý Dậu, năm Gia Long thứ 12 (1813). Cuộc đời làm quan của ông khá hanh thông, từ chức Tri huyện Hà Đông, Quảng Nam (1819) mà đi lên dần: Lang trung Bộ Binh, Tham hiệp rồi Hiệp trấn Thanh Hóa (1822-1827), Tham tri Bộ Binh lãnh Binh tào Bắc thành (1828), quyền Tổng trấn Bắc thành, Tuần phủ Hà Nội (1831), Tổng đốc Định Yên (1832-1835), hàm Thái tử Thiếu bảo, đổi Tổng đốc Hà Ninh (1835-1839), Thượng thư Bộ Công, sung Cơ Mật Viện đại thần kiêm quản Hàn Lâm Viện (1839), Tổng đốc Bình Phú (1840-1842), Định Yên (1843), về làm Thượng thư Bộ Hình sung Cơ Mật Viện đại thần (1843-1845), đổi Thượng thư Bộ Lễ (1846), lại ra Tổng đốc Hà Ninh (1846-1847), Định Yên (1847 1848), về triều giữ lại Thượng thư Bộ Hình sung Cơ Mật Viện đại thần (1850-1855), sau đó làm Khâm sai đại thần đi kinh lý Bình Phú (1851), về kiếm thêm Bộ Công, cuối cùng làm Tổng tài Quốc Sử Quán cho đến khi mất tại chức ngày 20 tháng 6 năm Bính Thìn (22/6/1856), truy tặng Văn Minh Điện Đại học sĩ, thụy Văn Nghị, được đưa vào thờ ở đền Hiền Lương năm 1858.
Làm quan to tước lớn, nhưng đời ông luôn luôn nhắm đến ích nước lợi dân. Ông chăm lo về giáo dục, làm giám khảo chủ khảo nhiều khoa thi, mở trường học đầu tiên cho Hà Nội (1831), dựng trường thi (1838). Ông chú ý đến các công trình thủy lợi, nông nghiệp, như khơi sông Hoàng Giang, đào sông Cửu An ở Hưng Yên (1832-1835), đắp để ngăn mặn ở Ninh Bình (1835-1839), tổ chức lại việc quan điền ở Bình Định, Phú Yên để trừ nạn hào lý chiếm ruộng đất tốt (1840-1842). Ông còn tham gia việc giao thông quốc phòng, như khi làm Bộ Công (1839), đã coi việc chế tạo thuyền đồng, đạn lan can và liên châu, lập xưởng thủy sư ở Thanh Phước (huyện Hương Trà), xây pháo đài ở Quảng Nam, trùng tu các di tích... Ông cũng viết và duyệt các bộ sách lớn như Nam thổ anh hoa lục (1839), Thiệu Trị văn quy (1846), Đại Nam hội điển sự lệ (1846, xong và in năm 1868). Ông còn để lại tập thơ Lễ Trai thi tập.