Công chúa triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Trinh Thận, tự Thúc Khanh và Nữ Chi, hiệu Mai Am, là con gái thứ 25 của vua Minh Mạng. Bà cùng với chị là Quy Đức công chúa, tự Trọng Khanh, em là Thuận Lễ công chúa, tự là Quý Khanh, nổi tiếng “Tam Khanh” lỗi lạc văn chương trong giới nữ lưu ở kinh thành. Cả ba chị em đều thụ nghiệp văn thơ với ông anh là Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm, riêng bà xuất sắc hơn cả.
Bà có chồng là Phò mã hiệu úy Thân Trọng Di, tự Như Phủ, chẳng ham khoa hoạn, chỉ vui với vườn tược.
Không những trác tuyệt về thơ văn, bà còn điêu luyện về âm nhạc. Bà đã phỏng theo điệu Nam Bình, đặt ra nhiều bài ca bằng Hán văn và quốc văn.
Tương truyền, bà còn phỏng theo điệu Hồ Quảng làm ra 10 bài ca, mà người Huế gọi là 10 bản Tàu hoặc 10 bản Ngự, được truyền tụng nhiều: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ Quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.
Bà sáng tác thơ Diệu Liên thi tập đã khắc in, được Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản nối bút phê bình và hết lời khen ngợi. Riêng Trương Đăng Quế còn viết một bài tựa cho tập thơ của bà nữa. Đến cả danh sĩ Trung Quốc xem thơ bà cũng cảm mến, có 6 người cũng đề tựa cho tập thơ ấy.