Phan Đình Phùng
  

1. Vị trí con đường

Đường Phan Đình Phùng nằm trên địa bàn phường Vĩnh Ninh và Phú Nhuận, về phía Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Điện Biên Phủ (tiếp giáp đầu cầu Nam Giao), men theo bờ Bắc sông An Cựu qua ngã tư các đường Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ, Lý Thường Kiệt đến đường Hùng Vương (đối diện chợ An Cựu), dài 2100m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc đào sông Lợi Nông. Năm 1903 chỉ một phần đường, đến năm 1908 phần còn lại mới được nhập vào thành phố. Trước năm 1945 là đường Bờ sông De la Suisse (Quai de la Suisse - đường mang tên bờ sông Thụy Sĩ) và đường Bờ sông Phủ Cam trước 1956 là đường Phan Đình Phùng và đường Bờ sông An Định. Sau năm 1960, nhập hai đoạn làm một mang tên đường Phan Đình Phùng cho đến ngày nay.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Phan Đình Phùng (Đinh Mùi 1844 - ất Mùi 1895): anh hùng chống Pháp, hiệu Châu Phong, quê ở làng Đông Thái, nay là xã Đức Phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình Nho học, cha là Phó bảng, từng làm Phủ doãn Thừa Thiên, sau ra Bắc làm Tán lý Quân vụ. Phan Đình Phùng đỗ Cử nhân năm 1876, năm 1877 thi Đình đỗ Đình nguyên Tiến sĩ, được cử giữ chức Ngự sử Đô sát viện làm việc tại Kinh đô. Ông tính cương trực thẳng thắn, thông minh, liêm khiết không xu nịnh bất cứ ai, dù đó là vua. Ông cực lực phản đối Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường chuyên quyền tự phế vua Dục Đức, nên 1883, ông bị bắt giam rồi đuổi thẳng về làng. Nhưng khi Kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi ra Tân Sở xuống chiếu Cần Vương, ông đã sát cánh cùng Tôn Thất Thuyết tập hợp nghĩa binh kháng Pháp. Ông lập căn cứ ở vùng rừng núi Hương Sơn, Hà Tĩnh quyết đánh Pháp tới cùng. Ông là người có học vấn cao, lại hay tin dùng tướng trẻ. Cao Thắng là một viên tướng như vậy được ông giao trọng trách mở xưởng chế tạo vũ khí để đánh giặc, nhờ vậy mà nghĩa quân của ông đánh thắng nhiều trận làm cho quân thù tổn thất khốn đốn. Chúng dùng chiêu bài cử Hoàng Cao Khải gửi thư chiêu dụ, ông từ chối chúng cử Nguyễn Thân và đám tay sai đem quân ra sức đàn áp, bắt thân nhân, quật mồ mả tổ tiên ông, song ông vẫn không sờn lòng mà còn chiến đấu oanh liệt hơn trước. Sau gần 10 năm kháng chiến đánh Pháp, Phan Đình Phùng lâm bệnh, mất tại chiến khu núi Quạt, nhằm ngày 28/12/1895, hưởng dương 51 tuổi (có sách ghi ông sinh năm 1847, mất năm 1895, hưởng dương 48 tuổi). Phan Đình Phùng để lại một số bài thơ: Khóc Cao Thắng, Lâm chung thời tác, Thắng trận hậu cảm tác, Điếu Lê Ninh và Viết sử địa dư vựng cách, lúc sắp mất ông có bài "Thuật hoài" tỏ rõ chí mình, qua bản dịch của Nguyễn Q. Thắng: "Nhung trường vâng mạng đã mười đông, Việc võ lôi thôi vẫn chẳng xong! Dân đói vang trời kêu ổ nhạn, Quân gian dậy đất rộn đàn ong. Chín trùng lận đận miền quan tái, Trăm họ phôi pha đám lửa nồng. Trách vọng càng to càng nặng nhọc, Tướng môn riêng hổ tiếng anh hùng". Được tin ông mất, nhiều văn thân Nghệ Tĩnh và sĩ phu khắp đất nước làm thơ, đối liễn thương tiếc kính viếng ông. Bệnh xá công an Tỉnh, Trung tâm Đào tạo đại học từ xa (cơ sở cũ), chợ Bến Ngự, Lạc Tịnh Viên - ngôi nhà vườn được công nhận di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, Tu viện Dòng Thánh Tâm, Phủ Tùng Thiện Vương, Phòng Quản lý đô thị, Nhà khách Điện lực, Phủ Hân Vinh (Phủ Kiên Thái Vương - thân phụ của ba vua Kiến Phước, Đồng Khánh, Hàm Nghi), Cung An Định, Phủ An Hoá Công (con vua Đồng Khánh) và rất nhiều di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật khác nằm trên đường này.


Đường Phan Đình Phùng

 

 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ

Thư viện ảnh