1. Vị trí con đường
Thuộc Khu quy hoạch Bàu Vá 1, 2 và KQH thôn Thượng 3 – phường Thủy Xuân
Điểm đầu: Nguyễn Văn Đào
Điểm cuối: Đường QH2
2. Tiểu sử lịch sử gắn liền với con đường
Sơn Xuyên tên một đàn tế, là nơi tế thần sông, thần núi, với mục đích là cầu cho “quốc thái, dân an, mùa màng tốt tươi”. Điều đặc biệt, ở nước ta hiện nay duy nhất còn đàn Sơn Xuyên ở Huế. Di tích đàn Sơn Xuyên hiện nay nằm trong khuôn viên trường tiểu học Phường Đúc, số 245 đường Bùi Thị Xuân.
Đàn Sơn Xuyên được xây dựng vào năm 1853, thời vua Tự Đức, vị trí xây dựng nằm ở phía Tây Nam kinh thành Huế thuộc địa phận hai xã Dương Xuân Thượng, Hạ (nay thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế). Đàn nằm lộ thiên, cao 2 tầng, xây bằng gạch vồ, vôi vữa và đá núi. Tầng dưới rộng 45x45m, tầng trên đồng tâm rộng 23x23m, tính chung lại thì đàn Sơn Xuyên có diện tích 8.410m2. Theo ý nghĩa tên gọi của Đàn Sơn Xuyên thì: Sơn là núi, Xuyên là sông. Đàn Sơn Xuyên là chỗ cao được xây dựng dùng vào việc cúng tế thần núi và thần sông. Đàn Sơn Xuyên được triều đình nhà Nguyễn xây dựng để cúng tế thần núi, thần sông trong từng địa phương cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi... việc tế lễ ở đàn Sơn Xuyên được quy định cụ thể: Hằng năm tế vào các tháng trọng xuân và trọng thu (tức là tháng 2 và tháng 8 âm lịch). Lễ vật gồm: một con bò, một con heo, một mâm xôi hạng lớn, 8 mâm quả phẩm (mỗi án 2 mâm), hương đèn, vàng bạc, trầu rượu, trầm trà. Còn về tế phục khi hành lễ tại đây thì các quan tế đều phải mặc quan phục đại triều. Việc làm này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phản ánh phần nào trách nhiệm, sự quan tâm của triều đình đối với đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Việc cúng tế ở đàn Sơn Xuyên được nhà Nguyễn duy trì đến triều Hàm Nghi năm thứ 1 (1885) và Thành Thái thứ 1 (1889), từ đó đến sau năm 1945, không thấy tài liệu nào nhắc đến việc sửa sang cũng như tế lễ ở đàn Sơn Xuyên. Do vào giai đoạn sau này, chủ quyền của đất nước ngày càng rơi vào tay thực dân Pháp nên việc cúng tế các thần sông núi cũng không được quan tâm.
Đàn Sơn Xuyên được xây dựng đã cho thấy sự đa dạng về đời sống tâm linh và khát vọng bình yên của người dân cố đô Huế nói riêng, Việt Nam thời phong kiến nhà Nguyễn nói chung. Nói cách khác, đàn Sơn Xuyên là minh chứng cho lối ứng xử nhân văn và đúng mực của con người đối với thiên nhiên, sông núi và môi trường.