1. Vị trí con đường
Thuộc phường Thủy Xuân
Điểm đầu: Đường Thanh Hải
Điểm cuối: Đường Ngã 3 chùa Bảo Lâm
2. Tiểu sử lịch sử gắn liền với con đường
Thu Bồn (1935-2003), tên thật là Hà Đức Trọng, một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam thế kỷ 20, quê quán xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Ông tham gia Thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi, làm liên lạc cho bộ đội và trực tiếp chiến đấu. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông liên tục có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác liệt như Tây Nguyên, Khu V, Quảng Trị, biên giới Tây Nam, lúc làm phóng viên mặt trận, lúc làm lính xung kích, lính pháo, từng là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ, biên tập viên và cán bộ sáng tác tạp chí Văn nghệ quân đội.
Nhà thơ Thu Bồn đã có một gia tài đồ sộ với gần 25 đầu sách. Nổi bật về thơ và trường ca của ông có những tác phẩm: Bài ca chim chơ rao (1962), Mặt đất không quên (1970), Quê hương mặt trời vàng (1975), Badan khát (1976), Campuchia hy vọng (1978), Người vắt sữa bầu trời (1985), Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (1992), Đánh đu cùng dâu bể (2002)... Về văn có thể kể đến: Chớp trắng (tiểu thuyết - 1970), Những đám mây màu cánh vạc (tiểu thuyết 2 tập - 1975), Em bé trong rừng thốt nốt (tập truyện ngắn - 1979), Đỉnh núi (tiểu thuyết - 1980), Vùng pháo sáng (tiểu thuyết - 1986), Cửa ngõ miền Tây (tiểu thuyết - 1986), Em bé vào hang cọp (tiểu thuyết 2 tập - 1986),...
Do có nhiều thành tích xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến, Huân chương quân công, Huân chương chiến công, Huân chương chiến thắng, Huân chương giải phóng. Về văn học, Thu Bồn đã được trao Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965) với Bài ca chim Chơ-rao, Giải thưởng thơ báo Hà Nội mới với bài thơ Gửi lòng con đến cùng cha. Ông cũng đã được Hội nhà văn Á Phi tặng Giải thưởng văn học Lotus (1973) cho tác phẩm Bài ca chim Chơ-rao.
Ông mất ngày 17.6.2003 tại nhà riêng xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.