Thế Lữ
  

1. Vị trí con đường

Đường Thế Lữ nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Thái Phiên đến đường Thánh Gióng, dài 182m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành sau năm 1960, cùng thời với việc xây khu dân cư mới. Trước năm 1976 là đường Phạm Văn Lạc chạy sát (bên trái) nhà thờ Tây Linh. Trước năm 1995 là kiệt 2 đường Thái Phiên. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Thế Lữ.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Thế Lữ (Đinh Mùi 1907 - Kỷ Tỵ 1989): Là nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch, đạo diễn sân khấu, tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, và các bút danh Lê Ta, Thế Lữ, sinh tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê quán ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật từ những năm ba mươi của thế kỷ XX. Ông viết báo, làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết đăng trên báo Phong Hoá, Ngày Nay, Tiểu thuyết Thứ bảy. Ông là một trong những nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ Mới, nhà giáo dục Dương Quảng Hàm xếp ông trước cả Xuân Diệu. Ông hoạt động trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, ông thường công kích những điều mê tín dị đoan. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông lên chiến khu Việt Bắc hoạt động trong ngành văn học nghệ thuật, chủ yếu ở lĩnh vực sân khấu. Sau về Thủ đô Hà Nội, ông vừa viết văn, làm thơ, soạn kịch, đạo diễn sân khấu. Ông có công lớn trong sự nghiệp văn học nghệ thuật cách mạng, đặc biệt là ngành Sân khấu Việt Nam. Thế Lữ để lại các tác phẩm chính: Mấy vần thơ, Vàng và máu, Bên đường thiên lôi, Lê Phong phóng viên, Mai Hương và Lê Phong, Đòn hẹn, Gói thuốc lá, Gió trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh, Dương Quý Phi và rất nhiều tác phẩm kịch bản khác. Ông mất năm 1989, hưởng thọ 82 tuổi. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Hợp tác xã thêu Thuận Lộc nổi tiếng với những sản phẩm thêu truyền thống của Huế nằm trên đường này.

 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ

Thư viện ảnh