1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Quyền nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Phan Huy Chú đến đường Nguyễn Hữu Huân, dài 118m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Nguyên là vùng ruộng thấp, sau năm 1960 san lấp để xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Trước năm 1976 là đường Lê Đến. Trước năm 1995, thường gọi là kiệt 4 Nguyễn Hữu Huân. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Nguyễn Quyền.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Quyền (Kỷ Tỵ 1869 - Tân Tỵ 1941): chí sĩ cận đại, hiệu là Đông Đường, quê ở làng Thượng Trì (tục gọi làng Đìa), xã Đại Mão, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ Tú tài, được bổ làm Huấn đạo tỉnh Lạng Sơn nên thường được gọi là Huấn Quyền. Năm 1907, ông từ quan, cùng với Lương Văn Can lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, ông trực tiếp làm Giám học. Năm 1908 ông bị Pháp bắt, giam ở Hoả Lò, sau chúng kết án chung thân đày đi Côn Đảo. Năm 1910 ông được trả tự do, nhưng bị "an trí" tại Bến Tre cùng một số đồng chí của ông. Năm 1920 ông đến Rạch Giá, Sa Đéc rồi về Bến Tre sống với gia đình. Trong thời gian này ông luôn bị thực dân Pháp theo dõi. Nguyễn Quyền là một nhà Nho yêu nước, ham học, có đầu óc cầu tiến. Khi bị giam ở Côn Đảo ông đã chế ra một kiểu chữ quốc ngữ dựa theo cách cấu tạo chữ Hán nhưng không phổ biến rộng như chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latin như ngày nay (theo cụ Huỳnh Thúc Kháng). Ông mất tại Bến Tre, hưởng thọ 72 tuổi.