1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Trường Tộ nằm trên địa bàn hai phường Vĩnh Ninh và Phước Vĩnh, về phía Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Lê Lợi, qua ngã tư các đường Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh đến đường Hàm Nghi (đối diện Nhà thờ chánh tòa Phủ Cam), dài 950m. Đường lưu thông hai chiều, (đoạn từ cầu Phú <st1:place w:st="on">Cam lên nhà thờ Phú Cam một chiều).
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành vào cuối thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Trường Quốc học Huế, đến năm 1903 sát nhập vào thành phố. Từ năm 1945 trở về trước là Đại lộ Monseigneur d’Adran (Avenu Monseigneur d’ Adran). Trước năm 1959, đường này được chia làm hai đoạn có hai tên: đoạn từ Nhà thờ Phủ Cam đến đường Ngô Quyền mang tên Nguyễn Trường Tộ, dân gian thường gọi là đường Tiệm Rượu đoạn từ đường Ngô Quyền đến đường Lê Lợi mang tên Phủ Cam. Sau năm 1960, gộp hai đoạn lại làm một lấy tên đường Nguyễn Trường Tộ cho đến nay. Dân gian thường gọi là đường Long Não.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Trường Tộ (Mậu Tý 1828 - Tân Mùi 1871) Nguyễn Trường Tộ, danh sĩ thời Tự Đức, quê ở làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình làm nghề Đông y, theo đạo Thiên Chúa. Lúc nhỏ, ông học chữ Hán, sau đi dạy tại nhà thờ Tân ấp. Vừa đi dạy chữ Hán ông vừa học chữ Pháp và Quốc ngữ với các giáo sĩ. Năm 1858, ông theo Giám mục Gauthier (người Việt ta gọi là Ngô Gia Hậu) sang Pháp rồi qua La Mã, được vào yết kiến Giáo hoàng. Ba năm sau ông về nước. Người Pháp muốn sử dụng ông theo ý đồ của họ, nhưng ông từ chối không chấp nhận quan tước gì cả mà về ở ẩn tại quê nhà. Năm 1863 đến 1871, ông lần lượt gửi lên triều đình Huế 14 bản điều trần, là những điều ông nghe, thấy ở nước ngoài rất tâm huyết, đề nghị triều đình cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục. Nhưng triều đình Tự Đức đã không chấp nhận những ý kiến của ông qua các bản điều trần đề nghị cải cách. Nếu thời ấy, các bản điều trần của ông được chấp nhận áp dụng vào nước ta, thì chắc chắn lịch sử phát triển và xã hội Việt Nam đã bước những bước dài lớn mạnh trong quá khứ. Nguyễn Trường Tộ mất năm 1871, hưởng dương 44 tuổi ta, mộ táng tại làng Bùi Chu quê ông. Nguyễn Trường Tộ được xem là nhà thực học, nhà chính trị, nhà tư tưởng cải cách đất nước của Việt Nam thế kỷ XIX. Công ty Dược Trung ương Huế, Toà Tổng giám mục Huế, Sở Xây dựng, Trường Trung cấp y tế và một số cơ quan cấp Tỉnh đóng ở hai bên đường này.