(Theo Báo cáo số 211/BC-UBND ngày 03/05/2024 của UBND tỉnh)
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 4 NĂM 2024
I. Những kết quả đạt được
1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ
Đến nay, Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 26/01/2024; ngày 06/4/2024, UBND tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Xúc tiến đầu tư năm 2024; đang tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện. Phối hợp với Tổng Cục Thống kê hỗ trợ điều tra bổ sung và thu thập thông tin, rà soát một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đến cấp huyện để hoàn thiện các đề án: Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV; Đề án phân loại đô thi Thừa Thiên Huế (đô thị loại I trưc thuộc Trung ương); Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế; các báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực dự án kiến thành lập quận, phường và Báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đối với các đô thị đã được công nhận loại đô thị trên địa bàn tỉnh
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; Đề án “Phát triển kinh tế xã hội Vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn đến năm 2030”, Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia và Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế.
2. Tình hình phát triển kinh tế
a) Lĩnh vực dịch vụ
Hoạt động du lịch: Trong tháng 4/2024, khách du lịch ước đạt 352 nghìn lượt, tăng 24,6% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 164,8 nghìn lượt, tăng 24%; doanh thu từ du lịch ước đạt 776 tỷ đồng, tăng 0,5%. Lũy kế 04 tháng đầu năm, lượng khách du lịch ước đạt 1.260,7 nghìn lượt, tăng 30,7% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 621,6 nghìn lượt, tăng 45%. Doanh thu từ du lịch ước đạt 2.595,6 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Đưa vào khai thác tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng, hành trình “Kết nối di sản miền Trung”; phát triển du lịch tàu biển; tổ chức các hoạt động khởi động mùa du lịch “Huế - Chào hè 2024”; Thừa Thiên Huế vào top 8 điểm du lịch tiết kiệm nhất Châu Á;....
Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 04/2024 ước đạt 4.584,3 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.319,6 tỷ đồng, tăng 12,6%. Lũy kế 04 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 17.881,6 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 13.075,6 tỷ đồng, chiếm 73%, tăng 12%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 ước tăng 0,3% so với tháng trước, bình quân 04 tháng ước tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu:
Trong 04 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 351,3 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Xơ, sợi, dệt các loại ước đạt 64,9 triệu USD, giảm 6%; hàng may mặc ước đạt 168 triệu USD, giảm 6,8%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 56,2 triệu USD, gấp 3,4 lần,...
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 292,5 triệu USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu: Thủy sản ước đạt 0,89 triệu USD, giảm 73,4%; nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 167,7 triệu USD, tăng 40,5%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 65,9 triệu USD, tăng 50,7%.
Hoạt động ngân hàng: Dự kiến đến cuối tháng 4/2024, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 71.300 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng tại các TCTD đạt 78.300 tỷ đồng, tăng 0,7%. Tính đến 31/3/2024, nợ xấu tại các TCTD trên địa bàn ở mức 1.416 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,8%.
Hoạt động vận tải:
Trong tháng 4/2024, vận tải hành khách ước đạt 3.050,4 nghìn lượt, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ. Hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.861 nghìn tấn, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 436,3 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ.
Lũy kế 04 tháng đầu năm, vận tải hành khách ước đạt 11.900 nghìn lượt, tăng 18,6% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 7.384 nghìn tấn, tăng 15%. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 1.711 tỷ đồng, tăng 16,6%.
b) Lĩnh vực công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 4/2024 ước tăng 4% so với cùng kỳ; lũy kế 04 tháng ước tăng 1,9% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 3,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 26,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,9%.
Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ gồm: Bia 105,3 triệu lít, tăng 4,2% so với cùng kỳ (trong đó: bia lon 70,9 triệu lít, tăng 5,4%; bia chai 34,4 triệu lít, tăng 1,8%); xi măng 499,2 nghìn tấn, tăng 0,9%; sợi các loại 35,9 nghìn tấn, tăng 11,5%; quần áo lót 129,5 triệu sản phẩm, tăng 6,8%; dăm gỗ 242,4 nghìn tấn, tăng 48,1%; điện thương phẩm 625,6 triệu KWh, tăng 4%,...
Các sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất giảm so cùng kỳ: Tôm đông lạnh 1.213,8 tấn, giảm 2,3%; men frit 74,8 nghìn tấn, giảm 6,3%; điện sản xuất 371,7 triệu KWh, giảm 35%;...
c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp
Trồng trọt: Diện tích đã gieo cấy vụ Đông Xuân 2023-2024 là 28.004 ha, đạt 100% kế hoạch, tập trung cơ cấu giống ngắn ngày, giống lúa nhóm chất lượng cao và giống xác nhận[1]. Đến nay, đã thu hoạch được 1.282ha/28.004 ha, đạt 4,6%. Hiện đang tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động theo dõi tình hình thời tiết, tập trung nhân, vật lực thu hoạch vụ mùa, tránh bị ảnh hưởng thời tiết làm giảm năng suất cây trồng.
Diện tích cây trồng khác (đã trồng/kế hoạch): Ngô 975ha/997ha; Lạc 2.287ha/2.286ha; Sắn 3.706ha/3.856ha; Khoai lang: 608ha/608 ha; Đậu các loại: 776ha /776 ha; Rau các loại 2.057ha/2.056 ha; Sen 645ha/ 645ha. Cây ăn quả 3.420 ha (trong đó: Cam 375 ha; bưởi 1.347ha; chuối 763ha; dứa 143 ha); Hồ tiêu 210 ha; Cây cao su 5.637ha.
Chăn nuôi: Tính đến tháng 4/2024, tổng đàn đàn lợn ước đạt 153.006 con, tăng 3,6% so với cùng kỳ, sản lượng xuất chuồng ước đạt 6.317 tấn, tăng 3,2%[2]; đàn trâu 15.179 con, giảm 0,3%, sản lượng xuất chuồng ước đạt 321 tấn, giảm 1,2%; đàn bò 28.443 con, giảm 0,5%, sản lượng xuất chuồng ước đạt 416 tấn, giảm 1,0%[3]; đàn gia cầm 4.598 nghìn con, tăng 1,9%, sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 4.721 tấn, tăng 2,3%.
Thủy sản: Trong tháng 4/2024, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 219 ha, tăng 3 ha so với cùng kỳ. Lũy kế tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 726 ha, tăng 18 ha[4]. Sản xuất giống ước đạt 29,6 triệu con, tăng 0,5 triệu con; lũy kế đến nay đạt 107,7 triệu con, tăng 1,4 triệu con.
Trong tháng 4/2024, Sản lượng thủy sản thu hoạch nuôi trồng và khai thác ước đạt 5.891 tấn, trong đó: nuôi trồng ước đạt 1.117 tấn, tăng 53 tấn; khai thác ước đạt 4.774 tấn, tăng 98 tấn. Lũy kế 04 tháng đầu năm, ản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 15.527 tấn, trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.857 tấn, tăng 148 tấn; sản lượng khai thác ước đạt 12.670 tấn, tăng 182 tấn.
Lâm nghiệp: Diện tích trồng rừng tập trung đến tháng 4/2024 ước đạt 3.980 ha tăng 1,8% so với cùng kỳ, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 202.430 m3, tăng 7,7%; đã gieo ươm được khoảng 5,3 triệu cây giống các loại phục vụ kế hoạch trồng rừng trong năm và Đề án 1 tỷ cây xanh. Công nhận 08 nguồn giống cây trồng lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đạt 12.420,91 ha, trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ QLRBV là 11.924,24 ha. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,16%.
3. Thu chi ngân sách Nhà nước
Trong 04 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.950 tỷ đồng, bằng 33,5% dự toán, bằng 29% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 19% so với cùng kỳ; trong đó: Thu nội địa ước đạt 3.585,5 tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán, bằng 27,8% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 15,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 361 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, bằng 52,3% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 68,2%; thu viện trợ, huy động đóng góp 2,5 tỷ đồng, bằng 21% dự toán, bằng 12,5% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 56,3%. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 3.738 tỷ đồng, bằng 23% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.110,5 tỷ đồng, bằng 19% dự toán.
4. Tình hình đầu tư và xây dựng
Trong 04 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 7.601 tỷ đồng, bằng 22,3% kế hoạch, tăng 4,2% so với cùng kỳ.
- Phân theo cấp quản lý: Vốn do Trung ương quản lý 1.655 tỷ đồng, bằng 22,2% kế hoạch, tăng 2,6%; vốn do địa phương quản lý 5.946 tỷ đồng, bằng 22,3% kế hoạch, tăng 4,7%.
- Phân theo nguồn vốn: Vốn ngân sách nhà nước đạt 1.889 tỷ đồng, bằng 19,4% kế hoạch, tăng 1,1%; vốn tín dụng đạt 2.605 tỷ đồng, bằng 24,7% kế hoạch, tăng 4,3%; vốn đầu tư của doanh nghiệp 982 tỷ đồng, bằng 27,7% kế hoạch, tăng 12,7%; vốn đầu tư của người dân 1.350 tỷ đồng, bằng 23,3% kế hoạch, tăng 11,8%; vốn viện trợ nước ngoài 225 tỷ đồng, bằng 23,1% kế hoạch, tăng 2,3%; vốn đầu tư nước ngoài 550 tỷ đồng, bằng 15,7% kế hoạch, giảm 12,4%.
Trong tháng 4/2024, đã khởi công các dự án: Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An; dự án đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và 5 Cảng Vsico Chân Mây; dự án Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2. Tổ chức Lễ khánh thành dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn và dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên.
* Giải ngân vốn đầu tư công:
Giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao đến thời điểm báo cáo là đến thời điểm báo cáo là 982,383 tỷ đồng / 6.257,879 tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch, xếp thứ 29/63 tỉnh thành theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể: Vốn ngân sách địa phương: giải ngân 555,751 tỷ đồng/4.342,226 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch; Vốn ngân sách trung ương trong nước: giải ngân 310,506 tỷ đồng/1.340,653 tỷ đồng, đạt 23,2% kế hoạch; Vốn ngân sách trung ương nước ngoài (ODA): giải ngân 116,126 tỷ đồng/575 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch.
Tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, dự án Đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2,... Dự kiến khởi công mới các dự án trọng điểm như: Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh; Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; Đường Vành đai 3; Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh,…. Dự kiến thông xe kỹ thuật cầu qua cửa Thuận An (thuộc dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An) và cầu vượt sông Hương (thuộc dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương) vào quý IV/2024; hoàn thành dự án Hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê, các hạng mục kè sông Như Ý, kè tại khu C khu đô thị An Vân Dương và thoát nước, lề đường Phạm Văn Đồng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước, các công trình điện Kiến Trung và điện Thái Hoà trong khu vực Tử Cấm Thành.
5. Về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư
Tính đến 24/4/2024, có 281 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.512,2 tỷ đồng, tăng 6,4% về lượng và tăng 7,1% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 150 doanh nghiệp, tăng 03 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 431 doanh nghiệp, tăng 123 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể 41 doanh nghiệp, giảm 188 doanh nghiệp so với cùng kỳ.
Đã cấp mới cho 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 5.272,5 tỷ đồng (trong đó có 08 dự án FDI với tổng vốn 33,2 triệu USD), trong đó: (i) Địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp 09 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.011 tỷ đồng (trong đó có 05 dự án FDI với tổng vốn 28,5 triệu USD); (ii) Ngoài địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp 10 dự án với vốn đăng ký 1.261,5 tỷ đồng (trong đó có 03 dự án FDI với tổng vốn 4,7 triệu USD). Ngoài ra, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 01 dự án và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư hơn 521 tỷ đồng. Đã tham gia Đoàn công tác tham dự Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức.
6. Văn hóa - xã hội
a) Về văn hóa - thể thao
Tập trung tuyên truyền chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2024. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống mừng Đảng mừng Xuân Giáp Thìn 2024 và các ngày Lễ kỷ niệm trong những tháng đầu năm[5]. Bổ sung, hoàn chỉnh 07 hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2023[6]. Triển khai sâu rộng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tổng lượng khách tham quan di tích đến ngày 21/4/2024 là 914,2 nghìn lượt, tăng 34,4% so với cùng kỳ; tổng doanh thu bán vé tham quan đạt gần 142 tỷ đồng, tăng 32,9%.
Lĩnh vực thể dục thể thao: Tổ chức và phối hợp tổ chức các giải thể thao: Giải đua Xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 36 năm 2024 "Non sông liền một dải - Niềm tin chiến thắng"; Giải Vô địch Cầu lông đồng đội nam nữ hỗn hợp quốc gia; Giải chạy VnExpress Marathon Huế 2024 với hơn 8.000 vận động viên tham dự. Tiếp tục triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, năm 2024. Duy trì và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tổ chức các hoạt động thể thao phong trào để vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao.
b) Về khoa học và công nghệ
Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và các chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ; Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh về nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh và Đề án Cố đô Khởi nghiệp năm 2024.
Triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực KH&CN, kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 lĩnh vực KH&CN; triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” năm 2024. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024 và tập huấn “Sở hữu trí tuệ trong việc phát triển sản phẩm OCOP”. Tiếp tục xây dựng Đề án Khu công nghệ cao.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ đã đi vào nề nếp. Trong kỳ cấp mới 01 giấy phép tiến hành công việc bức xạ (sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế), gia hạn 02 Giấy phép sử dụng thiết bị X- quang chẩn đoán trong y tế.
c) Về giáo dục và đào tạo
Tiếp tục thực hiện công tác học kỳ II năm học 2023-2024 theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục các cấp, bậc học của các phòng chuyên môn. Đến nay, có 420/568 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 73,9%[7].
Đã tổ chức thi và công nhận 1.192 học sinh đạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 THPT cấp tỉnh năm học 2023-2024, gồm: 35 giải Nhất, 188 giải Nhì, 421 giải Ba và 548 giải Khuyến khích. Toàn tỉnh có 74/93 học sinh đạt giải (đạt tỉ lệ 79,6%) Kỳ thi chọn Học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, gồm 03 giải Nhất (01 Sinh học, 01 Vật lí, 01 Tiếng Anh), 20 giải Nhì, 22 giải Ba và 29 giải Khuyến khích. Trong đó, có 07 học sinh được chọn vào đội dự tuyển thi quốc tế (03 Sinh học, 02 Vật lí và 02 Tin học). Tỉ lệ học sinh thi đỗ vào đại học và nhập học năm 2023 tiếp tục đứng tốp dẫn đầu của quốc gia, đạt 67,01%, đứng thứ 5/63 tỉnh/thành cả nước. Tổ chức trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó trong học tập tại tỉnh Thừa Thiên Huế[8].
d) Về y tế - chăm sóc sức khỏe
Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm thực hiện tốt. Công tác khám chữa bệnh: tổng số lượt 446.899, tăng 2,4% so với cùng kỳ; tổng lượt bệnh nhân điều trị nội trú: 17.661, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Tổ chức Lễ khởi công dự án Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, đáp ứng khả năng tiếp nhận thêm 300 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế (5 sao). Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024. Toàn tỉnh ghi nhận 150 ca sốt xuất huyết, 15 ca lâm sàng tay chân miệng, 03 ca Sốt phát ban, các dịch bệnh khác không ghi nhận ca mắc.
e) Về lao động - việc làm và an sinh xã hội
Tháng 4/2024, toàn tỉnh đã giải giải quyết việc làm cho 1.468 người lao động, đưa 215 người đi lao động làm việc nước ngoài. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho 5.916 người lao động, đạt 34,8% kế hoạch, tăng 12,67% so với cùng kỳ; trong đó, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 944 người, đạt 46,05% so với kế hoạch.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 2.600 người (đạt 15,29 % kế hoạch năm), trong đó, chủ yếu là trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác. Số học sinh đã tốt nghiệp 2.060 người (cao đẳng, trung cấp 0 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 2.060 người).
Ban hành, triển khai 06 kế hoạch thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em. Kiểm tra công tác triển khai nhân rộng chuyển hóa tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở địa bàn cấp huyện; kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát đánh giá Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tổ chức tập huấn “Chương trình phòng, chống mua bán người và di cư an toàn”.
7. Công tác cải cách hành chính, công tác đối ngoại và đảm bảo quốc phòng, an ninh
Công tác cải cách hành chính được tập trung đẩy mạnh. Công tác cải cách thủ tục hành chính cơ bản đáp ứng và giải quyết tốt các giao dịch hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Các cơ quan quản lý nhà nước đã thường xuyên rà soát, đơn giản thủ tục hành chính, hệ thống hóa TTHC, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ TTHC. Ban hành Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2023. Báo cáo Bộ Nội vụ hoàn thiện Phương án và kết quả thực hiện nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về dự thảo Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở ĐGHC tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập trung củng cố, kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý các Sở, ngành, địa phương.
Năm 2023, Thừa Thiên Huế dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 5 bậc so với năm 2022; đây là kết quả thể hiện được sự hài lòng của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) xếp thứ 17, tăng 02 bậc so với năm 2022. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế xếp thứ 2/14 tỉnh Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, thứ 14/63 tỉnh/thành cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; nền tảng làm việc số tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024.
Công tác đối ngoại: Đã đón tiếp, làm việc với 229 đoàn/1.683 lượt người (giảm 27 đoàn/315 lượt người so với cùng kỳ). Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường, mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động,…với các địa phương nước ngoài; triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hoá và ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã đi thăm, chúc Tết Bunpimay lực lượng vũ trang và nhân dân Lào. Công tác đối ngoại tiếp tục phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Quốc phòng, an ninh: Ban hành Kế hoạch và Quyết định thành lập Ban Tổ chức, cơ quan Ban Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu khu vực trên địa bàn tỉnh; diễn tập PCLB-TKCN huyện Phú Vang, diễn tập KVPT thị xã Hương Thủy. Tập huấn công tác Phòng không nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Tham mưu Ban Chỉ đạo 515 tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTg ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp làm tốt công tác chuẩn bị và phục vụ Đoàn Công tác của Cục cứu hộ - cứu nạn, Quân khu 4 khảo sát địa điểm chuẩn bị cho hoạt động Hợp tác quản lý thiên tai (DMEA24) và thống nhất các khu vực diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Tình hình an ninh biên giới trên bộ, trên biển ổn định.
Về trật tự, an toàn xã hội: Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra, nắm được 44 vụ, làm 09 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 5,8 tỉ đồng; so với tháng trước giảm 03 vụ (6,38%); so với cùng kỳ năm 2023 giảm 17 vụ (27,87%). Trong đó, tội phạm xâm phạm sở hữu tiếp tục chiếm tỉ lệ cao, xảy ra 36 vụ - chiếm 81,82%, chủ yếu là trộm cắp tài sản (25/36 vụ - chiếm 69,44%), nổi lên là xảy ra 02 vụ cướp tài sản, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại lớn về tài sản. Ngoài ra, phát hiện, xử lý 03 vụ phạm tội liên quan đến đánh bạc. Tội phạm về kinh tế phát hiện 02 vụ/01 đối tượng; so với tháng trước ít hơn 04 vụ (66,67%); so với cùng kỳ năm 2023 ít hơn 01 vụ (33,33%). Tội phạm về ma túy phát hiện 12 vụ/19 đối tượng, thu giữ hơn 53,6g và 66.362 viên ma túy tổng hợp; so với tháng trước nhiều hơn 04 vụ (50%); so với cùng kỳ năm 2023 ít hơn 06 vụ (33,33%). Tội phạm về môi trường phát hiện 01 vụ/01 đối tượng; tháng trước và cùng kỳ năm 2023 không phát hiện. Tội phạm công nghệ thông tin, mạng viễn thông phát hiện 01 vụ/01 đối tượng; tháng trước và cùng kỳ năm 2023 không phát hiện. Cháy xảy ra 01 vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng 2,3ha rừng; so với tháng trước giảm 03 vụ (75%); so với cùng kỳ năm 2023 giảm 07 vụ (87,5%).
An toàn giao thông: Từ đầu năm đến 14/4/2024, toàn tỉnh xảy ra 117 vụ tai nạn giao thông, tăng 68 vụ so với cùng kỳ; làm 55 người chết, tăng 27 người; 88 người bị thương; tăng 57 người.
Trong tháng 04/2024 (Thống kê từ 15/03/2024 - 14/04/2024), toàn tỉnh xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, tăng 07 vụ so với tháng trước; làm 17 người chết, tăng 05 người; 18 người bị thương, giảm 05 người. Tuần tra kiểm soát, phát hiện 5.569 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, quyết định xử phạt 4.169 trường hợp, phạt tiền hơn 7,7 tỷ đồng, tước 876 giấy phép lái xe, tạm giữ 1.572 phương tiện.
B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 5 VÀ QÚY II/2024
1. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó,
(i) Hoàn thành các kế hoạch triển khai thực hiện các Quy hoạch: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
(ii) Đôn đốc hoàn thành các Đề án, quy hoạch quan trọng: Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính; Đề án công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV; Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia và Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế.
(iii) Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định số 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022 về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế; thực hiện tốt thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.
2. Về phát triển kinh tế
a) Lĩnh vực công nghiệp
- Theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
- Tập trung đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp, trọng tâm là Nhà máy Kanglongda Huế, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế,...các dự án phát triển hạ tầng công nghiệp như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Gilimex; KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền-Viglacera; KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn-Chân Mây. Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: Điền Lộc, Điền Lộc 2, Bình Thành, Phú Diên,…
- Xúc tiến các Tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp tạo năng lực mới. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đảm bảo tính sẵn sàng trong công tác xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư và đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI từ các nước sang Việt Nam.
b) Lĩnh vực du lịch, dịch vụ
- Tổ chức tốt các hoạt động Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng” thuộc Chương trình Festival Huế 2024 nhằm tạo điểm nhấn, kích cầu du lịch. Chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị đối thoại, xúc tiến du lịch năm 2024. Tiếp tục đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh kích cầu dịch vụ du lịch dành cho khách nội địa và quốc tế; tăng cường giới thiệu các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số trong ngành du lịch. Khai thác hiệu quả tuyến tàu Huế - Đà Nẵng phục vụ du lịch.
- Tập trung phối hợp hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án du lịch như: Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp và Bến thuyền nội bộ thuộc phường Thuỷ Biều, thành phố Huế; Khu văn hoá đa năng ngoài công lập - Công Viên Độn Sầm; Khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển thể chất kết hợp vui chơi, thể thao Lộc Bình, tại xã Vinh Hiền và xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc; Khách sạn Đông Dương;...
- Triển khai kế hoạch tổ chức Hội chợ Thương mại Festival Huế và kế hoạch phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2024. Tập trung chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế,...
c) Lĩnh vực nông nghiệp
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sản xuất vụ Hè Thu. Triển khai quyết liệt các biện pháp để quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng, khô hạn; chủ động trong công tác phòng chống hạn hán, ngập mặn; đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
- Tập trung cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, VietGAP. Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP. Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại, chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tập trung công tác tiêm phòng; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch.
- Tổ chức hướng dẫn phổ biến các chính sách thủy sản cho ngư dân khai thác biển xa; thực hiện tốt công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, triển khai hiệu quả các biện pháp chống tàu giã cào hoạt động trái phép trên vùng biển. Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC.
3. Về giải ngân vốn đầu tư công và quản lý tài chính ngân sách:
a) Về giải ngân vốn đầu tư công:
- Tập trung theo dõi, đôn đốc các cơ quan, ban, ngành, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai, cam kết tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2024. Rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng.
- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng, trọng điểm, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án chống sạt lở bờ biển, kè sông từ nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023.
- Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm: Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương; Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, Đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc; Tuyến đường kết nối từ khu B - An Vân Dương về trung tâm thị trấn Phú Đa,...Các dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế; dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2); các công trình tu bổ Hải Vân Quan và điện Thái Hoà thuộc khu vực Hoàng Thành Huế, các dự án chỉnh trang đô thị, dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp;....
- Hoàn thành các thủ tục khởi công các dự án trọng điểm: Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh; Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; Đường Vành đai 3; Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh,…Phối hợp Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành hồ sơ thủ tục sớm khởi công Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn.
b) Về quản lý tài chính - ngân sách
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ
giải pháp của UBND tỉnh tại Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 28/3/2024 về
việc giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2024 và một số giải
pháp tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 597/QĐ-UBND ngày 11/3/2024 về phê duyệt kế hoạch và một số giải pháp thực hiện thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2024.
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình hàng tháng, quý về nhiệm vụ thu ngân sách
nhà nước trên địa bàn; phấn đấu đến hết Quý II/2024, thu ngân sách nhà nước
đạt từ 8.840 tỷ đồng/13.600 tỷ đồng (tương ứng 65% chỉ tiêu phấn đấu), đến hết
Quý III/2024 thu ngân sách nhà nước đạt từ 11.560 tỷ đồng/13.600 tỷ đồng
(tương ứng 85% chỉ tiêu phấn đấu) và đến hết tháng 11/2024 cơ bản hoàn thành
chỉ tiêu phấn đấu (trong đó phải đảm bảo hoàn thành tổng thu và từng khoản thu
cấu thành: Thuế, phí, lệ phí; thu từ nhà, đất; thu xổ số kiến thiết; thu hải quan;
thu ngân sách khác).
- Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về tài sản công, nhất là đất đai, trụ sở,...; rà soát, thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước,… trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung tháo gỡ, hướng dẫn thủ tục cho các dự án đầu tư đang trong quá trình hoàn tất thủ tục kêu gọi đầu tư, nhằm đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất, ưu tiên các dự án trọng điểm trong danh mục dự án thu tiền sử dụng đất năm 2024. Xây dựng phương án về giá để tổ chức đấu giá tài sản công, quỹ đất của các trụ sở cơ quan nhà nước sau khi di dời để kêu gọi dự án đầu tư, tăng thu ngân sách.
- Tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất. Tiếp tục triển khai có hiệu quả thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước tại Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021.
4. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động số 49/KH-UBND ngày 30/01/2024 triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư; tạo môi trường thân thiện, thuận lợi đối với doanh nghiệp, tổ chức, công dân khi đến giao tiếp thực hiện các thủ tục về phát triển doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
- Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, DTI. Chủ động có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
- Tập trung đổi mới, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng,…để đảm bảo tính chủ động, sẵn sàng trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư.
5. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện 04 Nghị quyết chuyên đề quan trọng của Tỉnh uỷ về: Văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và giáo dục & đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN và các chương trình, kế hoạch, đề án/dự án, nhiệm vụ trọng tâm của ngành; triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục hoàn hiện Đề án Khu Công nghệ cao.
- Đẩy mạnh công tác quảng bá di sản văn hóa Huế, Festival Huế gắn với Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sâu rộng Bản Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế gắn với bài phát biểu quan trọng, sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ với đặc trưng “Bản sắc, thông minh, thích cứng, xanh - sạch - đẹp, an toàn, bền vững”. Tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, trưng bày, triển lãm, thư viện, chiếu phim, thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị văn hóa của tỉnh và cả nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
- Tổ chức các kỳ thi đảm bảo an toàn, chất lượng, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và tuyển sinh các lớp đầu cấp…Duy trì và phát huy sân chơi, hoạt động thể thao truyền thống nhằm phát triển toàn diện học sinh. Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho các cấp học; ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; xây dựng Đại học Huế theo lộ trình thành Đại học Quốc gia. Tiếp tục bồi dưỡng học sinh chuẩn bị đội tuyển, dự thi quốc tế.
- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống y tế dự phòng...Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án về y tế thuộc Chương trình phục hồi, phát triển KTXH của Chính phủ.
- Tiếp tục triển khai các hoạt động đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hoàn thành các thủ tục liên quan đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận huyện A Lưới thoát khỏi tình trạng huyện nghèo năm 2024. Triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
6. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu
Triển khai tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024. Tổ chức diễn tập chiến đấu khu vực phòng thủ năm 2024. Triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, văn hoá lớn trong Quý II, trọng tâm là đảm bảo an ninh, trật tự Festival Huế 2024, các hoạt động kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Quốc tế Lao động 01/5.
Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là các loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích,…Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, lạng lách, đánh võng,...Chủ động công tác phòng ngừa cháy, nổ, nhất là tại các lễ hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư. Tiếp tục triển khai Đề án 06 về ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tăng cường công tác quản lý và chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với duy trì thực hiện tốt Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, đẩy mạnh phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần”,...; thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; phân loại rác thải tại chỗ,…
7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; triển khai hiệu quả các kế hoạch duy trì và nâng cao các chỉ số hành chính về PAR-Index; PAPI-Index, PCI, ICT. Tiếp tục đổi mới sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ và Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Tập trung triển khai các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính. Triển khai Đề án chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vụ việc, kết luận của thanh tra. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 355/KL-TTCP, Kết luận thanh tra số 956/KL-TTCP, Kết luận thanh tra số 1782/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để giải quyết vướng mắc liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư của 03 dự án có sử dụng đất. Thực hiện tốt quy định về tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng thời gian, quy định, không để tồn đọng kéo dài và khiếu kiện vượt cấp. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
[1] Cơ cấu giống: giống dài và trung ngày (4B, X21, Xi23) chiếm 5%; giống ngắn ngày và cực ngắn chiếm 95%. Các giống lúa thuộc nhóm chất lượng cao như HT1, HN6, J02, HT6, HG12 có diện tích gieo cấy khoảng 14.000 ha. Tỷ lệ giống xác nhận khoảng 94%.
[2] Dịch bệnh trên gia súc được kiểm soát tốt đồng thời thịt lợn hơi được giá nên chăn nuôi lợn vẫn đem lại hiệu quả, tỷ lệ người dân tái đàn được nâng cao, trong đó chăn nuôi lợn thịt vẫn chiếm tỷ trọng lớn, giữ vai trò ngành sản phẩm chính trong chăn nuôi lợn
[3] Nguyên nhân : Đàn Trâu, Bò ngày càng giảm do thiếu người chăn dắt, diện tích đất bị thu hẹp.
[4] Trong đó: diện tích nuôi nước lợ 476 ha, tăng 15 ha (nuôi cá 113 ha, tôm 252 ha, nuôi các loại thủy sản khác 106 ha, tăng 1 ha, ươm, nuôi giống thủy sản 5 ha); diện tích nước ngọt 250ha, giảm 2ha.
[5] Tổ chức Lễ dâng hoa kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024); các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024); 71 năm Ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024); Chào mừng 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 1/5, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ …. Tổ chức thành công Lễ hội Điện Huệ Nam tháng 3 (Âm lịch) từ ngày 10 - 11 tháng 4 năm 2024; Thông tin, tuyên truyền chuẩn bị cho Festival Huế 2024 diễn ra từ ngày 7 - 12/6 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
[6] Gồm: đình Hà Thanh, đình Giáp Nhất, đình Thạch Bình, đình Trung Kiền, đình Thế Chí Đông, Địa điểm Hóc Mụ Bồi và Địa điểm mít tinh Mỹ Lợi và 01 hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Quốc gia đối với Địa điểm Trạm Phẫu thuật Tiền phương
[7] Mầm non 131/207 trường, đạt 63,3%; Tiểu học 170/192 trường, đạt 88,5%; THCS 99/130 trường, đạt 76,2%; THPT 20/39 trường, đạt 51,3%
[8] Năm học 2023-2024 Quỹ Giáo dục Huế Hiếu Học đã cấp học bổng cho: 38 em Sinh viên Đại học nhận học bổng toàn khóa 5.000.000/Em trị giá 380 triệu. 99 em Sinh viên Đại học nhận học bổng 4 triệu / lần, trị giá 396 triệu. 60 em Sinh viên Phong Điền nhận học bổng 5.000.000 /em, trị giá 300.000.000. 30 em sinh Sinh viên Cao đẳng nhận học bổng 2 triệu, trị giá 60 triệu. Các em học sinh các trường Tiểu học, THCS, THPT nhận tổng công 87 triệu đồng.