KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016
(Trích Báo cáo số 242 /BC-UBND ngày 07/12/2015 của UBND tỉnh)
I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
1. Mục tiêu phát triển
Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn các năm trước gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
2. Một số chỉ tiêu chủ yếu
a) Chỉ tiêu kinh tế:
1. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng: 9%, trong đó:
- Các ngành dịch vụ tăng 10,3%
- Công nghiệp - xây dựng tăng 9,2%
- Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3%
Cơ cấu các ngành kinh tế dự kiến: Dịch vụ 55,3%; công nghiệp - xây dựng 34%; nông, lâm, thủy sản: 10,7%
Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GRDP): trên 2.100 USD
2. Giá trị xuất khẩu hàng hoá 750 triệu USD
3. Tổng đầu tư toàn xã hội 18.700 tỷ đồng, tăng 15%
4. Thu ngân sách nhà nước 5.629 tỷ đồng
b) Chỉ tiêu xã hội:
5. Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,2‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,1%
6. Tỷ lệ hộ nghèo giảm ở mức 1,7 – 2,0% (theo chuẩn thời kỳ 2016 - 2020)
7. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 12%
8. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề: 58%
9. Tạo việc làm mới: 16.000 người
c) Chỉ tiêu môi trường:
10. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch: 76%
11. Tỷ lệ che phủ rừng: 57,0%
12. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 96%
3. Các chương trình và dự án trọng điểm
a) Các chương trình trọng điểm:
Tập trung thực hiện 4 chương trình trọng điểm:
1. Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ.
2. Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp.
3. Chương trình xây dựng nông thôn mới.
4. Chương trình phát triển nguồn nhân lực.
b) Các dự án trọng điểm:
- Dự án giao thông quan trọng: đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, Quốc lộ 49B, nâng cấp, mở rộng đường Lâm Hoằng, đường Tố Hữu, đường du lịch cụm điểm di tích Lăng Minh Mạng - Lăng Gia Long, Quốc lộ 1A đoạn cửa ngõ phía Bắc, cửa ngõ phía Nam thành phố Huế.
- Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách: Tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương và khách sạn 5 sao Vinpearl Huế, Trung tâm thương mại của Tập đoàn Nguyễn Kim, nhà máy sản xuất lon nhôm 2 mảnh và nắp lon, Khu công nghiệp Phong Điền, Cảng biển số 3 - Chân Mây Lăng Cô, các dự án phát triển khu đô thị...
- Hoàn thành các dự án: nâng cấp đường tỉnh 10A (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương – Thuận An), đường và cầu Hữu Trạch, đường La Sơn – Nam Đông, đường Nguyễn Chí Thanh (Huế - Quảng Điền).
- Khởi công các dự án đường mặt cắt 36m nối đường Nguyễn Lộ Trạch đến đường ra sông Phát Lát nối dài; kè chống sạt lở xã Quảng Công và Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền; khu tái định cư Lộc Vĩnh – giai đoạn 2, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu công nghiệp và khu phi thuế quan (Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô); đường Phú Mỹ- Thuận An; Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế, Bệnh viện phục hồi chức năng.
4. Các nhiệm vụ trọng tâm
- Tập trung nguồn lực xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng đô thị. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan; hỗ trợ khởi công dự án mở rộng hầm Hải Vân. Thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án du lịch trọng điểm, hạ tầng khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài, KCN Phong Điền, các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng kỹ thuật tạo vốn từ quỹ đất, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
- Tập trung cải cách hành chính; duy trì vị trí xếp hạng PCI và ICT ở tốp đầu của cả nước; phấn đấu nâng hạng chỉ số PAR vào tốp mười; cải thiện vị trí xếp hạng của chỉ số PAPI.
- Giữ vững đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên phạm vi toàn tỉnh; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Đầu tư phát triển hệ thống dạy nghề theo nhu cầu thị trường lao động; trước mắt, tập trung đào tạo chuyển đổi nghề ở khu vực nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch và các khu công nghiệp. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình MTQG.
- Tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị theo hướng mô hình đô thị đặc thù – “Thành phố di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”. Tiếp tục xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, phát động phong trào xây dựng thành phố sạch đẹp.
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phát triển kinh tế
Tiếp tục thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương như: tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; ba đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ...
Đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo hướng liên kết hoặc thuê chuyên gia nước ngoài và xúc tiến đầu tư với các tập đoàn lớn, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế. Tập trung thu hút vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế; hướng vào các đối tác có tiềm lực, kinh nghiệm và uy tín, nhất là các doanh nghiệp có thương hiệu đã được khẳng định trong nước và quốc tế. Tổ chức lại bộ máy xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả. Rà soát lại các chính sách ưu đãi để bổ sung, sửa đổi, nhất là chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư chiến lược như Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG…
Tập trung hỗ trợ đối với các dự án lớn đang được các nhà đầu tư nghiên cứu để có thể đưa vào đầu tư và khai thác . Phấn đấu có ít nhất 1 - 2 doanh nghiệp lớn đầu tư trong năm 2016. Hỗ trợ tối đa nhằm đảm bảo tiến độ các dự án đã khởi công xây dựng .
a) Phát triển các ngành dịch vụ
Mục tiêu: Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, các loại hình dịch vụ.
Chỉ tiêu: Lượt khách lưu trú đạt 2.400 nghìn lượt, khách du lịch đường biển đạt trên 100 nghìn khách, tăng 30%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17%; dịch vụ bưu chính viễn thông tăng 18%; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 750 triệu USD, tăng 13%; tăng trưởng tín dụng khoảng 14 - 16%.
Nhiệm vụ: Triển khai Chương trình trọng điểm phát triển du lịch và chương trình kích cầu du lịch năm 2016. Duy trì liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; chú trọng liên kết 03 địa phương Huế - Quảng Nam – Đà Nẵng. Tổ chức tốt các sự kiện du lịch tại Festival Huế 2016. Làm mới các sản phẩm du lịch đặc thù, nhất là một số điểm tại Quần thể di tích Cố đô Huế; khai thác và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích. Xây dựng các bến, bãi và công trình ngoại vi phục vụ các tua tham quan du lịch đường sông, đầm phá, các làng nghề truyền thống; trong đó, ưu tiên xây mới bến tàu, thuyền Ngư Mỹ Thạnh, bến Đầm Chuồn, bến Hà Úc. Duy trì và nâng cao tần suất, chất lượng các tuyến bay Bangkok - Huế, Huế - Đà Lạt; phấn đấu mở thêm tuyến bay Huế - Nha Trang và một số tuyến bay khác. Hoàn thành đề án thành lập Sở Du lịch trong quý I/2016 báo cáo Trung ương. Nghiên cứu xây dựng Cảng du lịch Quốc gia Chân Mây; tổ chức các dịch vụ tại cảng Chân Mây – Lăng Cô phục vụ đón khách du lịch tàu biển.
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý và phục vụ của đội ngũ những người làm công tác du lịch. Duy trì công tác chấn chỉnh môi trường du lịch.
Phát triển thương mại: Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thị trường sản phẩm thương hiệu Huế. Triển khai đề án Xúc tiến thương mại tỉnh giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm chủ lực nâng cao chất lượng cạnh tranh như bia, xi măng, dệt may, rượu Sakê.... Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại. Thực hiện các biện pháp kiểm soát, bình ổn thị trường.
Hoạt động xuất khẩu: Khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu; nâng cao tỷ trọng hàng xuất qua chế biến. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu.
Hoạt động ngân hàng: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tập trung vốn ưu tiên cho vay đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên theo quy định. Triển khai quyết liệt, có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và một số chính sách tín dụng khác theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam.Triển khai đúng lộ trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được phê duyệt . Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các chi nhánh tổ chức tín dụng, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm và rủi ro gây mất ổn định trong hoạt động ngân hàng.
b) Phát triển công nghiệp
Mục tiêu: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp; phát triển ngành nghề TTCN. Đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật gắn với thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp.
Chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,5%. Thu hút vốn đầu tư vào các KCN đạt 3-3,3 nghìn tỷ đồng.
Nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện các quy hoạch phát triển ngành, đề án phát triển công nghiệp dệt may. Tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư cũng như các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổ chức lại bộ máy quản lý theo hướng sáp nhập Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để phù hợp với điều kiện phát triển mới.
Đối với các khu công nghiệp: Đôn đốc và hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN; các dự án sản xuất sợi, vỏ lon bia tại KCN Phú Bài, nhà máy may tại KCN Phú Đa.
Xúc tiến, vận động đầu tư vào các KCN, cụm CN – làng nghề; ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN Phú Bài, Phong Điền; khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt may để chuẩn bị cho triển khai Hiệp định TPP, các nhà máy chế biến sâu cát trắng, các nhà máy dệt may về các vùng nông thôn, hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Phong Điền…
Tiếp tục thực hiện Chương trình khôi phục, phát triển nghề, làng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Phát triển sản xuất TTCN tập trung tại các cụm, điểm công nghiệp để khai thác điều kiện thuận lợi về hạ tầng sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường.
c) Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp
Mục tiêu: Phát huy lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.
Chỉ tiêu: Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 325 nghìn tấn, tăng 3,5%; năng suất lúa bình quân đạt 58 tạ/ha; ổn định đàn trâu 22,1 nghìn con, bò 24 nghìn con; đàn lợn 245.000 con, tăng 2,1%; đàn gia cầm đạt 2,4 triệu con, tăng 3,4%; sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên 18 ngàn tấn, tăng 1,3%; tỷ lệ che phủ rừng 57,5%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 96%.
Nhiệm vụ:
Trồng trọt: Duy trì diện tích gieo trồng cả năm trên 90.000 ha, trong đó diện tích cây lương thực có hạt đạt 55.700 ha, diện tích lúa cả năm khoảng 54.000 ha; mở rộng diện tích trồng lạc, cao su, cây ăn quả, chú trọng cây đặc sản thanh trà. Nâng tỷ lệ lúa xác nhận đạt trên 92%, tỷ lệ lạc cao sản trên 75%.
Rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng. Liên kết trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, tăng quy mô hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Hình thành cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu rừng trồng. Nhân rộng các chuỗi giá trị sản xuất lúa chất lượng cao; xây dựng 1 - 2 thương hiệu gạo chất lượng cao. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất, bảo quản, chế biến...
Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tăng tỷ lệ đàn bò lai và tỷ lệ lợn nạc trong tổng đàn; mở rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học gắn với xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Nhân rộng mô hình chăn nuôi heo hình thức gia trại, trang trại; nâng cao năng lực sản xuất con giống. Củng cố và kiện toàn hệ thống thú y; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm.
Lâm nghiệp: Chuyển giao diện tích rừng và đất rừng cho các địa phương; tập trung hoàn thành giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sản xuất. Phát triển lâm nghiệp đa chức năng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ sản xuất dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn, cung cấp cho công nghiệp chế biến đồ gỗ. Đẩy nhanh tiến độ khai thác rừng trồng các dự án 661, 327. Tập trung trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng chắn sóng ven biển, đầm phá; trồng rừng ngập mặn… Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng.
Thủy sản: Rà soát quy hoạch nuôi trồng thủy sản tỉnh. Triển khai thực hiện tốt Nghị định 67/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ. Hoàn thành đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai, xúc tiến đầu tư xây dựng Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng Cảng cá Thuận An. Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ với Công ty CP Việt Nam. Nghiên cứu nuôi cá nước ngọt tại các lòng hồ thủy lợi, thủy điện. Nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, kiểm soát chất lượng tôm giống. Tiếp tục khảo sát xây dựng các khu bảo vệ thủy sản ở đầm phá; giao quyền quản lý, sử dụng mặt nước và khai thác thủy sản cho cộng đồng ngư dân.
Xây dựng nông thôn mới: Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Lưu ý rà soát, bổ sung các quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, hoàn thành quy hoạch nông thôn mới 12 xã bổ sung. Hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường liên kết 4 nhà. Phấn đấu năm 2016 có thêm 7 - 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 27-30 xã/104 xã.
2. Quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển
Mục tiêu: Thực hiện tốt công tác quy hoạch. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kinh tế ở các lĩnh vực giao thông, du lịch, làng nghề... Xây dựng hạ tầng văn hóa; tập trung thiết chế văn hóa tại thành phố Huế. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đầu tư hạ tầng nông thôn từng bước đạt chuẩn.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội phấn đấu đạt 18.700 tỷ đồng, tăng 15%; trong đó: vốn Trung ương quản lý 5.687 tỷ đồng, tăng 16,4%, vốn địa phương quản lý đạt 13.013 tỷ đồng, tăng 15%.
a) Về quy hoạch
Hoàn thành các quy hoạch theo đúng tiến độ yêu cầu.
Rà soát, đánh giá các đề án quy hoạch xây dựng đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, tập trung Thành phố Huế và khu đô thị mới An Vân Dương. Hoàn thành quy hoạch phân Khu D, E – Đô thị mới An Vân Dương. Đôn đốc tiến độ các đồ án quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Phong Điền. Tiếp tục thực hiện, hoàn thành dự án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm”.
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, chú trọng khu vực trung tâm thành phố Huế và các khu đô thị mới. Triển khai xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị các thị trấn Sịa, Phong Điền, Phú Đa, Phú Lộc, Thuận An, Lăng Cô, Khe Tre, A Lưới. Hoàn thành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc Thành phố Huế. Rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục thực hiện Đề án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế.
b) Xây dựng hạ tầng
- Về giao thông
Tập trung hoàn thành các dự án đang đầu tư dở dang.
Phối hợp triển khai nhanh các dự án lớn của Trung ương trên địa bàn: đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan, Quốc lộ 49B.
Ưu tiên ngân sách đầu tư trung hạn cho các tuyến giao thông chính kết nối đô thị Huế đến các đô thị vệ tinh; triển khai đầu tư tuyến đường Huế - Thuận An nhằm mở rộng đô thị Huế. Tập trung các dự án: Hoàn thành dự án nâng cấp đường tỉnh 10A (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương – Thuận An), đường và cầu Hữu Trạch, đường La Sơn – Nam Đông, đường Nguyễn Chí Thanh (Huế - Quảng Điền). Đẩy nhanh tiến độ đường du lịch đến cụm điểm di tích Lăng Minh Mạng - Gia Long, đường vào Khu di tích lịch sử Đình Bàn Môn... Khởi công mới đường mặt cắt 36m nối đường Nguyễn Lộ Trạch đến đường ra sông Phát Lát.
- Hạ tầng kỹ thuật các đô thị
Đô thị Huế: Hoàn thành dự án chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc; sắp xếp một số nút giao thông, chỉnh trang các tuyến phố trọng yếu (vỉa hè, thoát nước, trồng cây xanh, chiếu sáng, trang trí..), các công viên, điểm cây xanh. Hoàn thành dự án đường mặt cắt 26m Khu Quy hoạch An Đông, giải tỏa các điểm di tích, Eo bầu phía Nam, dự án đường Trường Chinh nối dài.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, chỉnh trang đường Lâm Hoằng và đường Tố Hữu. Tiếp tục triển khai và hoàn thành một số trục giao thông chính trong khu đô thị An Vân Dương.
Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng một số khu tái định cư phục vụ giải tỏa, tạo quỹ đất (Lịch Đợi, Bàu Vá, Hương Sơ, các khu TĐC trong khu đô thị An Vân Dương…). Kêu gọi đầu tư các khu đô thị mới, ưu tiên kêu gọi vào khu đô thị An Vân Dương... Xúc tiến nghiên cứu phương án giải tỏa mồ mả khu vực Ngự Bình để triển khai ngay khi có điều kiện về nguồn lực. Xây dựng 1-2 khu nhà ở xã hội phục vụ tái định cư.
Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu nhà ở trên địa bàn . Đôn đốc nhà đầu tư hoàn chỉnh khu đô thị An Cựu, Mỹ Thượng, Đông Nam Thủy An. Tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án xây dựng khu nhà ở, đô thị trong Khu An Vân Dương.
Đô thị động lực và các đô thị vệ tinh: Tiếp tục đầu tư một số tuyến đường nội thị thiết yếu, ưu tiên các đường nội thị Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Thuận An, Sịa. Khởi động một số đường trục chính các huyện Phong Điền, Quảng Điền. Chỉnh trang các trục đường chính về điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh.
Đầu tư hạ tầng nhà ở xã hội, các khu tái định cư, khu dân cư tập trung ở các đô thị. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp.
Tăng cường công tác quản lý trật tự, vệ sinh môi trường đô thị, tổ chức thu gom rác, tạo sự thay đổi rõ về cảnh quan, môi trường...; xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, đường phố.
- Xây dựng hạ tầng nông thôn theo hướng đạt chuẩn. Ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn các xã điểm, các xã thuộc huyện điểm Quảng Điền, Nam Đông.
c) Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường
Tiếp tục đầu tư hệ thống nối mạng cấp nước sạch các xã trên địa bàn tỉnh thông qua dự án cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế, chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tập trung. Đẩy nhanh tiến độ dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế.
Tiếp tục đầu tư hệ thống thu gom chất thải rắn ở các huyện, dự án vệ sinh môi trường tại một số xã; đôn đốc thực hiện nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn. Hoàn thành nghĩa trang phía Nam.
d) Thuỷ lợi – thủy sản
Hoàn thành kè chống xói lở bờ sông Tả Trạch đoạn qua thị trấn Khe Tre, hồ chứa nước Thuỷ Yên - Thuỷ Cam, hệ thống thoát lũ tiểu mãn xã Phong Hòa, cải tạo Đập Đá, hệ thống thủy lợi Dương Thanh Mậu.
Hoàn thành các công trình hệ thống kênh cấp 2 hồ Truồi, kênh cấp 2 công trình thủy lợi Tây Hưng, hệ thống kênh cấp 2 trạm bơm Sư Lỗ. Tiếp tục xây dựng một số tuyến đê thuộc hệ thống đê ven phá Tam Giang – Cầu Hai... Tiếp tục triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật khu nuôi trồng thủy sản ven biển Điền Hương, bến cá Cầu Hai, mở rộng cảng cá Thuận An.
Khởi công vùng nuôi trồng thủy sản xã Phú Xuân, nâng cấp đập La Ỷ, nâng cấp hệ thống đê sông Thiệu Hóa, hệ thống tiêu thoát lũ Mộc Hàn – Phổ Lợi – Phú Khê.
g) Hạ tầng y tế, giáo dục
Xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện phục hồi chức năng; hỗ trợ các dự án của Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện thực hành trường Đại học Y Dược Huế, Trung tâm ung bướu.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và ban hành kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020; đầu tư nâng cấp các trường dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia .
Hoàn thành dự án phát triển trường chuyên Quốc Học Huế; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống các trường học để đạt chuẩn. Hỗ trợ các đơn vị Trung ương hoàn thành Trung tâm đào tạo ngành Tài chính, Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Công thương...Tập trung giải phóng mặt bằng để xây dựng Học viện Âm nhạc, Đại học Huế.
h) Hạ tầng văn hóa – thể thao
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 818/QĐ-TTg ngày 7/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020, trong đó tập trung vào các di tích khu vực Đại Nội như: Bảo tồn tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn, dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế; tiếp tục thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Miếu, bảo tồn phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương, bảo tồn và phục hồi Lầu Tàng Thơ, Lăng Tự Đức, Phu Văn Lâu, Nhật Thành Lâu. Triển khai đề án vay vốn Ngân hàng Phát triển để giải phóng mặt bằng các khu di tích thượng thành...Xúc tiến các dự án xây dựng thiết chế văn hóa tại Thành phố Huế. Đầu tư xây dựng nâng cấp một số thiết chế văn hóa .
i) Hạ tầng thương mại du lịch, Khu công nghiệp, Khu Kinh tế
Tiếp tục Hỗ trợ triển khai xây dựng giai đoạn II – Khu Du lịch Laguna; đôn đốc dự án Trung tâm thương mại, hội nghị của Tập đoàn Nguyễn Kim, Trung tâm thương mại, hội nghị của Vincom group, dự án hạ tầng khu công nghiệp Phong Điền , Nhà máy sản xuất vỏ lon của Tập đoàn Baosteel… Khởi công dự án khu du lịch sinh thái của công ty cổ phần quốc tế Minh Viễn (tổng vốn 368 triệu USD).
Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Phấn đấu tổng vốn đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế đạt 2.670 tỷ đồng. Đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành đường trục chính cảng Chân Mây, khu tái định cư Lộc Thủy. Khởi công dự án khu tái định cư Lộc Vĩnh mở rộng – giai đoạn 2.
3. Về quản lý tài chính ngân sách
Chỉ tiêu: Tổng thu ngân sách Nhà nước phấn đấu đạt 5.629 tỷ đồng, tăng 12,6%; trong đó: thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 4.984 tỷ đồng, tăng 15,5%; thu xuất nhập khẩu 275 tỷ đồng, giảm 8,3%. Tổng chi ngân sách địa phương 7.875,2 tỷ đồng, tăng 11,2%. Nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ.
Nhiệm vụ: Thực hiện các biện pháp tăng nguồn thu. Tăng cường khai thác nguồn thu vãng lai. Đôn đốc công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất. Nghiên cứu đề xuất thu đối với một số hoạt động kinh doanh mới như kinh doanh qua mạng, hoạt động chuyển nhượng vốn,... Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống gian lận thuế qua giá; làm tốt công tác tham vấn xác định giá tính thuế, hạn chế tình trạng để doanh nghiệp khiếu kiện. Kiểm soát chặt chẽ đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn thuộc sở hữu của nhà nước trong các doanh nghiệp. Thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiếp tục xử lý nợ xấu. Triển khai chính sách tín dụng, ưu đãi nguồn vốn cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tỉnh đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
4. Phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội
a) Văn hóa - thể thao
Mục tiêu: Khai thác tiềm năng, lợi thế về lịch sử, văn hoá và cách mạng để phát triển văn hóa, du lịch; xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước. Đẩy mạnh phát triển toàn diện, đồng bộ các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.
Chỉ tiêu: Duy trì tỷ lệ 96% gia đình đạt chuẩn văn hoá; 95% làng, thôn, bản đạt chuẩn văn hoá. Đạt 260-280 huy chương các loại tại các giải thi đấu trong và ngoài nước.
Nhiệm vụ: Tổ chức Festival Huế 2016. Chuẩn bị và tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm; duy trì quảng bá về Thành phố Huế - Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố bền vững về môi trường ASEAN. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong các doanh nghiệp Nhà nước thuộc lĩnh vực du lịch theo hướng lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, thương hiệu lớn, đủ năng lực để đầu tư các khách sạn, dịch vụ cao cấp có thương hiệu trên thế giới. Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế theo hướng tách riêng chức năng quản lý, chức năng kinh doanh dịch vụ theo hướng thành lập công ty hoặc thực hiện xã hội hóa. Nghiên cứu xây dựng các thiết chế văn hoá xứng tầm và nghiên cứu sớm phục hồi Thái Y viện gắn với phát triển du lịch chữa bệnh.
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; tiếp tục thực hiện đăng ký xây dựng “tuyến phố văn minh”; phát triển văn hóa nông thôn theo các tiêu chí tại Quyết định 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường quản lý các lễ hội, hoạt động văn hoá, thể thao. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản. Tăng phủ sóng phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số tới vùng sâu, vùng xa miền núi.
Nghiên cứu kết hợp nhà văn hóa xã, bưu điện xã thành điểm dành cho sinh hoạt cộng đồng. Nâng cấp Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật thành trường cao đẳng. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao.
Thể dục thể thao: Đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao cả về quy mô và chất lượng. Phối hợp tổ chức các giải thể thao quốc gia, quốc tế. Phát triển thể thao quần chúng; bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện vận động viên, đặc biệt là VĐV thể thao thành tích cao, chú trọng công tác đào tạo lực lượng VĐV trẻ. Thực hiện đề án Phát triển thể thao thành tích cao.
b) Giáo dục và đào tạo
Mục tiêu: Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo hướng đạt chuẩn. Nâng cao chất lượng dạy và học nghề.
Chỉ tiêu:
- Tỷ lệ huy động mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%.
- Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.
- Tỷ lệ huy động ra lớp bậc THCS đạt 92,1%, bậc THPT 64,4% .
- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: bậc mầm non đạt tỷ lệ 33,6%; bậc tiểu học 70,3%; bậc THCS 51,5%, THPT 35%.
- Tuyển sinh đào tạo nghề 10.500 học viên; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 58%.
Nhiệm vụ: Phối hợp chỉ đạo cơ sở, đồng thời tham mưu xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các cấp học, trang bị bộ thiết bị dạy học cho bậc mầm non. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia ở tất cả các ngành học; thực hiện phong trào xây dựng “trường học thân thiện học sinh tích cực”. Chú trọng đào tạo và bồi dưỡng chuyên biệt để phát triển mũi nhọn tài năng; phấn đấu tăng tỷ lệ đạt giải cao học sinh giỏi quốc gia và có giải quốc tế.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển dụng thuyên chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, phân loại, đánh giá giáo viên công khai, dân chủ, đúng quy trình thủ tục. Thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng theo lộ trình các ngành học.
Sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp . Hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ đề án thành lập Học viện Du lịch trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nâng cấp trường Cao đẳng Công nghiệp Huế lên trường Đại học Công nghiệp.
Đào tạo nghề: Tiếp tục đổi mới và cơ cấu lại hệ thống dạy nghề, đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động; kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về dạy nghề các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đa dạng hoá các hình thức, các phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề và thị trường lao động. Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Tăng cường công tác tuyên truyền nhận thức; hình thành các bộ phận chuyên trách làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người học nghề.
c) Y tế - dân số
Mục tiêu: Tiếp tục xây dựng và phát triển trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là ở các trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế. Khống chế cơ bản các dịch lớn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao chất lượng dân số, nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân.
Chỉ tiêu: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,09%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 12%; giảm tỷ suất sinh 0,2%o (còn 15,1%o); giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 15%; số giường bệnh/vạn dân đạt 35,2 giường, số bác sĩ/vạn dân 9,3 bác sỹ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế 78,5%; Số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế: 142 xã/152 xã.
Nhiệm vụ: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, phát triển một số lĩnh vực y học chất lượng cao, y học mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và y tế ngoài công lập nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, nhất là bệnh viện tuyến trung ương. Thực hiện chuyển giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành đơn vị trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.
Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Khám chữa bệnh, Nghị quyết số 05/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế, Đề án 1816 luân phiên cán bộ từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, Chính sách Quốc gia về thuốc... Nghiên cứu xây dựng mô hình bác sỹ gia đình và phát triển y tế biển đảo.
Chủ động triển khai công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Thực hiện tốt phòng, chống HIV/AIDS. Triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là những dịp lễ, tết. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, từng bước thực hiện “bảo hiểm y tế toàn dân”. Đổi mới cơ chế giá dịch vụ khám chữa bệnh đồng bộ với đổi mới về cơ chế đối với các dịch vụ công cho y tế.
Kiểm soát tăng dân số và giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường hoạt động của đội lưu động dịch vụ SKSS/KHHGĐ gắn liền với việc cung cấp đầy đủ dịch vụ, đẩy mạnh hoạt động truyền thông.
d) Khoa học công nghệ (KHCN)
Mục tiêu: Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Hướng các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ tốt hơn thực tiễn cuộc sống. Hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của vùng và cả nước.
Chỉ tiêu: Xây dựng 48 đề tài, dự án . Có từ 3-5 sáng chế, giải pháp hữu ích được quốc gia, quốc tế bảo hộ; phấn đấu có công trình khoa học được tặng giải thưởng Nhà nước. Đáp ứng 70% nhu cầu kiểm nghiệm hóa dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và kiểm định hàng hóa, dịch vụ.
Nhiệm vụ:
Xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN đủ mạnh để nghiên cứu, tiếp nhận và phát triển các công nghệ mới; chú trọng đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Kết hợp hài hòa giữa sử dụng cán bộ khoa học tại chỗ với tranh thủ chuyên gia đầu ngành của Trung ương và nước ngoài.
Hoàn thiện hệ thống thiết chế khoa học - công nghệ. Triển khai các nhiệm vụ thuộc “Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Huế triển khai đề án “Xây dựng Trung tâm quốc gia về Công nghệ sinh học miền Trung” . Tiếp tục đầu tư Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung . Đầu tư hoàn thành 2 dự án trọng điểm . Tiếp tục cập nhật và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu GISHue.
Rà soát điều chỉnh các thủ tục hành chính, các văn bản pháp quy trong lĩnh vực KHCN, ban hành quy định khen thưởng về KHCN. Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ phát triển khoa học - công nghệ. Tăng cường hợp tác về khoa học - công nghệ.
Hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn, tiếp thu, cải tiến các công nghệ, tiến tới sáng tạo công nghệ đặc thù, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học và sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản. Phát huy thế mạnh về khoa học xã hội và nhân văn trong lĩnh vực bảo tồn di sản và phát huy văn hoá Huế, đưa công tác bảo tồn di sản thành công nghệ bảo tồn di sản mang thương hiệu Huế.
e) Chính sách xã hội, lao động việc làm
Mục tiêu: Tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực lao động, việc làm; giải quyết việc làm gắn liền với chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Giảm nhanh và bền vững hộ nghèo; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách cho người có công, đảm bảo an sinh xã hội.
Chỉ tiêu: Giải quyết việc làm mới cho 16.000 lao động. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 58%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,7 - 2,0%.
Nhiệm vụ:
Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động. Khuyến khích phát triển hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp; quản lý tốt lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; theo dõi nắm bắt và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, các vụ việc đình công. Duy trì hoạt động xuất khẩu lao động; đưa 150 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Huy động, lồng ghép các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách cho người có công, đảm bảo an sinh xã hội. Quản lý việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua bưu điện. Triển khai giai đoạn 2 dự án tái định cư dân vạn đò, định cư dân thủy diện. Huy động nguồn lực trong xã hội cùng nhà nước thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công; phấn đấu huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa 01 tỷ đồng. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công. Quan tâm các phong trào, kế hoạch bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội...
5. Quản lý tài nguyên và môi trường, thích nghi biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai
Mục tiêu: Tăng tỷ lệ diện tích đất được cấp GCNQSDĐ trên tổng diện tích đất. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Quan tâm công tác thích nghi biến đổi khí hậu toàn cầu. Hạn chế tối đa thiệt hại vật chất và con người do thiên tai gây ra.
Chỉ tiêu: Tỷ lệ diện tích được cấp GCNQSDĐ đạt 98,3% diện tích cần cấp, tỷ lệ diện tích đăng ký trên 95% diện tích phải đăng ký; 96% chất thải rắn, rác thải ở đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn; 120 xã, phường, thị trấn được thu gom và xử lý rác thải; 02 khu CN, cụm CN - làng nghề (được thành lập) có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 100%); 33,36% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý .
Nhiệm vụ: Hoàn thành, công bố công khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh và giám sát việc tổ chức thực hiện. Xây dựng Kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2016; cập nhật tình hình thực tế để kịp điều chỉnh bảng giá các loại đất đảm bảo đúng quy định pháp luật. Phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch, đề án thuộc ngành, lĩnh vực .
Thực hiện điều tra, đánh giá chất lượng đất tiềm năng đất đai; điều tra đánh giá thoái hóa đất cấp tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Xây dựng danh mục dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng cần thu hồi và danh mục các công trình dự án xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng sang mục đích khác trong năm 2017.
Xây dựng Thiết kế kỹ thuật về hạ tầng thông tin đất đai tỉnh Thừa Thiên Huế theo mô hình tập trung; đo đạc chỉnh lý biến động, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai huyện Quảng Điền; xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính A Lưới, và cơ sở dữ liệu địa chính A Lưới; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính cấp huyện đến cấp xã trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.
Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đảm bảo 100% giấy phép khai thác khoáng sản được cấp trên địa bàn tỉnh phải phê duyệt Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc giấy xác nhận, phê duyệt đề án phục hồi môi trường. Xử lý tình trạng các bãi tập kết cát, sỏi tự phát. Sử dụng bền vững nguồn nước, bảo vệ môi trường vùng đầm phá và ven biển, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học.
Đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt. Hoàn thành xử lý 03 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại theo Quyết định 64 và 01 cơ sở trong Quyết định số 1788.
Kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành tài nguyên môi trường; xem xét thành lập Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất một cấp theo quy định.
Thực hiện các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực . Đẩy mạnh Hợp tác quốc tế về biển, đảo và đầm phá. Đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường, vận động mỗi thôn là một điển hình trong giữ gìn môi trường sống.
Thực hiện kế hoạch phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp; chủ động phòng chống khô hạn, lụt bão,...
6. Cải cách hành chính
Mục tiêu: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phấn đấu cải thiện vị trí xếp hạng của chỉ số PAR vào tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước. Cải thiện vị trí xếp hạng chỉ số PAPI. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước các cấp
Nhiệm vụ:
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hợp lý và vận hành hiệu quả; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi Chính phủ. Hoàn thành các chương trình, kế hoạch, đề án lớn trình HĐND tỉnh thông qua trong năm 2016 . Thực hiện Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hoá hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”. Tổ chức tốt đợt bầu của đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác Nội vụ ở các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, kết hợp chặt chẽ với việc kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 51/2012/CT-UBND ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh.
Năm 2016 là “Năm kỷ cương trong Đảng và cơ quan hành chính Nhà nước”, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm thực hiện mô hình 01 cửa hiện đại cấp huyện, triển khai thí điểm thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công ở thành phố Huế, thị xã Hương Trà và huyện Phú Lộc; kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ phận “một cửa”; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, gắn với rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính hiện hành; phấn đấu 100% đơn vị cấp xã công bố hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục tập trung vào đối tượng cán bộ, công chức cấp xã theo Đề án 1956.
Vận hành Cổng thông tin điện tử tỉnh và Hệ thống trang thông tin điều hành tác nghiệp theo mô hình đa cấp liên thông. Tiếp tục triển khai diện rộng 05 phần mềm dùng chung, lựa chọn triển khai một số phần mềm dùng chung đến cấp xã. Triển khai ứng dụng rộng rãi dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3,4 trong các ngành, lĩnh vực, các địa phương. Tiếp tục nhân rộng Trang thông tin điện tử các xã, phường, thị trấn; ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước; triển khai diện rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tiếp tục hoàn chỉnh khung chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế và triển khai các đề án, nhiệm vụ thuộc khung chính chính quyền điện tử của tỉnh. Nghiên cứu xây dựng Khu CNTT tập trung, tạo điều kiện thuận lợi, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển công nghiệp CNTT.
Xây dựng và triển khai Kế hoạch đánh giá Chỉ số PAR Index, chỉ số PCI, ICT đối với các địa phương, đơn vị. Chú ý cải thiện vị trí xếp hạng Chỉ số PAPI, ICT. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử.
7. Công tác quốc phòng - an ninh và đối ngoại
Mục tiêu: Củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo đảm an ninh với phát triển kinh tế. Phát triển quan hệ hợp tác quốc tế.
Nhiệm vụ:
a) Quốc phòng- an ninh: Tiếp tục định hướng thông tin và tập trung tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến với lực lượng vũ trang và các tỉnh bạn nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Tăng cường công tác biên giới. Giải quyết dứt điểm và phòng ngừa, không để xảy ra các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh nông thôn. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh; triển khai xây dựng công trình chiến đấu trọng điểm CH6-02.
Bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước. Tiếp tục thực hiện Đề án xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Mở các đợt cao điểm vận động quần chúng tấn công, kiềm chế các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý và tệ nạn xã hội. Tăng cường chủ động nắm chắc và dự báo sát tình hình, kiên quyết kiểm soát chặt chẽ các đối tượng xấu, chủ mưu cầm đầu kích động, xử lý kịp thời, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tính mạng, tài sản và điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường của mọi cá nhân, tổ chức, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
b) Công tác đối ngoại: Thúc đẩy hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực du lịch, y tế, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu - ứng dụng KHCN, bảo vệ môi trường…; duy trì quan hệ truyền thống với các địa phương của nước bạn Lào , một số vùng của Pháp; đẩy mạnh quan hệ với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc… Chú trọng đến hoạt động ngoại giao văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên Huế. Bám sát Chương trình quốc gia xúc tiến viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017; phấn đấu bình quân kêu gọi viện trợ 1 triệu USD/năm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về biên giới; theo dõi việc phân giới, cắm mốc với các tỉnh của nước bạn Lào. Quan tâm công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh
Nghiêm túc thực hiện Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 02/10/2015 về thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2015 - 2016. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện công khai thông tin đất đai, quy hoạch, đấu thầu đấu giá, đăng ký đề tài khoa học; khiếu nại, kiến nghị...
Tiếp tục thực hiện chủ trương và các giải pháp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách nhà nước ở từng đơn vị, từng khu vực kinh tế và loại thu. Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thực hiện thanh tra giám sát lãi suất cho vay và huy động vốn của các tổ chức tín dụng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, kiểm soát đầu cơ nâng giá, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá những hàng hóa thiết yếu...
Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn gắn với công nghiệp; chuẩn bị vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp. Tiếp tục phát triển lĩnh vực du lịch. Hỗ trợ khai thông thị trường các sản phẩm chủ lực như bia, xi măng, dệt may, du lịch... Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tăng cường hoạt động quảng bá, tuyên truyền, công tác đối thoại, tiếp dân, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động điều hành của chính quyền cũng như định hướng phát triển của Tỉnh.
2. Huy động và quản lý nguồn lực đầu tư; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, các KCN, hạ tầng du lịch... Thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Chính phủ, một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng BOT, BTO, PPP. Tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành Trung ương về vốn cho các dự án quan trọng như: đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 1; cầu và đường Nguyễn Hoàng (qua sông Hương), thành phố Huế; dự án ODA Thành phố xanh (Green city)...
Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, chỉ thị về đầu tư phát triển . Ưu tiên vốn cho công tác bồi thường GPMB, các dự án tạo quỹ đất để tăng nguồn thu cho ngân sách, các dự án chỉnh trang đô thị, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm hoặc có khối lượng thi công lớn. Làm tốt công tác thanh quyết toán, giải ngân khối lượng XDCB. Thực hiện tốt công tác GPMB, trong đó chú trọng bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách liên quan đến những vướng mắc thường gặp trong GPMB nhưng chưa có cơ chế áp dụng giải quyết như vấn đề các hộ phụ, nhà bị phá dỡ kết cấu… Thành lập Ban Chỉ đạo về GPMB. Hỗ trợ đẩy nhanh xây dựng nhà ở xã hội phục vụ tái định cư và các đối tượng thu nhập thấp.
Thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn ODA, FDI. Hoàn thành sớm các thủ tục về đầu tư xây dựng để sớm triển khai các dự án sử dụng vốn ODA, NGO.
Rà soát các dự án của các nhà đầu tư không đáp ứng tiến độ để tháo gỡ vướng mắc hoặc thu hồi. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.
3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng KHCN
Thực hiện tốt các đề án phát triển giáo dục - đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục phổ thông. Củng cố và phát triển mạng lưới giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng đào tạo sát hơn với nhu cầu thị trường. Tiếp tục chuẩn hoá cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và đội ngũ giáo viên dạy nghề. Ưu tiên đầu tư các trường phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp, các trung tâm dạy nghề cấp huyện.
Thực hiện xã hội hoá đầu tư cho KHCN; hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận sử dụng Quỹ phát triển KHCN tỉnh. Hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Đại học Huế và các tổ chức KHCN của Trung ương trên địa bàn; chú trọng chuyển giao công nghệ tiên tiến, trọng tâm là công nghiệp y học cao cấp, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp giúp tiếp cận những tiến bộ mới về quản lý, về kinh doanh..., từng bước xây dựng đội ngũ doanh nhân “có tâm và có tầm”./.