(Trích Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 28/7/2014 của UBND tỉnh)
I. MỤC TIÊU
1. Hình thành và phát triển các thương hiệu đặc sản của tỉnh có khả năng tạo ra sản phẩm hàng hóa; ổn định chất lượng; nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống và tạo sự lan tỏa nhằm phát triển các lĩnh vực khác nhất là lĩnh vực du lịch - dịch vụ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Huế và văn hóa Việt.
2. Tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản của tỉnh.
II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Các sản phẩm được lựa chọn từ 89 sản phẩm đặc sản của tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 1746/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.
2. Chọn các sản phẩm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập.
3. Các sản phẩm có nguy cơ bị xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý.
4. Các dự án có chủ thể quản lý và tổ chức thực hiện (có tiềm lực tài chính và nhân vật lực).
5. Sản phẩm đã có thương hiệu tương đối ổn định để xây dựng thành mô hình điểm để nhân rộng.
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận từ 3-4 sản phẩm, gồm:
- Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Huế cho: Sản phẩm Bún bò Huế.
- Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cơm vua Huế” (một sản phẩm của Cơm cung đình Huế).
- Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho:
+ Sản phẩm đặc sản Mè xửng Huế;
+ Sản phẩm đặc sản Ruốc Huế.
2. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài từ 1-2 sản phẩm, gồm:
- Đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cho: Sản phẩm đặc sản Bún bò Huế;
- Đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cho: Sản phẩm đặc sản Mè xửng Huế.
3. Tổ chức quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý:
- Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm nón lá của tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Tôm chua Huế cho sản phẩm tôm chua của tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Dầu tràm Lộc Thủy cho sản phẩm dầu tràm của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể sản phẩm đúc đồng của Làng nghề đúc đồng thành phố Huế;
- Tổ chức hội thi trái ngon thanh trà Huế theo quy mô toàn tỉnh và mở rộng thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế.
4. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng thông qua việc áp dụng sáng chế của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
IV. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN
Tổng nguồn vốn dự kiến huy động để thực hiện Kế hoạch phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2015 dự ước là 3.109 triệu đồng (Phụ lục kèm theo). Trong đó:
- Ngân sách trung ương:
|
406
|
triệu đồng
|
- Ngân sách địa phương:
(Trong đó: + NS Tỉnh khoảng: 1.063 triệu đồng;
+ NS Huyện, TP khoảng: 630 triệu đồng).
|
1.693
|
triệu đồng
|
- Huy động của các các nhân, tổ chức, DN:
|
1.010
|
triệu đồng
|
(Kinh phí nêu trên là dự ước theo nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch; các khoản kinh phí cụ thể tùy theo điều kiện nguồn lực, UBND tỉnh phê duyệt dự toán kinh phí để thực hiện).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN (Đính kèm Phụ lục chi tiết)
1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai Kế hoạch này; tổng hợp, định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện và tổ chức tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản tỉnh giai đoạn 2013-2015.
2. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đẩy mạnh hoạt động phát huy sáng kiến, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng đặc sản; Tổ chức thực hiện các Chương trình, đề án quốc gia, các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh có liên quan về xây dựng thương hiệu cho đặc sản.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, vùng sản xuất cho các đặc sản; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng của đặc sản.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan thực hiện quảng bá, giới thiệu các đặc sản thông qua các lễ hội, các chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ của Kế hoạch vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành và địa phương.
6. Sở Tài chính chủ trì tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí các nguồn kinh phí hàng năm để thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch này.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng và triển khai cụ thể Kế hoạch tại địa phương, đơn vị mình; tập trung lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các đặc sản theo quy mô của địa phương.
8. Các cá nhân, tổ chức, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện; đồng thời, chủ động bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện xây dựng, phát triển thương hiệu theo Kế hoạch.
9. Trên cơ sở Kế hoạch, các đơn vị chủ thể đề án/đơn vị thực hiện dự án lập đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.