Trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2013, sáng ngày 28/4/2013, UBND thành phố Huế phối hợp với Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức hội thảo nghề và làng nghề truyền thống Huế với phát triển du lịch.
Hơn 150 đại biểu là đại diện các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, nhà sản xuất tại các làng nghề đến tham dự. Đã có 26 tham luận gửi đến hội thảo để cùng nhau đối thoại, chia sẻ, thảo luận nhằm đề xuất những giải pháp phối hợp, tháo gỡ những khó khăn, trở lực và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm và hoạt động của các làng nghề truyền thống phát triển có hiệu quả, góp phần vào hoạt động du lịch.
Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh: Vùng đất Thừa Thiên Huế qua thống kê có hơn 200 làng nghề thủ công truyền thống. Hiện tại, số nghề và làng nghề đang hoạt động là 88 làng nghề, trong đó có 69 làng nghề truyền thống. Một số nghề và làng nghề truyền thống phát triển mạnh vừa cung cấp sản phẩm cho đời sống xã hội, vừa thu hút các tour du lịch như đúc đồng Phường Đúc, nón lá Phủ Cam, đan lát Bao La, cẩn khảm xà cừ Địa Linh, điêu khắc Mỹ Xuyên, kim hoàng Kế Môn, gốm Phước Tích, tranh giấy Làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt Zèng A Lưới… tạo nên những sản phẩm đặc trưng, góp phần khẳng định giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc và đặc trưng của vùng đất Cố đô.
Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng loại hình du lịch tại các làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn, hầu hết các cơ sở có quy mô nhỏ, lẻ, phân tán, trình độ công nghệ lạc hậu, chưa tân dụng tốt khả năng gắn kết với du lịch, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn; mối liên hệ giữa làng nghề với các công ty du lịch, lữ hành chưa phát huy tốt; nhận thức và cách làm du lịch của người dân tại các làng nghề còn nhiều hạn chế.
|
Hơn 150 đại biểu tham dự hội thảo |
Với ngành du lịch, dịch vụ phát triển mạnh (đóng góp 48% GDP địa phương), cùng với hệ thống làng nghề khá phong phú, thích hợp để khai thác và phát triển du lịch. Phát triển du lịch làng nghề được xem là định hướng đúng, phù hợp theo xu hướng du lịch hiện đại. Vì vậy, để du lịch làng nghề phát triển xứng tầm, nhiều tham luận tại hội thảo cho rằng cần nhanh chóng thực hiện một số giải pháp cho du lịch làng nghề như: vấn đề quy hoạch phát triển các nghề và làng nghề phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH, gắn với phát triển du lịch của địa phương; phát triển thị trường và thương hiệu cho làng nghề du lịch; vấn đề liên kết giữa làng nghề với các công ty du lịch, lữ hành trong việc xây dựng tour, tuyến cũng như các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch làng nghề như sản phẩm, dịch vụ tại làng nghề; xây dựng nguồn nhân lực tại các làng nghề có chất lượng cao, có văn hóa, kỹ năng, đạo đức kinh doanh du lịch tại làng nghề; tuyên truyền thực hiện ý thức bảo vệ môi trường làng nghề….