Vùng sinh thái phân bố thực vật núi rừng (gọi tắt là vùng núi rừng) thuộc vùng núi có độ cao từ 250m trở lên, chủ yếu phân bố ở phía Tây của tỉnh và kéo dài từ ranh giới Quảng Trị ở phía Bắc đến ranh giới tỉnh Quảng Nam - thành phố Đà Nẵng về phía Nam. Địa hình phức tạp, dãy Trường Sơn Bắc thuộc núi cao trung bình và núi thấp với đỉnh cao nhất là động Ngại 1.774m. Khối núi trung bình Bạch Mã - Hải Vân với đỉnh cao Bạch Mã 1.444m lại kéo dài và nghiêng về phía Đông, chuyển sang núi thấp xen lẫn đồi cao. Tổng diện tích vùng sinh thái phân bố thực vật núi rừng chiếm khoảng 308.825ha. Về khí hậu, vùng có nhiệt độ trung bình tháng 16 - 270C, thấp nhất là 5 - 80C khi có gió mùa Đông Bắc, cao nhất tới 38 - 410C lúc gió Tây Nam khô nóng hoạt động; lượng mưa trung bình năm là 3.200 - 8.000 mm/năm, lượng mưa tháng từ 32 - 277 mm/tháng (mùa khô) đến 600 - 1.000 mm/tháng (mùa mưa); tổng giờ nắng 1.732 - 1893 giờ/năm; độ ẩm không khí trung bình tháng 79 - 92% và khi có gió Tây Nam hoạt động thì giảm xuống còn 40 - 60%; tháng thiếu ẩm từ 0 (A Lưới) đến 1 (Nam Đông) và 2 - 3 tháng (Phong Điền). Đối với vùng sinh thái phân bố thực vật núi rừng có thể chia ra 2 tiểu vùng sinh thái phân bố thực vật đặc trung; tiểu vùng sinh thái phân bố rừng nguyên sinh và tiểu vùng sinh thái phân bố rừng thứ sinh
* Tiểu vùng sinh thái phân bố rừng nguyên sinh
Tiểu vùng sinh thái phân bố rừng nguyên sinh phân bố tập trung vào vùng núi cao trung bình có rừng già nguyên sinh. Hệ thực vật ở đây gồm nhiều tầng đặc trưng, nhiều dây leo, cây gỗ lớn như: gõ (gụ), mật, chò chỉ, lim xanh, kiền kiền, dầu... Đó là kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới. Bên cạnh đó, ở vài khu vực núi cao hơn (động Ngại, Bạch Mã...) còn xuất hiện hệ thực vật cận nhiệt đới (á nhiệt đới) có sự xen lẫn cây lá rộng với cây lá kim như hoàng đàn giả, thông tre, kim giao. Nói chung, tiểu vùng sinh thái phân bố thực vật này ở tỉnh nhà còn lại ít và ngày càng thu hẹp hơn. Điển hình nhất của tiểu vùng sinh thái là khu vực xã Hương Nguyên (A Lưới), Bạch Mã (Phú Lộc) và Khe Tre (Nam Đông).
* Tiểu vùng sinh thái phân bố rừng thứ sinh
Tiểu vùng sinh thái phân bố rừng thứ sinh chiếm diện tích chủ yếu của vùng sinh thái phân bố thực vật núi rừng. Cây rừng đang được phục hồi sau thời gian dài bị khai thác quá mức hoặc bị đốt nương làm rẫy, kể cả chất độc hóa học do Mỹ rải khai quang trong chiến tranh. Thành phần thực vật nổi trội thuộc tiểu vùng đang xét là các loài bạc lá, ba soi, ba bét, chân chim, sữa, ươi bay, sến, nứa, giang và các dây leo. Tiểu vùng sinh thái phân bố rừng thứ sinh bao gồm cả rừng trồng với cơ cấu thông, bạch đàn, keo lá tràm (Hương Trà, Phú Lộc,...).
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)