Vùng sinh thái phân bố thực vật gò đồi (gọi tắt là vùng gò đồi) chiếm diện tích khoảng chừng 71.250 ha và nằm ở độ cao từ 10 - 15 đến 200 - 250m so với mặt biển. Ở đây nhiệt độ trung bình tháng khoảng 19 - 280C (thấp nhất 8 - 90C, cao nhất 40 - 410C); lượng mưa trung bình năm 2.800 - 3.200 mm/năm; độ ẩm tương đối của không khí 75 - 90%, giảm xuống 30 - 50% khi có gió Tây Nam khô nóng, có khoảng 5 - 6 tháng thiếu ẩm; tổng giờ nắng khoảng 1.900 giờ/năm. Theo các số liệu để lại, thì diện tích gò đồi vào khoảng trước thế kỷ XVIII không đáng kể, vì lúc đó rừng chiếm hết diện tích đồi núi. Do nhiều tác động tiêu cực mà rừng mất dần diện tích, nhiều diện tích gò đồi xuất hiện với điều kiện sinh thái đặc thù không còn thích hợp cho cây rừng thân gỗ lớn phát triển nữa. Đất bị rửa trôi mạnh, bị kết von, đá ong hóa, không giữ được ẩm, nhiều nơi trơ sỏi đá nên trên lãnh thổ gò đồi chủ yếu gặp hệ thực vật chịu hạn như: muống, rang, rành chổi, niệt gió, sim, mua, ba bét, bồ cu vẽ, tràm (tàn dư rừng ngập mặn cổ), cỏ tranh, lau, lách. Nói chung hệ thực vật vùng gò đồi là thảm thực vật thứ sinh. Đó là những cây gỗ nhỏ, cây bụi và cây thân thảo.
Nhờ chủ trương đầu tư phục hồi hệ sinh thái vùng gò đồi của Nhà nước và của tỉnh, sau 20 năm trở lại đây Thừa Thiên Huế đã trồng được khoảng 45.000 ha rừng. Thành phần thực vật ở các khu rừng trồng thường là bạch đàn, thông, keo lá tràm, keo tai tượng. Trong các vườn đồi còn trồng nhiều cây ăn quả như: mít, dứa, cam, chuối và một số cây công nghiệp khác (cọ dầu, chè, hồ tiêu ...).
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)