Khu vực núi trung bình chủ yếu phân bố ở phía Tây, Tây Nam và Nam lãnh thổ, chiếm khoảng 35% diện tích đồi núi và trên 25% lãnh thổ của tỉnh. Độ cao dao động từ 750m đến gần 1.800m. Đây là kiến trúc núi đồ sộ, tận cùng và được nâng cao của dãy Trường Sơn Bắc. Lãnh thổ núi trung bình là nơi phân bố đá cứng macma hoặc đá trầm tích biến chất cổ bị nhiều hệ thống đứt gãy kiến tạo chia cắt thành khối tảng và bị chuyển động nâng tân kiến tạo mạnh hơn các khu vực khác. Thuộc vào khu vực địa hình núi trung bình bao gồm vùng núi trung bình Tây A Lưới, vùng núi trung bình động Ngại, vùng núi trung bình Đông A Lưới – Nam Đông và vùng núi trung bình Bạch Mã – Hải Vân.
* Vùng núi trung bình Tây A lưới là vùng núi trung bình thuộc sườn phía Tây dãy Trường Sơn Bắc, cao từ 600-750m đến 1.500-1.600m, rộng 9-10km (tính đến biên giới Việt - Lào) và kéo dài gần 50km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đặc điểm nổi bật của núi trung bình Tây A Lưới là các kiến trúc núi đồ sộ dạng vòm khối tảng gần như bao quanh lấy thung lũng, giữa núi có nguồn gốc kiến tạo A Sao - A Lưới. Một số đỉnh núi điển hình: động Cô A Nong 1.221m, động Xo Xan 1.224m, động Tiên Cong 1.091m, động A Túc 1.128m, động So 1.114m, động A Bia 983m, đỉnh Ha Gioi 1.329m, đỉnh A Rum Ca Lưng 1.402m, động Pho 1.065m, động Ha Re 1.502m, động A So 1.528m, đỉnh La Tinh 1.556m. Bên cạnh các động, đỉnh cao còn có nhiều thung lũng hẹp, sâu đến 600-700m cũng rất phát triển. Mật độ sông suối biến động từ 0,5-1km/km2 đến 2-2,5km/km2. Độ dốc thường thay đổi từ 150-200 đến 300-350. Nơi có độ chia cắt sâu và mật độ sông suối lớn nhất là lãnh thổ Xa Xan - Cô A Nong - Tiên Cong và Hang Gioi - A Rum Ca Lưng - Pho. Đáy thung lũng dốc, nhiều thác ghềnh và đá tảng. Nhờ độ cao vượt trội và hướng Tây Bắc - Đông Nam, vùng núi trung bình Tây A Lưới đóng vai trò bức tường thiên nhiên ngăn chặn gió Tây Nam khô nóng và đón nhận gió mùa Đông Bắc và trở thành một trong hai trung tâm mưa địa hình lớn nhất Thừa Thiên Huế.
* Vùng núi trung bình động Ngại là một bộ phận nằm ở sườn phía Đông dãy Trường Sơn Bắc kéo dài khoảng 40km về phía Nam, bắt đầu từ ranh giới Quảng Trị đến lãnh thổ đầu nguồn của các phụ lưu sông Bồ (Rào Trăng, Rào La, Rào Nhỏ). Lãnh thổ này được cấu tạo từ đá granitoid và đá trầm tích biến chất cổ, có diện mạo khác hẳn với các vùng núi trung bình khác. Ở đây không những các đỉnh cao nối nhau mà còn phân bố rộng ra hai phía trục phân thủy Trường Sơn Bắc và tạo nên vòm nâng khối tảng đồ sộ khác thường với độ cao trên 1.400m, trong đó động Ngại cao tới 1.774m. Sườn vùng núi dốc khoảng 200-300, có nơi đến 400-450. Độ chia cắt sâu phổ biến là 200-300m đến 500-600m. Mật độ sông suối dao động từ 0,5-0,7km/km2 đến 1,5-2,0km/km2. Ngoài động Ngại cao nhất, còn bao gồm một số động, đỉnh núi cao khác như: động A No 1.485m, động Va 1.209m, đỉnh A Tin 1.298m, đỉnh A Lau 1.242m. Vùng núi trung bình động Ngại cùng với vùng núi trung bình Tây A Lưới tạo nên trung tâm mưa lớn ở Tây - Tây Bắc Thừa Thiên Huế. Do địa hình bị chia cắt mạnh, khí hậu ẩm ướt, lớp phủ thực vật phát triển dày đặc, lại nằm ở nơi xa xôi, hẻo lánh, đi lại khó khăn, nên vùng núi trung bình động Ngại trở nên kỳ bí, ít người biết đến.
* Vùng núi trung bình Đông A lưới - Nam Đông phân bố kế cận về phía Nam vùng núi trung bình động Ngại, chiếm lãnh thổ đầu nguồn các sông Bồ, Hữu Trạch và Tả Trạch thuộc địa phận Tây Nam và Nam huyện Nam Đông. Trên địa bàn này được cấu tạo từ đá cứng trầm tích biến chất cổ, ít hơn có đá macma. Ở phần phía Nam vùng đất đá bị biến vị, chia cắt và nâng tân kiến tạo mạnh, phức tạp nhất so với các bộ phận lãnh thổ khác của tỉnh. Các đỉnh núi có độ cao tuyệt đối tăng dần từ 600-900m ở phía Bắc đến 1.100-1.300m, thậm chí vượt 1.700m tại biên giới với nước CHDCND Lào và Quảng Nam. Càng tiến về phía Tây Nam, địa hình càng bị chia cắt mạnh hơn, biến thành vùng núi hiểm trở với mật độ sông suối khoảng 1-2,5km/km2. Thung lũng sông hẹp, bờ dốc, nhiều thác ghềnh và đá tảng ngổn ngang. Đáy sông suối bị xâm thực dữ dội vào mùa mưa lũ. Một số đỉnh núi tiêu biểu của vùng núi này như: động Ha Te 1.084m, đỉnh A Lin 932m, động Tre Giang 1.030m, động Tre Linh 1.150m, núi Mang 1.702m. Sườn núi ở đây có độ dốc khá biến động từ 150-200 đến 300-350.
* Vùng núi trung bình Bạch Mã - Hải Vân thuộc khối núi dạng vòm kéo dài theo hướng á vĩ tuyến, cấu tạo từ đá granit và phân bố trên địa phận hai huyện Nam Đông và Phú Lộc. Núi Bạch Mã có đỉnh rộng, địa hình nhấp nhô dạng răng cưa với những đỉnh cao sàn sàn 1.200-1.300m, trong đó có đỉnh cao nhất tới 1.444m. Sườn núi Bạch Mã rất dốc, bị nhiều sông suối lớn nhỏ chia cắt với mật độ tới 2km/km2, độ chia cắt 700-800m, sườn dốc từ 200-250 đến 350-400. Các sông suối bắt nguồn từ sườn Đông Bắc Bạch Mã lần lượt gặp sông Bù Lu, sông Cầu Hai, sông Truồi. Cũng trên sườn Đông Bắc nổi lên động Nôm 1.241m và động Truồi 1.154m. Từ Bạch Mã đi dần về phía Đông độ cao các đỉnh núi dạng răng cưa có xu hướng giảm dần từ Tây sang Đông. Một số núi điển hình là Hòn Than 1.517m, Hòn Cháy 1.413m, đỉnh Hói Mít, núi Hoi 1.100m. Đèo Hải Vân độ cao giảm thấp hơn 500m và tiếp tục hạ xuống trên dưới 200m khi tiếp cận biển Đông.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)