Địa hình khu vực núi thấp và gò đồi
  

Núi thấp và đồi phân bố trên diện tích rộng nhất của khu vực địa hình đồi núi (trên 65%) và chiếm khoảng 50% lãnh thổ toàn tỉnh.

* Vùng địa hình núi thấp: Vùng địa hình núi có độ cao 250-750m (thỉnh thoảng gặp vài đỉnh cá biệt nhô cao hơn) được xếp vào núi thấp. Lãnh thổ núi thấp chiếm khoảng 36% diện tích tỉnh, tiếp cận về phía Tây, Tây Nam và Nam với các vùng núi trung bình động Ngại, Đông A Lưới và Bạch Mã - Hải Vân. Ranh giới Đông Bắc men theo địa hình đồi với độ cao từ 150-200m đến 250m. Dáng vẻ của núi thấp chủ yếu có dạng vòm, đỉnh núi tương đối đẳng thước hoặc kéo dài và được ngăn cách với nhau bằng yên ngựa hay thung lũng, sông suối. Mật độ sông suối biến đổi từ 0,3-0,5km/km2 đến 0,9-1,2km/km2, đôi nơi tới 1,5-1,8km/km2. Độ chia cắt phổ biến khoảng 50-300m. Đại bộ phận sườn núi có độ dốc 150-250. Một số động và đỉnh núi thấp đặc trưng (phần lớn hình thành trên đá granit hay đá cứng khác) bao gồm: động Khe Mễ 628m, động A La 714m, động Ca Puy 586m, núi Ông Đôn 546m, động Cù Mông 649m, động Chúc Mao 507m, hòn Đùn 433m, núi Kê 618m...

* Vùng địa hình gò đồi ở Thừa Thiên Huế có tổng diện tích khoảng 712,5km2, chiếm khoảng 14% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đại bộ phận lãnh thổ vùng gò đồi nằm ở dải chuyển tiếp giữa khu vực địa hình núi và đồng bằng duyên hải, với diện tích hạn chế còn gặp ở A Lưới và Nam Đông. Tùy thuộc vào độ cao tuyệt đối, địa hình gò đồi được chia làm 3 kiểu: gò đồi thấp (10-50m), đồi trung bình (50-125m) và đồi cao (125-250m).

Gò đồi thấp trải rộng trên diện tích khoảng 285,5km2, chiếm khoảng 40,07% diện tích vùng gò đồi. Đồi có dạng bát úp, đỉnh bằng, sườn thoải (50-150) và được cấu tạo chủ yếu từ đất đá phong hóa của trầm tích lục nguyên, ít hơn có trầm tích Đệ tứ mềm rời đa nguồn gốc. Thuộc lãnh thổ này có vùng gò đồi ven sông Ô Lâu (các xã Phong Thu, Phong Mỹ), các xã Phong An, Phong Xuân, Phong Sơn, khu vực ven sông Hữu Trạch từ lăng Minh Mạng đến Bình Điền. Gò đồi thấp chiếm diện tích lớn nhất (trên chiều dài 30km) từ phía Tây thành phố Huế, qua Thủy Phương, Thủy Dương, Thủy Châu, Thủy Phù, Lộc Bổn, Lộc Sơn, Xuân Lộc, Lộc An, Lộc Hòa.

Đồi trung bình phân bố trên diện tích rộng 275km2, tương ứng với 38,59% diện tích lãnh thổ gò đồi. Được cấu tạo từ trầm tích lục nguyên, đôi nơi từ granit bị phong hóa mạnh. Chủ yếu là cụm hoặc dãy gồm nhiều đồi liên kết lại, có độ cao 50-125m, tuy nhiên, trên lãnh thổ đồi trung bình vẫn gặp một số đồi cá biệt vượt qua 125m, thậm chí trên 200m như: núi Nhà Nhạn 211m, núi Động Lợi 200m, núi Mồ Cáu 201m. Đồi trung bình phần lớn tập trung ở Hương Trà (xã Hương Bình), Hương Thủy (Dương Hòa, Phú Sơn).

Đồi cao bao trùm diện tích trên 152km2, chiếm 21,34% diện tích vùng gò đồi. Đây là lãnh thổ có lớp phủ thực vật, nằm kế cận núi thấp, núi trung bình và tập trung chủ yếu ở Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc. Độ cao tuyệt đối của đồi cao phổ biến từ 125 đến 250m, nhưng đó đây vẫn gặp một số đỉnh cao trên 250m: núi Thông Cùng 321m, núi Mỏ Tàu 312m... Đồi cao cũng thường quy tụ thành cụm hoặc dãy, có sườn dốc và bị chia cắt mạnh. Trên lãnh thổ địa hình gò đồi có một số vùng, đồi hay núi sót cá biệt xứng danh di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh: chiến khu Hòa Mỹ, Dương Hòa, động Tranh 143m, động Sầm 78m, núi Bân 41m, núi Ngự Bình 103m, núi Thiên Thai 108m, núi Châu Sơn 46m, núi Ngọc Trản 42m, đồi Vọng Cảnh 82m, động Kiều 85m, vùng đồi Thiên An cao sàn sàn 30-35m với đỉnh nổi cao Thiên Thai 125m.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]
Các bài khác