Bùi Công Trừng, sinh ngày 21 tháng Giêng năm Nhâm Dần (1902), quê làng Xuân Dương, nay thuộc phường Phú Hậu, thành phố Huế. Ông xuất thân từ một gia đình Nho học, học Trường Quốc Học Huế. Từ năm 1916, ông vào Sài Gòn lao động kiếm sống, dạy học, viết các báo Đông Pháp, An Nam trẻ (Jeune Annam). Năm 1925, ông tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh.
Có lần, Bùi Công Trừng thay mặt nhóm “An Nam trẻ” từ Sài Gòn ra Huế, gặp cụ Phan Bội Châu, trao thư phản đối chủ trương “Pháp - Việt đề huề”.
Bùi Công Trừng được tiếp xúc với sách báo Mácxít từ năm 1925. Năm 1926, ông được tổ chức bố trí bí mật sang Pháp tham dự Hội nghị quốc tế nhà báo. Được sự giúp đỡ của Vernèche, ông đã viết một bức giác thư gửi Chính phủ Pháp đòi độc lập cho Việt Nam và gửi tới Đại hội Phản đế đồng minh ở Bruxelles - thủ đô nước Bỉ. Năm 1927, Bùi Công Trừng được giới thiệu đến học ở Trường Đại học Phương Đông tại Moskva, cùng sinh hoạt trong nhóm với Trần Phú, Bùi Lâm, Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trì, Nguyễn Xích.
Tháng 7/1930, Bùi Công Trừng về nước, hoạt động công tác cổ động tuyên truyền của Trung ương Đảng tại Sài Gòn. Tháng 2/1931, ông bị thực dân Pháp bắt. Tháng 6 năm 1932, ông bị đày ra Côn Đảo. Được trả tự do, ông về hoạt động ở Huế cùng với Phan Đăng Lưu. Năm 1937, ông cùng với Hải Triều, Nguyễn Cửu Thạnh, Lâm Mộng Quang, Lê Bồi, Hà Thế Hanh... biên tập tờ báo Dân, báo của Xứ ủy Trung Kỳ do Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Đến năm 1940, ông lại bị bắt đưa đi an trí ở Kon Tum, cuối năm 1944 ông mới vượt ngục vào Nam. Bộ tham gia Xứ ủy và lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ. Từ tháng 2/1946, ông được điều động ra Trung ương và được giao nhiều trọng trách trong các ngành kinh tế, tài chính, quản lý khoa học - kỹ thuật.
Ông nghỉ công tác từ năm 1964 và mất tại Hà Nội năm 1977.