Bình phong và non bộ trong kiến trúc cung đình Huế
  

Huế xưa nay vốn nổi tiếng với nghệ thuật kiến trúc cảnh quan mang đậm tính chất phong thủy. Trong các yếu tố của nghệ thuật kiến trúc truyền thống Huế, bình phong và non bộ đương nhiên là những yếu tố không thể thiếu.

Bình phong xuất phát từ các yếu tố “triều”, “án” trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Non bộ lại là sự kết hợp giữa nước (thủy) và đá (thạch), chức năng ban đầu chủ yếu là kết hợp với bình phong để cản bớt hỏa khí, “tụ thủy, tích phúc” cho gia chủ. Về sau bình phong, non bộ mới kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật và dẫn dần trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống.

Đối với bình phong cổ, hiện nay Huế vẫn còn giữ được hàng chục chiếc với đủ loại chất liệu: gỗ, đan mây, vải, bạc - vàng, đá, xây gạch... trong đó phổ biến nhất là loại hình bình phong xây bằng gạch đá. Đây cũng là loại bình phong có kích thước lớn, đặt ngoài trời, thường được trang trí công phu bằng cách chạm trổ (đá), ghép sành sứ với các biểu tượng và mô típ của nghệ thuật truyền thống (phúc- lộc- thọ- hỷ hay các linh vật như long, lân, quy, phụng, long mã...).

Lăng Tự Đức là khu di tích còn bảo tồn được nhiều bức bình phong cổ có chất lượng nghệ thuật cao. Tiêu biểu là chiếc bình phong phía sau Ích Khiêm Các - thuộc Khiêm Cung. Đây là một trong những chiếc bình phong trang trí tứ linh hiếm hoi còn bảo tồn khá nguyên vẹn.

Bình phong được xây gắn với tường thành giới hạn phía sau của Khiêm Cung, hình chữ nhật, kích thước lớn mỗi chiều đến vài mét. Trên đầu bình phong đắp nổi hình đôi rồng chầu về mặt trời. Hình tượng tứ linh với 4 linh vật long-lân-quy-phụng được thể hiện hết sức sinh động bằng cách ghép mảnh sành sứ ngay trên phần thân của bình phong. Bốn linh vật này được bố trí theo các cặp phạm trù đối xứng: Long (Thái dương) - Quy (Thiếu âm) và Phụng (Thái âm) - Lân (Thiếu dương), và cùng hướng vào biểu tượng Thái cực được thể hiện cách điệu dạng hình mặt trời có các cụm mây xoắn viền quanh.

Bình phong ở Lăng Khiêm Thọ

Ngoài chiếc bình phong trên, phía trong cửa Huy Khiêm thuộc Khiêm Cung còn có chiếc bình phong Ngoài chiếc bình phong trên, phía trong cửa Huy Khiêm thuộc Khiêm Cung còn có chiếc bình phong trang trí long mã rất đẹp. Long mã hình dáng tựa kỳ lân nhưng đang chạy trên mặt nước, trên lưng chở Hà đồ, thần thái hết sức sinh động.

Khu vực lăng Khiêm Thọ của Lệ Thiên Anh hoàng hậu ở phía bên kia hồ Lưu Khiêm cũng có bức bình phong Loan - Phụng rất độc đáo nằm sau cổng chính. Đây là bức bình phong được trang trí bằng cách ghép sành sứ màu với số lượng rất lớn. Hình loan, phụng được thể hiện thành một đôi theo tư thế đối xứng, đầu chầu về hình mặt trời đặt ở chính giữa, đuôi vươn cao và xoè rộng như đang múa. Toàn bộ mô típ trên được đặt trong một hình tròn biểu tượng cho bầu trời, bên ngoài có 4 dây hoa cúc đặt ở 4 góc làm giới hạn cho hình vuông, biểu tượng của mặt đất theo quan điểm phương Đông truyền thống.

Ngoài lăng Tự Đức, tại các khu di tích cung đình khác như cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Thái Bình Lâu (trong Hoàng Thành), điện Voi Ré, lăng Cơ Thánh (tức lăng Sọ)...cũng còn giữ được một số chiếc bình phong được xây dựng công phu và có giá trị nghệ thuật cao.

Non bộ trong kiến trúc cung đình có mặt ở rất nhiều nơi trong các cung điện, vườn cảnh, với trình độ nghệ thuật điêu luyện, hàm chứa những triết lý nhân sinh độc đáo. Trải qua thời gian với các biến động lịch sử, hầu hết các non bộ nguyên thủy đã bị hủy hoại hay bị biến dạng qua các lần sửa sang trước đây. Hiện trong quần thể di tích cố đô chỉ còn một số ít non bộ còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn và đây là nguồn tư liệu vô giá cho công tác nghiên cứu, bảo tồn loại hình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt này.

Non bộ trong Đại nội Huế

Một trong những non bộ tiêu biểu hiện còn là hòn non bộ lớn phía sau Thái Bình Lâu. Đây là một non bộ có quy mô lớn, hình dáng được tạo dựng công phu, có giá trị khá cao về mỹ thuật. Tuy nhiên non bộ trên đã trải qua một số lần tu sửa và những đợt tu sửa này đã gây ảnh hưởng đến mỹ thuật cùng tính nguyên gốc của công trình.

Ở hồ Tân Nguyệt, phía trước cung Trường Sanh cũng có một non bộ được tạo dựng công phu. Quy mô của non bộ này cũng khá lớn, hình dáng kỳ vĩ, có cầu đá bắc qua mặt hồ để nối với bên kia bờ. Đáng tiếc là non bộ này đã bị một số cây lớn mọc lâu năm làm phá vỡ khá nhiều chi tiết.

Tại cung Diên Thọ, trong hồ vuông của Trường Du Tạ cũng có một non bộ có cấu trúc và phong cách khá giống non bộ của cung Trường Sanh. Xem xét về cấu trúc thì có thể thấy chiếc non bộ này đã được chỉnh sửa một số lần, mới đây nó lại được tu bổ qua đợt trùng tu cụm di tích cung Diên Thọ.

Nhưng có lẽ đẹp nhất và còn bảo tồn được nguyên vẹn nhất là non bộ sau gác Ích Khiêm của lăng Tự Đức. Tức là non bộ đặt phía trước chiếc bình phong tứ linh đã đề cập. Đây là chiếc non bộ được xếp đặt cực kỳ công phu và gần như chưa có bất kỳ sự tu sửa nào.

Cũng tương tự như các non bộ ở cung Diên Thọ, cung Trường Sanh về kỹ thuật xây dựng (đều dùng kỹ thuật xây đắp đá trên nền bệ đỡ bằng gạch vồ), nhưng non bộ này không thể hiện theo kiểu “Tam sơn” (3 hòn núi thần trên biển theo truyền thuyết), mà có chủ đề kiểu “Quần long đại hội” (9 con rồng họp về). Hình tượng 9 con rồng được thể hiện bằng các khối đá với những hình dáng phong phú, có sức gợi mở trí tưởng tượng rất cao. Rõ ràng là ở đây đã có sự phối hợp khăng khít giữa các hình tượng được thể hiện trên bình phong và non bộ (Thái cực - Lưỡng nghi - Tứ linh - Cửu long).

Vốn xưa khi vua Tự Đức còn tại thế, Khiêm Cung đóng vai trò là một ly cung đặc biệt của hoàng đế triều Nguyễn. Trong suốt 16 năm cuối đời, vua Tự Đức thường lên đây, mỗi đợt thường ở lại nhiều ngày để tránh xa chốn kinh thành náo nhiệt và đa sự. Khiêm Cung có đầy đủ các yếu tố của một cung điện hoàn chỉnh, lại có cả cấu trúc của một ngự uyển để nhà vua nghỉ ngơi, thư giãn. Hồi ấy, ngoài khu vực cảnh quan lớn bố trí dọc theo và bên kia hồ Lưu Khiêm, khu vực phía sau điện Lương Khiêm cũng là một hoa viên với trung tâm là gác Ích Khiêm, có trường lang nối ra hai phía, xung quanh có cả chục bồn hoa lớn nhỏ, hàng chục chậu cảnh chạm từ đá thanh rất cầu kỳ . Non bộ và bình phong tứ linh là điểm nhấn quan trọng của hoa viên, đấy là lý do vì sao chúng đều được xây dựng, tạo tác hết sức công phu.

Việc nghiên cứu hệ thống bình phong, non bộ cổ sẽ góp phần giải mã nhiều vấn đề thú vị của phong thủy được áp dụng trong kiến trúc truyền thống, nhất là trong kiến trúc cung đình Huế. Bên cạnh đó, những bình phong, non bộ cổ nói trên còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vì vậy nghiên cứu kỹ những tác phẩm này sẽ giúp chúng ta lí giải được nhiều vấn đề về mỹ thuật truyền thống Huế. Nhưng vấn đề đang đặt ra hiện nay là chúng ta chưa chú ý đầu tư nghiên cứu kỹ những tác phẩm nghệ thuật nói trên. Mặt khác, phần lớn người chơi cây cảnh, non bộ hiện nay đều chịu ảnh hưởng của trường phái non bộ, cây cảnh của Nhật Bản (trường phái mới du nhập vào nước ta từ thập niên 60 của thế kỷ XX) mà lại ít am hiểu về nghệ thuật non bộ, cây cảnh truyền thống với những triết lý rất sâu sắc và nhân ái của người Việt. Thực trạng hệ thống cây cảnh, non bộ được trưng bày trên nhiều di tích Huế hiện nay đã và đang thể hiện rất rõ điều này. Vì vậy, chúng ta cần có sự điều chỉnh kịp thời trong công tác nghiên cứu và bảo tồn hệ thống bình phong, non bộ trong kiến trúc cổ.

Người viết muốn nhấn mạnh rằng, để phục nguyên các di tích thì không chỉ phục hồi các công trình kiến trúc mà cảnh quan, môi trường và các yếu tố phụ trợ cũng hết sức quan trọng. Việc nghiên cứu, bảo tồn hệ thống bình phong, non bộ cổ của Huế sẽ góp phần quan trọng trong việc trả lại cho các di tích xưa đúng diện mạo vốn có, đồng thời chuẩn bị cho công tác phục hồi các khu vườn ngự uyển của cố đô.

Theo TTBTDTCĐ Huế

 

 

 Bản in]