Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn
  
Bảo tàng do nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn đầu tư xây dựng (ảnh minh họa)
Bảo tàng do nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn đầu tư xây dựng (ảnh minh họa)

Địa chỉ: 114 Mai Thúc Loan, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế

Thời gian: Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến chủ nhật, giá vé: 30.000đ

Tọa lạc tại số 114 Mai Thúc Loan, thành phố Huế, Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn là Bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Huế do nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn tự bỏ số tiền gần bốn tỷ đồng để xây dựng trên cơ sở phục dựng nguyên trạng chính ngôi nhà cổ vốn là tư gia của cụ Trần Đình Bá, Thượng thư Bộ hình triều Nguyễn, là cố nội của ông Trần Đình Sơn.

Đồ sứ ký kiểu là tên gọi dùng để chỉ những món đồ sứ do người Việt Nam (hoàng đế, quan lại, thường dân) đặt làm tại các lò gốm Trung Hoa trong khoảng thời gian nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề.

Thời Nguyễn (1802-1945), các đoàn sứ bộ đi sứ sang Trung Hoa ngoài nhiệm vụ chính như cầu phong, tạ ơn, cáo thụ, chúc mừng, còn kiêm thêm việc đặt làm đồ sứ cho triều đình, chủ yếu dưới các đời hoàng đế: Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883), Khải Định (1916-1925).

Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn phong phú về chủng loại, kiểu dáng, đa dạng về đề tài và hoa văn trang trí. Ngoài những đề tài dựa theo yêu cầu đặt hàng như danh lam thắng cảnh ở Huế và vùng phụ cận cùng với thơ văn minh họa bằng chữ Hán và chữ Nôm, còn có các đề tài kinh điển khác như: tứ linh, phong cảnh, nhân vật, điển tích, tứ quý, bát tiên... Đồ sứ ký kiểu của mỗi hoàng đế triều Nguyễn đều có hiệu đề riêng.

Đây là lần đầu tiên những cổ vật quý hiếm do bàn tay của nhiều thế hệ nghệ nhân chế tác trong gần 200 năm trước được trưng bày tại một bào tàng tư nhân đầu tiên ở Huế. Tại lễ khánh thành, nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn cũng đã khai tương phòng trưng bày bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu “Tinh hoa thủ công mỹ nghệ thời Nguyễn” với hơn 200 hiện vật được chế tác để phục vụ “tứ thú” (bốn thú vui) trong sinh hoạt truyền thống của người Việt: ăn trầu, uống trà, hút thuốc và uống rượu. Những tiêu bản của bộ sưu tập gồm các loại khay, quả, hộp, bình vôi, dao, ống xoáy, ống nhổ; các loại ấm chén, kỷ, khay, tô, hũ, chóe, lò, siêu; các loại điều ống, điếu bát, điều cày, tẩu, hộp; các loại bình, nai, nậm, be, chai, chén, ly, khay, mâm chế tạo bằng gỗ khảm xà cừ, sành sứ ký kiểu, vàng, bạc, ngọc, ngà voi, gốm, đồng, tre…

Kế đến là bộ sưu tập đồ gốm sứ thời Nguyễn quy tụ những vật phẩm quý giá và có một không hai tại Việt Nam như: chiếc bát khắc những lời răn dạy về cách xử thế (đồ sứ kí kiểu thời vua Gia Long); Liễn có hình phong cảnh với đường nét hoa văn tinh tế (đồ sứ kí kiểu thời vua Gia Long); Đĩa trang trí họa tiết hoa lá bằng vàng (đồ sứ kí kiểu thời vua Minh Mạng); Đĩa in hình rồng cẩn vàng (đồ sứ kí kiểu thời vua Khải Định)…Ngoài ra Bảo tàng còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập cổ ngoạn trong và ngoài nước khác nhau.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]