(Theo Báo cáo số 555/BC-UBND ngày 29/12/2022 của UBND tỉnh)
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ NĂM 2022
I. Tình hình và kết quả đạt được
1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ
Tập trung phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Nghị định để triển khai thực hiện. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết 38/2021/QH15 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế. Đặc biệt, ngày 21/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 02 Nghị quyết: Số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (trong đó có tính đến yếu tố đặc thù đối với Thừa Thiên Huế).
- Tỉnh đã ban hành Kế hoạch 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình số 12-CTr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh uỷ (khoá XVI) về việc thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính hoàn thành dự thảo Nghị định về việc thành lập và quy chế hoạt động Quỹ Bảo tồn di sản Huế và đã được Chính phủ ban hành Nghị định 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022 về việc thành lập và quy chế hoạt động Quỹ Bảo tồn di sản Huế.
- Tập trung triển khai thực hiện lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thành công Hội thảo Quy hoạch tỉnh và phương án mô hình các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương; cơ bản hoàn thành Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế”; Đề án xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.
- Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Tình hình phát triển kinh tế
a) Lĩnh vực dịch vụ:
- Hoạt động du lịch: Tháng 12/2022, lượng khách du lịch ước đạt 196,6 nghìn lượt, gấp 9,6 lần so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch ước đạt 437,3 tỷ đồng, gấp 15,8 lần. Khách du lịch cả năm ước đạt 2,05 triệu lượt khách, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch ước đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 3,8 lần.
- Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 12/2022 ước đạt 4.727 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 12 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 52.296,4 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ, vượt 16% KH. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 ước tăng 3,5% so với cùng kỳ (CPI tháng 12 ước giảm 0,2% so với tháng trước).
- Hoạt động xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 158,9 triệu USD, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ; lũy kế KNXK 12 tháng ước đạt đạt 1.230 triệu USD, tăng 11,4%, vượt 9% KH, thị trường xuất khẩu đến 39 quốc gia, trong đó chủ yếu từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước Châu Âu,… Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa tháng 12 ước đạt 100 triệu USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ; lũy kế KNNK 12 tháng đạt 850 triệu USD, tăng 6,3%, vượt 13% KH.
- Hoạt động ngân hàng: Ước đến cuối tháng 12/2022, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 61.000 tỷ đồng, tăng 9,67% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng đạt 74.000 tỷ đồng, tăng 16,9%. Nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức 422 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,57%.
- Hoạt động vận tải: Tháng 12/2022, vận tải hành khách ước đạt 2.376,4 nghìn hành khách, tăng 1,4% so với tháng trước và gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.637,4 nghìn tấn, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 359,9 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ.
Lũy kế 12 tháng, vận tải hành khách ước đạt 22.544,5 nghìn lượt khách, tăng 48,9% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 18.535,6 nghìn tấn, tăng 16,5%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 3.975,3 tỷ đồng, tăng 24,1%.
b) Lĩnh vực công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 12 ước tăng 6,8% so với cùng kỳ. Tính chung 12 tháng, chỉ số IIP tăng 7,4% so với cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp khai khoáng ước giảm 12,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện, nước đá ước tăng 27,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 1,8%.
Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng: Bia 312,4 triệu lít, tăng 18,3% so với cùng kỳ (trong đó: bia lon 207 triệu lít, tăng 23,7%; bia chai 105,4 triệu lít, tăng 8,8%); sợi các loại 106 nghìn tấn, tăng 10,8%; quần áo lót 426,6 triệu cái, tăng 2,8%; điện sản xuất 2.010,8 triệu KWh, tăng 34,5%; dăm gỗ 814,6 nghìn tấn, tăng 21,2%; men Frit 292,9 nghìn tấn, tăng 10%; vỏ lon nhôm 15,7 nghìn tấn, tăng 6,7%;....
Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng giảm: clanhke 2.002,9 nghìn tấn, giảm 14,3%; xi măng 1.903 nghìn tấn, giảm 4,9%;....
c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp:
- Trồng trọt: Diện tích lúa cả năm ước đạt 52.496 ha, giảm 1.454 ha so với năm 2021; trong đó lúa chất lượng cao đạt trên 19.582 ha, tăng 3.000 ha, đã chuyển 345,6 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng khác. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 94%. Sản lượng lúa cả năm ước đạt khoảng 266,8 nghìn tấn, giảm 76 ngàn tấn, năng suất ước đạt gần 50,5 tạ/ha (giảm 13 tạ/ha) do ảnh hưởng thời tiết không ổn định, mưa lớn trái mùa[1].
Diện tích ngô 1.484 ha (tăng 44ha); sản lượng đạt 5.966 tấn (tăng 166 tấn); sắn khoảng 4.100 ha, diện tích cây lạc khoảng 2.400 ha, tỷ lệ giống lạc cao sản chiếm trên 75% và duy trì diện tích rau các loại 4.700 ha, sen 540 ha.
- Chăn nuôi: Ước cả năm, tổng đàn lợn 148.544 con, tăng 4,6% so cùng kỳ; đàn trâu 15.121 con, giảm 1,9%; đàn bò 28.584 con, giảm 1,3%; tổng đàn gia cầm 4,7 triệu con, tăng 2,2%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 32,2 ngàn tấn, tăng 4,1%. Đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch và cơ bản đã khống chế không để lây lan. Tiếp tục thực hiện công tác tiêm phòng vắcxin; tăng cường kiểm tra, quản lý giống, thuốc, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; thực hiện tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch, hố chôn gia súc, tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra các loại dịch bệnh.
- Thủy sản: Ước cả năm, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 7.820 ha, tăng 1,2%. Sản xuất giống ước đạt 200 triệu con tôm, cua cá các loại, tăng 2,5%. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước đạt 60,22 nghìn tấn, tăng 2,6%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 40,99 nghìn tấn, tăng 1,7%, nuôi trồng 19,23 nghìn tấn, tăng 4,7%. Tập trung triền khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “180 ngày hành động” chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).
- Lâm nghiệp: diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh cả năm đạt 6.250 ha, tăng 5,02%; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 647,9 nghìn m3, tăng 4,5%. Tính đến nay diện tích trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 10.926 ha; trong đó FSC: 10.074 ha, VFCS/PEFC: 852 ha.
3. Thu chi ngân sách nhà nước
Thu ngân sách nhà nước 12 tháng ước đạt 12.781 tỷ đồng, vượt 86,3% dự toán và tăng 12,7% so với cùng kỳ; trong đó: thu nội địa 12.167 tỷ đồng, vượt 90,4% dự toán và tăng 14,4%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 580 tỷ đồng, bằng 126,1% dự toán và tăng 2,7%; thu viện trợ, huy động đóng góp 34 tỷ đồng, gấp 3 lần dự toán.
Chi ngân sách địa phương ước đạt 11.791 tỷ đồng (gồm chi từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia), bằng 98,9% dự toán.
4. Tình hình đầu tư phát triển và xây dựng
* Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 12 tháng ước đạt 28.000 tỷ đồng, bằng 100% KH, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
- Phân theo cấp quản lý: Vốn do Trung ương quản lý 7.010 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ; vốn do địa phương quản lý 20.990 tỷ đồng, tăng 12%.
- Phân theo nguồn vốn: Vốn ngân sách nhà nước đạt 6.715 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ; vốn tín dụng đạt 10.400 tỷ đồng, giảm 3,6%; vốn đầu tư của doanh nghiệp 3.280 tỷ đồng, tăng 7,5%; vốn đầu tư của dân 4.735 tỷ đồng, tăng 39,3%; vốn viện trợ nước ngoài 670 tỷ đồng, tăng 18,2%; vốn đầu tư nước ngoài 2.200 tỷ đồng, tăng 13,6%.
* Giải ngân vốn đầu tư công: Tính đến ngày 22/12/2022, đã giải ngân kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (không gồm vốn CTMTQG) là 2.707,647 tỷ đồng/4.266,055 tỷ đồng, đạt 63,5% KH (trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân 1.419,249 tỷ đồng, đạt 66,1% KH; vốn NSTW (vốn trong nước) giải ngân 1.028,492 tỷ đồng, đạt 68,6% KH; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân 259,906 tỷ đồng, đạt 42,1% KH). Chương trình mục tiêu quốc gia[2] đã giải ngân 81,516 tỷ đồng/346,76 tỷ đồng, đạt 23,5% KH. Ước cả năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% tổng kế hoạch vốn, trong đó, giải ngân hết 100% vốn cân đối ngân sách địa phương và khoảng 96% vốn NSTW được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
* Về đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm: Tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia như: Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài,...; theo dõi, đôn đốc, giám sát tiến độ thi công các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương[3]. Đã khởi công các dự án: Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex, dự án Đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2. Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án: đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,…
Hiện nay, một số dự án sản xuất kinh doanh tạo năng lực mới đã đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế[4]. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án triển khai chậm tiến độ như: Tòa nhà của VNPT, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế, Bến thuyền du lịch trên sông Hương, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Hải Dương, Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải mở rộng, Khu nghỉ dưỡng Mộc Lan - Lăng Cô,....
Đôn đốc triển khai thực hiện các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sớm đi vào hoạt động: Nhà máy sản xuất găng tay y tế - Kanglongda; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, thị xã Hương Thủy; Khách sạn Huế Square,...; Tập trung hỗ trợ một số dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng để triển khai: Dự án Nhà máy may mặc tại KCN Quảng Vinh, sản xuất máy biến dòng, nhà máy gia công thạch anh Chân Mây, nhà máy chế biến nông sản. Đã tổ chức lễ khởi động dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hoá và du lịch thông minh” do cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
5. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư
Tính đến 20/12/2022, có 803 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 6.203 tỷ đồng; tăng 34% về lượng và tăng 48% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động 522 doanh nghiệp, tăng 17 doanh nghiệp; giải thể 128 doanh nghiệp, tăng 18 doanh nghiệp; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 461 doanh nghiệp, tăng 102 doanh nghiệp.
Đã cấp phép cho 29 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới với vốn đầu tư cấp mới đạt 14.602 tỷ đồng[5] (gồm 05[6] dự án FDI vốn đăng ký 231,7 triệu USD, tương đương 5.321,5 tỷ đồng); điều chỉnh tăng/giảm vốn đăng ký với vốn tăng thêm sau điều chỉnh 427,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 8 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 5.500 tỷ đồng[7].
Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư được tập trung đẩy mạnh; từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức làm việc với các Tập đoàn lớn: Sovico, Sunshine, Hòa Phát, Tân Á Đại Thành, Alphanam, KMH (Hàn Quốc), AGR (Thái Lan – về xuất khẩu gạo), SermSang (Thái Lan – về năng lượng), Tập đoàn Itochu, Tập đoàn Yoshida Kaiun (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Western Pacific, Tập đoàn Công nghệ Xelex; ký kết Biên bản thảo luận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam; Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham). Tham gia xúc tiến đầu tư, thương mại trong khuôn khổ của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Séc - Châu Âu tại Cộng hòa Séc và Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - vùng Kyushu Nhật Bản. Tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư các hãng tàu container Cảng Chân Mây.
6. Văn hóa - xã hội
- Về khoa học và công nghệ: Ban hành và triển khai nhiều Kế hoạch trọng tâm, trọng điểm của ngành[8]; hoàn thiện đề án tổng thể “Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2021-2025”; Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế; Chương trình Ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tổ chức ngày hội Cố đô khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Diễn đàn Khởi nghiệp mùa xuân năm 2022 kết hợp triển lãm sản phẩm khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2022; Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong phát triển du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế” và tổ chức “Triển lãm sản phẩm du lịch” quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ trong du lịch. Tiếp tục thực hiện Đề án Cố đô khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”. Khai giảng khóa đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số năm 2022 cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2022 với 11 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đã đạt giải cuộc thi và được vinh danh.
- Về văn hóa - thể thao: Tiếp tục xây dựng các đề án lớn thuộc lĩnh vực; triển khai thực hiện các Đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân 77 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; các hoạt động trong khuôn khổ Festival Huế 2022. Ngày hội Áo dài Huế; Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Muôn năm Quốc hiệu Việt Nam”; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng “Câu hò nối những dòng sông” khu vực miền Trung - năm 2022. Tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm: Trang phục truyền thống các nước ASEAN, “Tên Người - Hồ Chí Minh”; “Y quan triều Nguyễn”; trưng bày cổ vật trong dịp Festival Huế 2022, trưng bày hiện vật văn hoá Champa; Ngày hội Lân Huế;... Công bố quyết định thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại Huế. Đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia “Địa điểm chiến thắng Đồi A Bia” xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế. Khai trương Hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR tại Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Tổng lượng khách tham quan di tích đến hết ngày 21/12/2022 là 1.322,4 nghìn lượt, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 208,6 nghìn lượt, gấp 2 lần; khách trong nước 1.113,8 nghìn lượt, gấp 4,5 lần. Doanh thu đạt 191,1 tỷ đồng, gấp 8,7 lần so với cùng kỳ.
Tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX năm 2022. Tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh và cấp quốc gia. Triển khai chương trình Bơi an toàn phòng chống đuối nước. Tăng cường kiểm tra công tác cứu hộ cứu đuối (các bể bơi, suối,...) và các dịch vụ thể dục thể thao.
Cho đến hết ngày 20/12/2022, cả 43 môn thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc lần 9 năm 2022 đã kết thúc. Đoàn thể thao Thừa Thiên Huế tham dự đại hội đã đạt được 39 huy chương (gồm 11 vàng, 13 bạc, 15 đồng), xếp thứ 21/65 đơn vị. Các chỉ số đều vượt gấp đôi so với dự kiến ban đầu (Đại hội 8, năm 2018, Thừa Thiên Huế chỉ đạt 3 huy chương vàng, xếp thứ 43/65). Đây là kỳ đại hội thành công ngoài mong đợi của Thể thao Tỉnh nhà.
- Về giáo dục và đào tạo: Triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về việc xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tổ chức khai giảng năm học mới năm học 2022 – 2023[9]; Công bố quyết định thành lập trường THPT chuyên Khoa học Huế. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 96,76% (năm 2021 đạt 97,01%). Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức lễ trao học bổng Vallet cho 230 học sinh, sinh viên xuất sắc trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022. Tổ chức lễ tuyên dương "Học sinh danh dự toàn trường" năm học 2021 - 2022 ở các cấp học trên địa bàn tỉnh. Tổ chức nhiều hoạt động nhân ngày Ngày Nhà giáo việt Nam 20/11.
Đại học Huế giữ vững quy mô đào tạo với 44.027 sinh viên chính quy, 15.756 sinh viên hệ vừa làm vừa học, 4.099 sinh viên hệ đào tạo từ xa, 4.196 học viên cao học, 253 nghiên cứu sinh, 1.202 Bác sĩ chuyên khoa cấp I, 235 Bác sĩ chuyên khoa cấp II, 316 Bác sĩ nội trú. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh đại học và sau đại học năm học 2022; tuyển sinh đại học đạt trên 91% chỉ tiêu tuyển sinh; dự kiến tuyển sinh 2673 chỉ tiêu cao học và 200 nghiên cứu sinh. Lần đầu tiên Đại học Huế được xếp hạng chính thức bảng xếp hạng Times Higher Education - THE 2023 (một trong 6 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng)”.
- Về y tế: Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được thực hiện tốt. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong lĩnh vực y tế, rà soát lại danh mục và đăng ký bổ sung các dự án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư dự kiến 622 tỷ đồng[10]; tập trung công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bằng nhiều hình thức. Tính đến ngày 24/12/2022, Tỉnh đã triển khai 45 đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và đã thực hiện tiêm 2.946.565 liều vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 5 tuổi trở lên.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước Tết và hoạt động kinh doanh tại các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở thẩm mỹ. Triển khai đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh BHYT với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ phục vụ hoạt động khám chữa bệnh và thanh toán BHYT dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến.
- Về lao động việc làm, an sinh xã hội: Ước thực hiện năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 người, vượt 4,3% so với kế hoạch; trong đó đưa lao động đi làm việc nước ngoài 1.500 người, đạt 75% so với kế hoạch.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh ước 15.000 người, trong đó: 4.000 học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp THCS, THPT học trình độ cao đẳng, trung cấp và 11.000 người học trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 68%.
Tập trung thực hiện Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 09/6/2022 của UBND tỉnh về việc tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022)[11]; tổ chức Lễ trao bằng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt nam anh đối với 06 trường hợp và 02 Huân chương độc lập và các hình thức khen thưởng Nhà nước. Tổ chức đưa thân nhân liệt sĩ đi nhận bằng Tổ quốc ghi công tại tỉnh Nghệ An; đưa Đoàn người có công tiêu biểu của tỉnh tham dự Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ và Gặp mặt người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 22-24/7/2022; đưa Đoàn người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu của tỉnh thăm thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam….
Tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch công tác về người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2026 trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp trí tuệ, tinh thần, vật chất xây dựng quê hương.
Triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về Giảm nghèo bền vững, xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025. Tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Ước đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo còn 13.691 hộ, chiếm tỷ lệ 4,13% đạt kế hoạch đề ra.
Công tác hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19:
Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg: Tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ: 182.363 người, với tổng kinh phí: 136,584 tỷ đồng, trong đó: Nguồn Bảo hiểm xã hội, ngân hàng CSXH: 86.838 người, với kinh phí: 30,434 tỷ đồng; Nguồn ngân sách Trung ương (60%) và tỉnh (40%): 76.276 người, với kinh phí: 76,630 tỷ đồng; Nguồn ngân sách tỉnh (100%, Nghị quyết 84 hỗ trợ lao động tự do, đối tượng đặc thù): 19.249 người, với kinh phí: 29,519 tỷ đồng
Hỗ trợ người điều trị nhiễm COVID-19 (F0), (F1): Tính đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có quyết định phê duyệt hỗ trợ cho 69.968 lượt người với tổng kinh phí 60,80 tỷ đồng. Cụ thể: Hỗ trợ tiền ăn 49.694 F0, F1 cách ly tại nhà với kinh phí 40,515 tỷ đồng; Hỗ trợ thêm cho 20.326 trẻ em, NKT, NCT là F0, F1 với kinh phí 20,326 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg (đến ngày 31/8/2022 đã hoàn thành): Đã hỗ trợ cho 261 đơn vị, với 1.694 lao động, tương ứng 2,308 tỷ đồng.
7. Cải cách hành chính
Đã tiến hành rà soát lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền; quy trình nội bộ, quy trình điện tử; đồng thời, thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thuộc thẩm quyền tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tiến hành công bố Danh mục TTHC chuẩn hóa một số lĩnh vực theo thẩm quyền của đơn vị. Tập trung hoàn thiện, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; đảm bảo chỉ số xếp hạng Chính quyền điện tử luôn nằm ở nhóm đầu toàn quốc.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh với sản phẩm “Nền tảng số hoá dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” tiếp tục được bình chọn là sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam, được công nhận Giải thưởng Sao Khuê năm 2022 và giành giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 ở hạng mục Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh ở hạng mục "Chính phủ số" trong 6 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam vừa xuất sắc giành giải thưởng CNTT của tổ chức Công nghiệp điện toán khu vực Châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO). “Nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S)” vinh dự giành được Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022 ở Top 10 Hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho Xã hội số.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2021 đạt các kết quả vượt bậc: chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng đầu cả nước; chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 08 toàn quốc, tăng 9 bậc; ứng dụng CNTT (ICT-index) giữ ngôi vị thứ 2; Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) xếp thứ 4.
8. Công tác đối ngoại, quốc phòng - an ninh
- Công tác đối ngoại: Đã tiếp, làm việc với 504 đoàn khách quốc tế/2215 lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư – thương mại, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế (tăng 419 đoàn/1935 lượt người so với cùng kỳ). Tổ chức Gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (05/9/1962-05/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977-18/7/2022). Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường triển khai trao đổi hợp tác quốc tế theo chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; tiếp tục theo dõi việc xúc tiến, triển khai quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Nga, Thái Lan, Lào, Hy Lạp, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ý...; tham gia các hội nghị về kinh tế đối ngoại[12]; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các đối tác nước ngoài; triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh thông qua hình thức “đối ngoại trực tuyến”. Công tác đối ngoại tiếp tục phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Quốc phòng, an ninh: Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2022. Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh năm 2022; diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý. Tổ chức ra quân mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Tổ chức Hội nghị hiệp đồng giao nhận quân năm 2023 giữa địa phương giao quân với các đơn vị nhận quân.
An toàn giao thông: Từ đầu năm đến ngày 14/12/2022, đã xảy ra 259 vụ tai nạn giao thông, tăng 39 vụ so với cùng kỳ; làm chết 182 người, tăng 43 người; bị thương 151 người, tăng 07 người.
B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM 2023
1. Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, Nghị quyết 83/NQ-CP, Nghị quyết 38 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế; Chương trình hành động 69-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW; Chương trình 12-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 38 của Quốc hội; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Tập trung xây dựng hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ các quy hoạch, đề án: Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế.
Tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030, Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế
2.1. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao để kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao khả năng chi tiêu của du khách. Tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, nhất là giải pháp về công nghệ số, phát triển thị trường, sản phẩm và chiến lược quảng bá du lịch; xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và khởi công mới các dự án hạ tầng kết nối các điểm du lịch. Xúc tiến đầu tư khai thác các đường bay mới từ các thị trường du lịch tiềm năng; kết nối các hãng lữ hành lớn. Đầu tư phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng. Chú trọng kết nối, tiêu thụ sản phẩm của địa phương.
2.2. Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao. Tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn.
2.3. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản. Phát triển các cánh đồng mẫu lớn. Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị; củng cố và phát triển tổ chức hợp tác xã. Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP. Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức đội tàu khai thác hợp lý; phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần, tăng hiệu quả đánh bắt. Phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, trồng cây bản địa, cây dược liệu, rừng ven biển, đầm phá, rừng ngập ngọt. Triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
3. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị
Thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023. Tập trung hoàn thành đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế. Chủ động phối hợp triển khai các dự án Trung ương triển khai trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công vốn ngân sách tỉnh. Sớm triển khai các công trình trọng điểm như đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài... Đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài; tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2. Quan tâm hỗ trợ các dự án có quy mô lớn: sản xuất găng tay y tế (Kanglongda), sản xuất, lắp ráp ô tô (Kim Long), trung tâm thương mại (Aeon Mall), các dự án tại khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị mới An Vân Dương, dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển...
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu. Phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Chương trình phát triển đô thị tỉnh. Tập trung đầu tư các đô thị bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp với đề án thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV; xây dựng hạ tầng đô thị Chân Mây; nâng cấp và từng bước hình thành một số đô thị mới đạt tiêu chí đô thị loại V, các xã thành phường, các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đầu tư nâng cấp một số tuyến đường nội thị quan trọng ở các đô thị. Tiếp tục đầu tư xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại. Nghiên cứu di dời mồ mả phân tán, nhỏ lẻ trong khu vực đô thị đến địa điểm mới theo quy hoạch.
4. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp
Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, DTI.
Nâng cao tính sẵn sàng đối với các dự án kêu gọi đầu tư, bảo đảm triển khai được ngay khi có nhà đầu tư. Ưu tiên xúc tiến, kêu gọi đầu tư bằng các hình thức phù hợp, hiện đại. Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án đầu tư đang triển khai đầu tư. Quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng. Rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư theo đúng quy định.
5. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách gắn với nâng cao hiệu quả quản lý
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý thu, chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành ngân sách, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Rà soát, huy động đủ nguồn lực để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên chi đầu tư phát triển, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp bách, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Tăng cường khai thác nguồn thu vãng lai; kinh doanh qua mạng; bán đấu giá quyền sử dụng đất...
Triển khai có hiệu quả thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, Đề án “Chống thất thu trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn thuế, nợ thuế.
7. Phát triển văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân
Tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng 4 trung tâm: văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ gắn với giảm nghèo bền vững.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di sản, di tích; xây dựng các thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các phong trào, cuộc vận động trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận Ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hiện tốt kế hoạch tổ chức Festival Huế 2023.
Nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục thông minh, trường học kiểu mẫu. Xây dựng, phát triển Đại học Huế thành Đại học quốc gia gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế tỉnh. Triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo số lượng được phân bổ của Bộ Y tế. Tăng cường nhân lực y tế cho nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, gắn kết chặt chẽ Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế và hệ thống y tế địa phương.
Xây dựng đề án thành lập Khu Công nghệ cao, phấn đấu thành lập Khu công nghệ cao quốc gia tại tỉnh. Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung; hình thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh. Xây dựng Đề án phát triển Bảo tàng thiên nhiên Duyên hải miền Trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia khu vực miền Trung.
Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Triển khai quyết liệt các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững.
8. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; bảo vệ tài nguyên, môi trường và phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu
Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh, trọng tâm là chất lượng huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Triển khai tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương năm 2023, làm tốt công tác tuyển quân. Tăng cường quốc phòng, an ninh; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Mở các đợt cao điểm tấn công, kiềm chế các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, cờ bạc, tín dụng đen. Có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giữ vững quan hệ với các tỉnh của nước bạn Lào.
Tiếp tục phát huy phong trào “Chủ nhật xanh” với nhiều hoạt động đa dạng, thực chất nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải. Tăng cường công tác quản lý và chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Chú trọng công tác phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
9. Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng chính quyền điện tử
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Triển khai và thực hiện tốt công tác phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng tham mưu của các cơ quan, ban, ngành. Đẩy nhanh việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ban hành và triển khai tốt Đề án chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế; đẩy mạnh phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Tích cực phối hợp triển khai chương trình ký kết hợp tác với các tập đoàn viễn thông về đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý các vụ việc nổi lên. Thực hiện tốt quy định về tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng thời gian, quy định, không để tồn đọng kéo dài và khiếu kiện vượt cấp. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
[1] đặc biệt đã có giống lốc và mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng trong đầu tháng 4, mức thiệt hại khoảng 936 tỷ đồng
[2] theo Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ
[3] Gồm Dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế (hợp phần tu bổ, tôn tạo và đền bù, GPMB và tái định cư); Phục hồi Điện Kiến Trung-Tử Cấm Thành; Đường Phú Mỹ - Thuận An, huyện Phú Vang; đường Chợ Mai - Tân Mỹ; đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ-Phú Đa); Đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc; Đường phía Đông đầm Lập An; Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh;....
[4] XD Nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Hue Premium Silica), Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, Nhà máy thủy điện sông Bồ, Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An, TT TMDV – giải trí Nguyễn Kim....
[5] Trong đó 1 số DA có qui mô lớn: Tổ hợp TMDV kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu với tổng vốn 4.280 tỷ đồng; Trung tâm TM AEON MALL Huế của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam với tổng vốn 169,67 triệu USD (3.916 tỷ đồng),....
[6] Dự án: NM SX trang phục lót và hàng thể thao của Cty Scavi Huế 25 triệu USD (575 tỷ đồng); NM may JA VN của Cty TNHH JAVN Hong Kong Limited 34,5 triệu USD (773,3 tỷ đồng); XD nhà xưởng để cho thuê của Công ty CP Hello Quốc tế VN 1,5 triệu USD (34,5 tỷ đồng); TT TM AEON MALL Huế 169,67 triệu USD (3.916 tỷ đồng); DA XD trạm bơm và đường ống cấp nước SX NM xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn 999.493 USD (22,7 tỷ đồng).
[7] Tr.đó: DA Khu nghỉ dưỡng sinh thái ven biển tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế 2.080 tỷ đồng; Dự án Trung tâm logistics Chân Mây 1.514 tỷ đồng
[8] Như: “Xây dựng TT-Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030”; “KH triển khai CTHĐ thực hiện chủ trương, chính sách tham gia cuộc CM CN 4.0 năm 2022”; Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các SP dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”; Đề án “Cố đô Khởi nghiệp năm 2022”; QĐ ban hành DM sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; NQ về ứng dụng KH và CN vào SX NN công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế;….
[9] Năm học này, toàn tỉnh có hơn 280.000 học sinh, trong đó có gần 66.000 trẻ mầm non, 106.000 học sinh Tiểu học, 68.000 học sinh THCS, 38.000 học sinh THPT và gần 3.000 học viên Giáo dục Thường xuyên
[10] Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 của HĐND tỉnh về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết số 95/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 của HĐND tỉnh về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho BVĐK Bình Điền và TTYT huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết số 94/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 của HĐND tỉnh về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 31 Trạm Y tế tuyến xã, tỉnh Thừa Thiên Huế
[11] Kết quả: Đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, đồng chí Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công (với tổng số tiền 65tr đồng), thăm và tặng quà 01 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 02 anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bộ Ngoại giao đã thăm và tặng quà Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công với số tiền 100tr đồng; Bộ Quốc phòng thăm và tặng quà Trung tâm với số tiền 34tr đồng. Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà đối với 165 gia đình người có công tiêu biểu, thăm và tặng quà Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh, Đội quy tập mộ 192 – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản trang nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế; dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền. Các huyện, thị xã, thành phố Huế, trong dịp này đã có hơn 43.561 suất quà được trao tặng đến người có công và gia đình người có công với tổng kinh phí hơn 11,785 triệu đồng. Tiếp nhận và tổ chức trao quà của Công ty TNHH thương binh nặng Hòa Bình đối với thương binh nặng 81% trở lên, mỗi suất quà là 02 bộ áo quần cựu chiến binh và số tiền 1tr đồng/người (thời gian từ 19/7 đến 19/8/2022).
[12] Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022” khu vực miền Trung - Tây Nguyên; (2) Sự kiện trao chủ trương chấp thuận Công ty TNHH AeonMall Việt Nam thực hiện dự án TT TMDV tại tỉnh trong khuôn khổ chương trình làm việc giữa Thủ tướng VN - Nhật Bản; (3) Hội thảo trực tuyến “Eurocham gặp gỡ các tỉnh khu vực miền Trung”