1. Vị trí con đường
Thuộc Phường Thuỷ Vân
Điểm đầu: Đường Võ Chí Công (Cổng làng Dạ Lê Chánh)
Điểm cuối: Cầu Uẩn (đường Nguyễn Thị Diệm)
2. Tiểu sử lịch sử gắn liền với con đường
Dạ Lê Chánh, làng Dã Lê Chánh (còn gọi là Dã Lê Hạ, Dã Lê Gót; Dạ Lê) nay thuộc xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy, nơi có di tích đình Dạ Lê được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Làng Dã Lê Chánh hai mặt đông và tây giáp sông Như Ý và Lợi Nông, nổi tiếng với cánh đồng làng “cò bay thẳng cánh”. Bên cạnh nghề làm nông trồng lúa, nghề phụ đánh bắt cá ở sông, hói, ruộng đồng, làng có nghề đan gót tre (cót) nổi tiếng. Tương truyền, tre được mua ở Nguyệt Biều, Lương Quán, Bằng Lãng, rồi kết bè xuôi theo dòng sông Hương - Như Ý về làng. Gót mua về, quây thành bồ và có khi dùng làm phên, liếp. Xưa, sau mùa vụ rảnh rang, người dân làng Dã Lê Chánh gánh gót đi bán dạo ở khắp các vùng miền trong tỉnh. Người dân Dã Lê Chánh nỗ lực học tập. Chỉ tính riêng từ nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, làng đã có 4 cử nhân, gồm Nguyễn Văn Quý (1850), Lê Đình Mại (1876), Nguyễn Diệu (1888) và Nguyễn Viết Song (1900). Ông Nguyễn Viết Song sau đó đỗ tiến sĩ (1901), làm quan tới Tham tri Bộ Lại, về nghỉ với hàm Thượng thư trí sự. Còn cụ Lê Đình Mại có tinh thần chống Pháp, dù làm tri huyện vẫn hăng hái hưởng ứng và tham gia khởi nghĩa, bị xử tội chết. Con là Lê Đình Mộng tiếp tục tinh thần quật cường của cha, là một trong số những người đi đầu trong phong trào chống thuế, bị bắt đày ra Côn Đảo.
Từ năm 1471, dưới thời nhà Lê đã có làng Dã Lê, hợp cùng với làng Lang Xá. Đúng 101 năm sau đó (1572) tách ra, làng Dã Lê nhận đất và dân ba phần, còn Lang Xá một phần. Cái tên Dã Lê xuất hiện ngay trong “Ô châu cận lục”, cuốn sách đầu tiên ghi chép về vùng Thuận Hóa-Thừa Thiên Huế, do Dương Văn An (1514-1591) hiệu đính, tràn đầy xúc cảm: “Mưa Dã Lê tưới cho vườn quả thêm mượt mà, gió Hoa Thử đưa hương mùi lúa chín”.
Vào thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn, làng Dã Lê Chánh vận động gia đình đông con, mỗi nhà một người lên vùng đồng ruộng phía nam của làng để canh tác, gìn giữ và coi sóc, lần hồi sinh tụ đông đúc đã hình thành nên thôn Dã Lê Thượng thuộc làng. Mãi tới tháng giêng năm 1689, làng và thôn được cấp bằng biệt lập hai làng. Hai làng Dã Lê bắt đầu tồn tại song song từ đó.