Võ Trường Toản
  

1. Vị trí con đường

Thuộc Phường Thuận An

Điểm đầu: Đường Kinh Dương Vương

Điểm cuối: Hồ nuôi trồng thủy sản

2. Tiểu sử lịch sử gắn liền với con đường

Võ Trường Toản (?- 1792), hiệu là Sùng Đức, quê làng Thanh Kệ, dinh Quảng Đức (nay thuộc huyện Quảng Điền, Huế), sau vào Nam, ngụ tại huyện Bình Dương, phủ Gia Ðịnh (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông nổi tiếng là một người thầy đạo cao, đức trọng, uyên bác hơn người tại miền Nam Việt Nam ở thế kỷ 18. Trong thời chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh, Võ Trường Toản không đi thi để ra làm quan mà ở ẩn, mở trường dạy học ở Hòa Hưng (khu vực quận 3 - TPHCM ngày nay).

Võ Trường Toản là một nhà nho nhưng lối dạy của ông không theo lối máy móc, giáo điều của nho học lạc hậu, cổ hủ mà lại có cách dạy học rất khoa học. Ông chủ trương lấy lối học “Nghĩa lí để giáo hóa” và luôn căn dặn học trò khi đọc sách cần thấu triệt nội dung của cuốn sách, chứ không nên học vẹt từng câu, từng chữ. Cách dạy ấy thường được gọi là “Tri tôn dưỡng khí”, tức là làm việc nghĩa, cống hiến hết mình cho nghĩa lớn. Học trò của ông có nhiều người đã đỗ đạt làm quan lớn như: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định (người đời gọi là “Gia Định tam gia thi” - 3 nhà thơ nổi tiếng đất Gia Định); tất cả những học trò của Võ Trường Toản đều là “Hào khí Đồng Nai”. Hào khí ấy đã được ông hun đúc cho người đương thời và còn tồn tại mãi mãi về sau. Những nho sĩ thuộc thế hệ sau như: Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân,… đều chịu ảnh hưởng về đạo đức, học phong, sĩ khí của nhà giáo Võ Trường Toản nên đã giữ trọn tiết tháo (chí cương trực và trong sạch) khi nước nhà bị xâm lược.

Võ Trường Toản còn là một nhà thơ nhưng những tác phẩm của ông gần như bị thất lạc toàn bộ, trong tàng thư chỉ còn lưu giữ một bài “Hoài Cổ Phú”, viết bằng chữ Nôm, duy nhất 24 “Đối câu”. Với ông, trong sự thăng trầm và biến đổi xã hội thì chỉ có lòng nhân nghĩa mới là cái trường tồn đích thực, vì vậy con người phải quyết tâm gìn giữ.

Võ Trường Toản mất ngày mùng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý (tức 27/7/1792). Chúa Nguyễn cảm mến, tiếc thương, ban từ hiệu là “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ Tiên sinh” (nghĩa là bậc xử sĩ Võ Tiên sinh, người Gia Định, sùng về đạo đức) để ghi vào mộ. Để tưởng nhớ công đức của thầy, học trò cũ của ông đã có đôi liễn tưởng niệm:

                    “Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử

                     Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong”

          Dịch nghĩa:

                    “Lúc sống, dạy dỗ được người, không con mà như có

                     Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn”

Hiện trong Tụy Văn lâu nằm trong khuôn viên Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có đặt bài vị thờ ông, tên ông còn được đặt tên cho các công trình công cộng, như đường phố, trường học.

 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ

Thư viện ảnh